Chính trị

Bài 3: Linh thiêng tiếng Tổ quốc gọi

Huương Ly 09/06/2024 18:35

Tạm biệt người thân ở hậu phương, những cán bộ, chiến sĩ công tác nơi đảo xa đã tạm gác lại những tình cảm riêng để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

tit-cover-ts3.jpg

Tạm biệt người thân ở hậu phương, những cán bộ, chiến sĩ công tác nơi đảo xa tạm gác lại những tình cảm riêng để làm tròn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nắng, gió Trường Sa và tiếng gọi linh thiêng của Tổ quốc đã tôi luyện nên những chiến sĩ Trường Sa rắn rỏi, kiên trung nhưng cũng vô cùng ấm áp, nghĩa tình.

Gác lại những niềm riêng

Tại 7 điểm đảo và Nhà giàn DK1/8 Quế Đường mà đoàn công tác Hà Nội dừng chân, có một điểm chung là các chiến sĩ nơi đây tuổi đời còn rất trẻ. Môi trường công tác nơi đảo xa đã rèn luyện bản lĩnh, ý chí kiên cường của người lính đảo.

Trò chuyện với chiến sĩ Nguyễn Văn Lâm (quê Hà Tĩnh), anh phấn khởi chia sẻ niềm vui sắp “lên chức” bố. “Chị chụp giúp em một tấm hình gửi cho bà xã ở quê với nhé. Hai tháng nữa vợ em sinh rồi. Chỉ tiếc là lúc cháu chào đời, em lại đang làm nhiệm vụ ở đảo”, chiến sĩ Nguyễn Văn Lâm xúc động chia sẻ.

Câu chuyện của nhà báo Thanh Hồng về người em trai, Thượng úy Phạm Viết Khương Duy, Phân đội trưởng Phân đội 2, Cụm 3 đảo Trường Sa cũng khiến tôi vô cùng xúc động. Ngày 27-12-2023, Khương Duy vào Cam Ranh nhận nhiệm vụ công tác tại huyện đảo Trường Sa cũng là ngày người vợ trẻ trở dạ sinh con. Duy chỉ kịp ôm con một lát tại bệnh viện rồi vội vã lên đường làm nhiệm vụ. Đến nay, đó cũng là lần duy nhất anh được gặp và bế con. Chia sẻ những nỗi nhớ, niềm thương vợ trẻ và con thơ ở đất liền, Thượng úy Phạm Viết Khương Duy cho biết, gia đình chính là nguồn động viên to lớn, là sức mạnh để anh an tâm công tác, hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ nơi biển, đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Chiến sĩ Đỗ Đức Giáp (xã Kim Chung, huyện Đông Anh) cũng đã có thâm niên công tác tại 5 xã đảo ở huyện đảo Trường Sa, hiện đang làm nhiệm vụ tại đảo Song Tử Tây. Hành trang yêu thương của anh khi làm nhiệm vụ nơi đảo xa là người vợ trẻ và 2 con nhỏ nơi quê nhà. Nhận được món quà hậu phương, Giáp không giấu được nỗi xúc động. “Ở đảo, em vẫn có thể gọi điện thường xuyên về cho nhà em và các cháu, nhưng không rõ các con em giờ cao đến đâu, lớn từng nào. Gặp được đoàn Hà Nội ra thăm đảo, em mừng quá chị ơi”, Đỗ Đức Giáp chia sẻ.

Gác lại những niềm riêng, chiến sĩ Nguyễn Bá Phong rời quê hương Nghệ An nhận nhiệm vụ công tác trên tàu 571. Anh Phong cho biết, với các chiến sĩ ở Trường Sa, việc không thể có mặt trong những giờ phút trọng đại của gia đình là điều hoàn toàn… bình thường. “Tôi vẫn may mắn khi vợ sinh con thứ hai thì trùng với kỳ nghỉ phép 45 ngày, nên có cơ hội được chứng kiến giây phút con chào đời. Anh em ở đây đều xác định, làm nhiệm vụ là sẵn sàng gác lại những niềm riêng. Khi đã xác định làm vợ lính, bà xã tôi cũng như hậu phương của các anh em khác đều rất đảm đang, kiên cường, là chỗ dựa tinh thần vững chắc để chúng tôi yên tâm bám biển, bám đảo”, chiến sĩ Nguyễn Bá Phong chia sẻ.

Hiên ngang nơi đầu sóng, ngọn gió

linh5.jpg
Nhà dàn DK1/8 Quế Đường hiên ngang giữa biển Đông. Ảnh: Quang Thái

Ngắm nhìn những gương mặt căng tràn sức trẻ dạn dày sóng gió, thăm nơi ăn chốn ở quy củ, ngăn nắp, phòng tập thể hình với đầy đủ trang thiết bị hiện đại, tôi được biết, ngoài việc rèn luyện, sẵn sàng chiến đấu, cuộc sống thường nhật của các chiến sĩ cũng bình dị như nơi đất liền. Ngoài việc dành thời gian tập luyện thể thao để nâng cao thể chất, các đảo đều có những vườn rau xanh đủ để cung cấp bữa ăn hằng ngày cho cán bộ, chiến sĩ.

Các chiến sĩ tuổi 20 trên đảo Tốc tan B - Ảnh: Hương Ly
Các chiến sĩ tuổi 20 trên đảo Tốc tan B. Ảnh: Hương Ly

Thiếu tá Tôn Vũ Cường, Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/8 Quế Đường chia sẻ, ở đây anh em tăng gia sản xuất trồng rau, câu cá, chăn nuôi... bảo đảm cung cấp đầy đủ nguồn rau xanh và thực phẩm cho bữa ăn hằng ngày.

box1-truong-sa-b3(1).jpg

Gặp gỡ các thành viên đoàn Hà Nội, Thiếu tá Tôn Vũ Cường xúc động chia sẻ: “Nhiều đoàn công tác thăm Trường Sa nhưng không lên được nhà giàn do thời tiết không ủng hộ, song những tình cảm nồng ấm của đất liền đã tiếp thêm cho các chiến sĩ nhà giàn sức mạnh để bảo vệ chủ quyền vùng biển nơi tuyến đầu của Tổ quốc".

Chiến sĩ Nguyễn Minh Nghĩa, quê ở xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn Hà Nội vừa tốt nghiệp lớp 12 thì trúng tuyển nghĩa vụ quân sự và được phân công làm nhiệm vụ ở đảo Sinh Tồn.

“Nhờ các cô về đất liền nhắn giúp với mẹ là con vẫn khỏe để mẹ con yên tâm nhé”. Lời nhắn nhủ giản dị nhưng chứa đựng bao tình cảm ấm áp mà Minh Nghĩa muốn gửi tới người mẹ hiền ở hậu phương khiến chúng tôi vô cùng cảm động.

Giống như Minh nghĩa, chiến sĩ Nguyễn Văn Long cũng vừa tròn 20 tuổi, tạm biệt quê hương Thái Bình đến làm nhiệm vụ trên đảo Sinh Tồn. Tham gia giao lưu văn nghệ với đoàn công tác được một lúc, tôi đã thấy Long quân phục trang nghiêm, sẵn sàng vào ca trực. “Nhờ cô chụp giúp con một tấm hình đang làm nhiệm vụ và gửi về cho ba con nhé. Lâu lắm con không gửi được hình về cho ba. Giờ con ra thay ca. Con chúc các cô, chú đoàn mình thượng lộ bình an”.

Chia tay chúng tôi, Long vội vã vào ca trực. Ngắm nhìn chiến sĩ tuổi 20 bồng súng bên cột mốc chủ quyền quốc gia, giữa huyện đảo Trường Sa hiên ngang, tươi đẹp, chúng tôi tự nhủ sẽ trao bằng được những tấm hình em đang làm nhiệm vụ tới gia đình, để người thân của em được ngắm nhìn người con yêu quý đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng.

Kết nối Trường Sa - Hà Nội

“Trường Sa ơi mai tàu cập bến,
Ta lại về với phố thị thân thương.
Vòng tay ấm, bữa cơm sum họp,
Và riêng chung câu chuyện vui buồn”.

Trở lại Thủ đô Hà Nội, lời hát da diết khi chia tay Trường Sa vẫn còn nguyên cảm xúc. Cảm giác “say đất liền” khiến tôi và nhiều thành viên đoàn công tác đi đứng có phần không vững. Song việc đầu tiên tôi muốn thực hiện là liên hệ với hậu phương của các chiến sĩ trẻ.

linh11.jpg
Phút chia tay đảo Trường Sa lớn, Đoàn công tác thành phố và cán bộ, chiến sĩ trên đảo cùng ngân cao tiếng hát ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước. Ảnh : Quang Thái

Trao gửi những tấm ảnh của chiến sĩ trẻ Nguyễn Minh Nghĩa, tôi vui lây niềm vui của người mẹ có hai con trai là chiến sĩ Hải quân của chị Nguyễn Thị Lành (xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Chị Lành cho biết, Minh Nghĩa sinh năm 2004, là con thứ hai trong gia đình. “Con hiền và tình cảm lắm em ơi. Trước khi ra đảo còn tự tay nhuộm tóc cho mẹ. Nhìn ảnh con rám nắng, đen hơn hẳn so với lúc ở nhà, nhưng con rắn rỏi, khỏe mạnh là chị yên tâm rồi”, chị Nguyễn Thị Lành xúc động chia sẻ.

box2-truong-sa-b3.jpg

Gặp gỡ chiến sĩ Mai Tiến Mạnh, công dân quận Long Biên trong chuyến hải trình của Đoàn công tác Hà Nội tại đảo Trường Sa lớn, Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên Nguyễn Quốc Long vô cùng xúc động. Cuối tháng 5 vừa qua, anh Long đã trực tiếp tới thăm, động viên gia đình chiến sĩ Mai Tiến Mạnh ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Những tình cảm nồng ấm từ đảo xa được các thành viên đoàn công tác Hà Nội trao gửi về hậu phương đã giúp kết nối những “sợi chỉ đỏ” từ Thủ đô Hà Nội tới Trường Sa như một lời khẳng định Hà Nội - Trường Sa, không xa.

Là tác giả của 3 bức tranh về Trường Sa trên con tàu 571 được đấu giá gây quỹ Khuyến học huyện đảo Trường Sa, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường xúc động cho biết, bản thân anh và các thành viên trong đoàn vô cùng xúc động, tự hào trước sự kiên cường của quân và dân trên các điểm đảo.

“Cảm phục các chiến sĩ, tôi mong muốn mỗi người dân ở đất liền sẽ đoàn kết hơn, vững tin hơn để chung tay, góp sức xây dựng các điểm đảo; đóng góp một phần nhỏ để các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân có cơ sở vật chất tốt hơn nữa khi thực hiện nhiệm vụ”, anh Nguyễn Văn Trường chia sẻ.

box3-truong-sa-b3.jpg
linh15(1).jpg
Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hà Đông Nguyễn Văn Trường phát biểu tại cuộc đấu giá tranh ủng hộ Quỹ khuyến học huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Quang Thái
Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên Mai Quốc Long thăm, động viên gia đình chiến sĩ Mai Tiến Mạnh ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên sau chuyến công tác tới huyện đảo Trường Sa - Ảnh: Quốc Long
Trưởng ban Dân vận Quận ủy Long Biên Nguyễn Quốc Long thăm, động viên gia đình chiến sĩ Mai Tiến Mạnh ở phường Phúc Lợi, quận Long Biên sau chuyến công tác tới huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Quốc Long
box4-truong-sa-b3.jpg

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Trưởng đoàn công tác thành phố Hà Nội đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa năm 2024, những việc làm ý nghĩa mà thành phố Hà Nội thực hiện nhiều năm qua với tình yêu biển đảo đã khẳng định: Trường Sa luôn trong trái tim Hà Nội và Hà Nội luôn chung nhịp đập với Trường Sa. Qua đó, góp phần cùng cả nước chung tay xây dựng biển, đảo quê hương ngày càng phát triển, giàu mạnh; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, phát triển từ biển, giàu từ biển.

↓ XEM TIẾP ↓

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 3: Linh thiêng tiếng Tổ quốc gọi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.