Chính trị

Hà Nội - Trường Sa, không xa

Hương Ly 09/06/2024 18:29

Thành phố Hà Nội luôn quan tâm, dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với quân và dân đang sinh sống, công tác nơi biên giới, hải đảo trên khắp mọi miền của Tổ quốc

cover-ts1(3).jpg

Thành phố Hà Nội luôn quan tâm, dành những tình cảm tốt đẹp nhất đối với quân và dân đang sinh sống, công tác nơi biên giới, hải đảo trên khắp mọi miền của Tổ quốc, đặc biệt là với quân và dân huyện đảo Trường Sa, cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK1. Chuyến thăm của đoàn Công tác thành phố Hà Nội cuối tháng 4-2024 tô thắm thêm nghĩa tình sâu nặng mà Thủ đô Hà Nội dành tặng cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời quê hương.

cover2-ts1.jpg

Vượt qua hơn một nghìn hải lý, con tàu 571 đã đưa Đoàn công tác thành phố Hà Nội năm 2024 đến thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Hải trình đã giúp những người con của Thủ đô Hà Nội được chứng kiến tinh thần kiên cường, bất khuất của quân và dân trên các điểm đảo, cảm nhận rõ hơn niềm tự hào thiêng liêng về Tổ quốc, về hai tiếng “Việt Nam!”.

Hiên ngang nơi đầu sóng

Trước khi bước vào hải trình đầy ý nghĩa, Đoàn công tác thành phố Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn cùng 120 đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Khu tưởng niệm các chiến sĩ Gạc Ma tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa.

dtnls-gac-ma.jpg
Tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của đất nước, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma. Ảnh: Phú Huy.

Khu tưởng niệm được xây dựng nhằm tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại giữa biển khơi vào ngày 14-3-1988 trong trận chiến trên đảo Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa.

Tại đây có tượng đài mang tên “Những người nằm lại phía chân trời” khắc họa hình ảnh 64 người con quả cảm của đất nước, trong giây phút cuối cùng, vẫn giữ chặt lá cờ Tổ quốc trên tay để đánh dấu mốc chủ quyền trên đảo đá Gạc Ma. Trước lúc hy sinh, các anh đứng thành vòng tròn bất tử, quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, giữa xung quanh là sóng nước Trường Sa. Sự hy sinh kiên cường của 64 chiến sĩ mãi mãi là bản hùng ca bất tử, truyền tỏa ngọn lửa yêu nước, tình yêu biển đảo thiêng liêng cho các thế hệ hôm nay.

Rời quân cảng Cam Ranh với niềm xúc động sâu sắc về sự hy sinh anh dũng của những chiến sỹ hải quân trên đảo đá Gạc Ma, các thành viên đoàn công tác thành phố Hà Nội chính thức bước vào một hải trình đầy ý nghĩa.

Hai điểm dừng chân đầu tiên của đoàn công tác thành phố Hà Nội là đảo Song Tử Tây và Sinh Tồn. Cái nắng chói chang của Trường Sa những ngày tháng 4 như dịu lại bởi màu xanh của cây, của hoa được phủ kín trên các điểm đảo. Nhìn từ xa, xã đảo Song Tử Tây như một thành phố thu nhỏ với những nếp nhà khang trang ẩn dưới những rặng cây xanh mát.

box-truong-sa1.jpg

Trung tá Đào Xuân Nam, Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết, xã đảo có nhiều giếng nước lợ, có thể dùng để tắm giặt và tưới cây. Môi trường sinh thái tại Song Tử Tây cũng khá thuận lợi nên quân và dân trên đảo có thể tăng gia sản xuất, phát triển chăn nuôi và trồng được nhiều loại rau xanh trong 4 mùa.

Không chỉ có môi trường sinh thái tươi đẹp, xã đảo Song Tử Tây còn có bệnh xá khang trang, hiện đại được xây dựng trên diện tích 1.000m2 với 1 phòng mổ, 4 phòng bệnh và 8 phòng chức năng. Bệnh xá được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bảo đảm y tế từ năm 2006. Cùng với việc không để xảy ra dịch bệnh trên đảo, bệnh xá đã tổ chức khám bệnh và điều trị cho các bệnh nhân, cấp cứu thành công nhiều ca bệnh nặng.

dsc02358.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 khám bệnh cho các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Hữu Tiệp.
dsc02381.jpg
Bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chữa bệnh, chăm sóc cho các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: Hữu Tiệp.

Bác sĩ Lê Văn Quốc, một người con của quê hương Thanh Trì - Hà Nội, ra công tác trên đảo Song Tử Tây được gần 1 năm. Anh cho biết: Ngoài đảo, dù lực lượng mỏng, trang thiết bị máy móc không được đầy đủ, nhưng các bác sĩ ở đây đã cứu chữa được nhiều ca bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cho quân, dân xã đảo.

Như Song Tử Tây, xã đảo Sinh Tồn được bao phủ bởi màu xanh tít tắp nhờ mồ hôi, công sức của bao lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ. Đời sống vật chất và tinh thần của quân và dân trên đảo ngày càng được cải thiện.

Đắm mình trong tiếng chuông chùa của hai xã đảo, lặng ngắm các em học sinh nắn nót viết những nét chữ tròn trịa và tập đọc bài thơ “Quê em ở Trường Sa”, một cảm giác thanh bình yên ả đã xóa nhòa khoảng cách hơn một ngàn hải lý giữa biển đảo với đất liền; giữa Hà Nội với Trường Sa.

Đến đảo Cô Lin, các điểm đảo: Núi Le B, Tốc Tan B, Đá Tây A, Đá Tây C, dù mỗi đảo có địa hình và diện tích khác nhau, nhưng có một điểm chung nhất chính là những vườn rau xanh mát được vun trồng bởi những chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ nhưng vô cùng rắn rỏi, vững chãi trước nắng, gió Trường Sa.

da-tay-a-qc-thai-.jpg
Đảo Đá Tây (huyện đảo Trường Sa) - điểm tựa an toàn cho ngư dân các tỉnh miền Trung vươn khơi, bám biển. Tại đây, ngoài âu tàu rất lớn để tàu thuyền tránh trú bão, còn có Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá (Công ty TNHH MTV Dịch vụ khai thác hải sản biển Đông) cung cấp dịch vụ để ngư dân đánh bắt hải sản.

Rời các điểm đảo với hành trang đầy ắp những lời nhắn nhủ yêu thương của các chiến sĩ gửi về đất liền, đảo Trường Sa lớn đã rất gần. Thế nhưng, khi chính thức được đặt chân lên đảo, tôi vẫn cảm thấy mình vô cùng may mắn khi được được tận mắt chứng kiến sức sống mãnh liệt của xã đảo Trường Sa, nơi được mệnh danh là “Thủ đô” của huyện đảo Trường Sa. Đây cũng là nơi từng in dấu những con tàu thuộc đoàn tàu “không số” trên con đường huyền thoại Hồ Chí Minh trên biển năm xưa, chi viện vũ khí và trang thiết bị cho chiến trường, chia lửa với miền Nam ruột thịt.

Trường Sa lớn hôm nay vững chãi giữa biển Đông hùng vĩ với sân bay, trạm xá và cuộc sống chẳng khác với đất liền. Ngắm nhìn nhà khách Thủ đô khang trang ở Trường Sa lớn và những công trình mà Thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng tại huyện đảo, bỗng cảm thấy Hà Nội – Trường Sa dường như đã xóa nhòa sự xa cách về địa lý, chỉ còn lại những nghĩa tình nặng sâu, vì Hà Nội - Trường Sa không còn xa.

box-truong-sa2.jpg

Tại Trường Sa lớn, chúng tôi may mắn gặp Trung tá Cấn Ngọc Sơn, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng của đảo. Trung tá Sơn quê ở huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Trao gửi những cái nắm tay thật chặt, ấm áp tình quân dân với các thành viên đoàn Hà Nội, Trung tá Cấn Ngọc Sơn bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi là một người con Hà Nội được chiến đấu ở Trường Sa.

“Được công tác ở Trường Sa đã giúp tôi cảm nhận rõ hơn trọng trách thiêng liêng đối với Tổ quốc và mong ước được tiếp nối niềm tự hào về truyền thống anh hùng của người Hà Nội. Chúng tôi sẽ luôn đoàn kết một lòng, nắm chắc tay súng, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc”, Trung tá Cấn Ngọc Sơn xúc động chia sẻ.

Lan tỏa tinh thần hướng về Trường Sa

y-kien-chi-tuyen(1).png

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, biển, đảo Việt Nam là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, là máu thịt của đất mẹ Việt Nam, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Nếu Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, thì Trường Sa là trái tim của biển Việt Nam. Với tất cả niềm tin yêu, gắn bó, nghĩa tình của Thủ đô Hà Nội đối với quân, dân huyện đảo Trường Sa, với tình cảm “Có một Trường Sa trong lòng Hà Nội” và “Cả nước vì Trường Sa, Hà Nội vì Trường Sa”.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng cho biết, từ năm 2009 đến nay, với tinh thần "Vì biển, đảo Việt Nam", cùng với cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa để cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các vùng biển, đảo, góp phần xây dựng và bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

luu-but-chi-tuyen.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi sổ lưu niệm trên đảo Trường Sa.

Cùng với việc đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô về biển đảo, thành phố Hà Nội đã quan tâm, tổ chức các Đoàn công tác đi thăm, động viên, tặng quà quân, dân trên các đảo; trao kinh phí hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao điều kiện làm việc, sinh hoạt, học tập của quân và dân trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Từ năm 2016 đến nay, thành phố Hà Nội đã vận động được hàng trăm tỷ đồng ủng hộ Quỹ "Vì biển, đảo Việt Nam"; hỗ trợ xây dựng 8 nhà văn hóa đa năng trên các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, có ý nghĩa rất thiết thực, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thành phố Hà Nội đối với Trường Sa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, phục vụ sinh hoạt, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các Đảo.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, thành phố Hà Nội luôn quan tâm công tác tuyên truyền, giáo dục về vị trí, vai trò, sự cần thiết và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân Thủ đô đối với nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền Biển, đảo Việt Nam; về những khó khăn, vất vả, sự hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đảo xa.

Qua đó, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tiếp tục lan tỏa tinh thần hướng về Trường Sa, Nhà giàn DK1 của cấp ủy, chính quyền và nhân dân Thủ đô; để Trường Sa luôn trong trái tim Hà Nội và Hà Nội luôn chung nhịp đập với Trường Sa. Từ đó, cùng cả nước chung tay xây dựng Biển, đảo quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

c-tguyen.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến bắt tay các sĩ quan Quân chủng Hải Quân. Ảnh: Quang Thái.

Hằng năm, Hà Nội có hàng trăm thanh niên tình nguyện nhập ngũ vào Quân chủng Hải Quân, xung phong ra công tác tại Trường Sa. Những người con Hà Nội thực hiện nhiệm vụ tại các đơn vị thuộc Quân chủng hải quân, tại các đảo, Nhà giàn DK1 đã phát huy tốt truyền thống vẻ vang của Thủ đô anh hùng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người quân nhân cách mạng; làm tròn nghĩa vụ thiêng liêng của người công dân Thủ đô, xứng đáng với tình cảm, sự tin yêu của cấp ủy, chính quyền địa phương và gia đình. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô sẽ luôn và tiếp tục quan tâm chăm lo tốt chính sách hậu phương quân đội để cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, ngày đêm chắc tay súng bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Những câu chuyện cảm động trong chuyến hải trình của đoàn công tác thành phố Hà Nội năm 2024 cũng đã mang theo tình cảm hậu phương từ Thủ đô Hà Nội đến Trường Sa; tạo nên một sợi chỉ đỏ, kết nối yêu thương để Hà Nội – Trường Sa mãi mãi ân nặng tình sâu.

↓ XEM TIẾP ↓

Bài viết: Hương Ly
Ảnh: Quang Thái - Hữu Tiệp
Trình bày: Hữu Tiệp

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - Trường Sa, không xa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.