(HNMO) - Cho dù Đại hội (ĐH) thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 (ABG - Asian Beach Games 5) năm 2016 không phải là sân chơi quan trọng nhất nhưng khi tham gia vào Đoàn thể thao Việt Nam tham dự ĐH, thể thao Hà Nội vẫn cố gắng giữ vai trò chủ công như
ABG 5 sẽ chính thức vào cuộc từ ngày 24-9 |
Hôm nay, khai mạc ABG 5 Lễ khai mạc ABG 5 sẽ diễn ra vào tối 24-9 tại TP Đà Nẵng. Khoảng 4.600 quan chức, trọng tài, HLV, VĐV đến từ 45 quốc gia, vùng, lãnh thổ sẽ dự tranh ở 14 môn với 22 phân môn tranh 172 bộ huy chương. ABG 5 sẽ kết thúc vào ngày 3-10. |
“Thông lệ” này hình thành mỗi khi thể thao Hà Nội góp mặt trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games hay ASIAD. ABG là sân chơi mới mẻ với thể thao Việt Nam, khó so đọ về tầm mức so với sân chơi trong nhà nhưng cũng có những ý nghĩa riêng bởi vai trò làm phong phú đời sống thể thao Châu Á. Dự sân chơi này, thể thao Việt Nam cũng có mục tiêu chuyên môn nhất định, trong đó phải vào nhóm 5 nước dẫn đầu cho xứng vai chủ nhà cũng như công sức đầu tư cho ĐH. Không ngẫu nhiên khi thể thao Việt Nam cử tới 320 VĐV dự tranh hầu hết số môn thi đấu tại ĐH. Đây là con số VĐV kỷ lục của thể thao Việt Nam trong lịch sử dự ABG. Lực lượng VĐV hùng hậu cùng với việc có nhiều môn thế mạnh nên thậm chí đoàn Việt Nam có thể còn giành thành tích tốt hơn. Tại ABG 4 cách đây hai năm, Việt Nam đã lần đầu xếp thứ 5 toàn đoàn khi giành 8 HCV, 12 HCB, 20 HCĐ. Trong số này, VĐV Hà Nội thuộc môn muay, bóng gỗ đóng góp 2 HCV cho đoàn Việt Nam.
Trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam, Hà Nội đóng góp tới 77 VĐV ở 14 môn gồm điền kinh, vật, penkak silat, kabaddi, kurash, muay, jujitsu, bi sắt, đá cầu, bóng gỗ, bóng ném nữ, cầu mây, thể hình, rowing. Dù vẫn chăm chút cho các mục tiêu ở SEA Games 2017, ASIAD 2018, ĐH thể thao toàn quốc năm 2018 cũng như vòng loại Olympic 2020, song thể thao Hà Nội cũng có sự đầu tư nhất định cho các VĐV tham dự ABG 5 bên cạnh sự đầu tư của Tổng cục TDTT. Đơn giản vì Hà Nội có nhiều môn có thể đóng góp HCV cho Đoàn thể thao Việt Nam như bóng gỗ, pencak silat, muay, đá cầu, jujitsu, bi sắt… Điều kiện kinh phí của thể thao Hà Nội trong thời điểm vừa qua không dư dả nhưng VĐV Hà Nội cũng được tạo điều kiện tập huấn, thi đấu quốc tế nhằm đáp ứng nhiệm vụ quốc gia.
Từ đầu năm đến nay, thành tích của các môn như bóng gỗ, muay, jujitsu đều ổn định. Cách đây gần hai tháng, các võ sĩ Hà Nội đã đóng góp vào 6/8 HCV của đội tuyển jujitsu Việt Nam tại giải vô địch jujitsu bãi biển Châu Á 2016 tại Sri Lanka. Đây cũng là môn thi đấu được thể thao Hà Nội đầu tư khá mạnh tay trong đó có việc mời chuyên gia người Brazil - quê hương môn võ này, huấn luyện cho các võ sĩ. Trong khi đó, VĐV ở một số môn khác như điền kinh, vật cũng được hy vọng gây bất ngờ. Cách đây hai năm, á quân ASIAD 2016 Bùi Thị Thu Thảo (Hà Nội) cũng từng giành HCB nhảy xa tại ABG 4. Lần này, Bùi Thị Thu Thảo vẫn tham dự và được hy vọng đổi màu huy chương. Còn ở môn vật, một Kiều Thị Ly trẻ trung, đang đà phát triển cũng được hy vọng sẽ gây đột biến.
Chưa thể nói quá sớm về thành tích của thể thao Hà Nội tại một ĐH thể thao tầm cỡ châu lục, kể cả khi có lợi thế chủ nhà. Nhưng có thể hy vọng vào một kỳ ĐH thành công của thể thao Việt Nam nói chung cũng như Hà Nội nói riêng khi tất cả đã được chuẩn bị kỹ lưỡng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.