Chính trị

Bài 2: Ấm áp tình cảm từ hậu phương

Hương Ly 09/06/2024 18:25

Hải trình của Đoàn công tác thành phố Hà Nội năm 2024 đã mang theo những tình cảm ấm áp từ hậu phương gửi tới những cán bộ, chiến sĩ ở vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

tit-cover-ts2.jpg

Hải trình của Đoàn công tác thành phố Hà Nội năm 2024 đã mang theo những tình cảm ấm áp từ hậu phương gửi tới những cán bộ, chiến sĩ ở vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Những đặc sản từ Thủ đô Hà Nội cũng đã cùng đoàn công tác vượt sóng biển Đông để được trao tận tay quân và dân huyện đảo Trường Sa. Trở lại đất liền, những thành viên của đoàn công tác lại trở thành những “người đưa thư” giúp kết nối trái tim của biển đảo với đất liền.

Quà Hà Nội cập bến Trường Sa

Hành trang ra huyện đảo Trường Sa của Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Minh Tâm, ngoài những món quà được gửi gắm từ đất liền, còn có hai món quà của những người vợ chiến sĩ gửi cho người thương nơi đảo xa.

Trực tiếp trao món quà của cô giáo Nguyễn Thị Lan Anh cho chiến sĩ Đỗ Đức Giáp đang công tác tại đảo Song Tử Tây, cả người trao và nhận quà đều bùi ngùi xúc động. Cuộc gặp gỡ giữa biển trời bao la của Tổ quốc dường như đã xóa nhòa những nỗi nhớ thương giữa biển đảo và đất liền. Món quà của người vợ hiền và hai con nhỏ ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh đã cùng đoàn công tác thành phố vượt sóng biển Đông và được trao tận tay chiến sĩ Đỗ Đức Giáp.

box-truong-sa-b2.jpg

Hải trình cũng đã giúp chị Nguyễn Thị Minh Tâm được gặp người đồng hương trên đảo Trường Sa lớn - Thiếu tá Đinh Văn Vang, quê ở xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh. Những cái bắt tay ấm áp tình cảm hậu phương đã được trao gửi giữa biển trời xanh thẳm. Các chiến sĩ cũng thêm ấm lòng khi được biết, nơi hậu phương đất liền, huyện Đông Anh đã gửi tặng vợ và con của các chiến sĩ hai cuốn sổ tiết kiệm với mong muốn góp phần hỗ trợ các chị vượt qua những khó khăn thường nhật của cuộc sống.

Cứ mỗi khi đặt chân tới các điểm đảo, mỗi thành viên đoàn công tác thành phố đều dành trọn vẹn thời gian tặng quà, gặp gỡ, động viên quân và dân trên đảo.

db-dong-vien-quan-dan-.jpg
Thành viên đoàn công tác thành phố Hà Nội trò chuyện với các cháu bé trên đảo Sinh Tồn. Ảnh: Hương Ly.

Những cảm xúc thân thương như được nhân lên, bởi tại các điểm đảo như: Đá Tây A, Trường Sa, Sinh Tồn, Song Tử Tây đều có những người con của Thủ đô đang góp sức bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Chia sẻ cảm nghĩ khi được làm nhiệm vụ tại huyện đảo Trường Sa, Thiếu tá Nguyễn Văn Thắng, y sĩ Bệnh xá đảo Đá Tây A đã bày tỏ niềm xúc động, tự hào khi được làm nhiệm vụ ở Trường Sa. Mong muốn lớn nhất của anh là không ngừng phấn đấu, rèn luyện để có cơ hội đóng góp một phần nhỏ bé bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong suốt chuyến hải trình đầy ý nghĩa lần này, đội văn nghệ của Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội đã tổ chức giao lưu văn nghệ tại tất cả các điểm đảo và nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Những tiết mục văn nghệ sôi động đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của quân và dân trên các điểm đảo, đặc biệt là các chiến sĩ trẻ. Mỗi thành viên đoàn công tác đều không ngăn nổi những cảm xúc dâng trào khi cùng các nghệ sĩ hát vang những ca khúc về Thủ đô để những chiến sĩ đang vào ca trực, không thể tham gia giao lưu văn nghệ được thưởng thức những ca khúc ấm áp tình quân dân.

Từ Thủ đô Hà Nội, nhà báo Thanh Hồng, Báo Nhân Dân cũng may mắn hội ngộ em trai, chiến sĩ Phạm Viết Khương Duy, Phân đội trưởng Phân đội 2, Cụm 3, đảo Trường Sa. Gặp gỡ và trò chuyện với Khương Duy ở Trường Sa và được anh chia sẻ là người thân của nhà báo Thanh Hồng, câu chuyện của chị em chúng tôi rôm rả mãi không dứt. Khi được hỏi về những khó khăn khi đóng quân ở đảo xa, Duy khẳng định chắc nịch: "So với các điểm đảo, Trường Sa lớn có điều kiện sinh hoạt tốt hơn rất nhiều. Em cảm thấy mình rất may mắn khi có cơ duyên được làm nhiệm vụ ở Trường Sa".

Khi đặc sản Hà Nội
vượt sóng biển Đông

Hàng trăm tấn quà tặng bao gồm đồ dùng, trang thiết bị thiết yếu, thực phẩm... đã theo đoàn thành phố Hà Nội vượt sóng biển Đông đến huyện đảo Trường Sa - Ảnh: Quang Thái
Hàng trăm tấn quà tặng bao gồm đồ dùng, trang thiết bị thiết yếu, thực phẩm... đã theo đoàn công tác thành phố Hà Nội vượt sóng biển Đông đến huyện đảo Trường Sa. Ảnh: Quang Thái.

Tham gia hải trình của đoàn công tác thành phố Hà Nội năm nay, nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng, chủ nhân chuỗi hệ thống phở Ngọc Vượng danh tiếng tại Thủ đô Hà Nội đã tự tay chế biến 3.000 tô phở phục vụ quân dân nơi tuyến đầu của Tổ quốc.

box2-truong-sa-b2.jpg

Ngọc Vượng chia sẻ, đây là lần thứ tư anh đến với Trường Sa. Đoàn công tác lên thăm đảo nào, anh đều tất bật vào bếp, tự tay nấu phở phục vụ quân và dân trên các điểm đảo với mong muốn đưa hương vị ngọt ngào của đất liền, của Phở Hà Nội đến được với Trường Sa.

“Thành công trong nghề nghiệp đã giúp tôi đạt nhiều danh hiệu, nhưng niềm tự hào nhất mà nghề nấu phở mang lại cho tôi chính là những chuyến thăm Trường Sa và được tự tay nấu hàng nghìn tô phở tặng cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên các đảo”, nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng chia sẻ.

Cùng với phở Ngọc Vượng, nhiều đặc sản Hà Nội cũng vượt sóng biển Đông và được các thành viên đoàn công tác trao tận tay quân và dân trên các điểm đảo. Phó Chủ tịch HĐND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, Đông Anh đã cẩn thận lựa chọn những nguyên liệu tốt nhất gồm: Gạo nếp cái hoa vàng, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong để gói 500 chiếc bánh chưng đặc sản OCOP của huyện nhà gửi tặng quân và dân trên các điểm đảo.

bw3a3370.jpg
Các chiến sĩ thưởng thức món phở của Nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng tự tay nấu tại đảo Trường Sa. Ảnh: Quang Thái.

“Các công đoạn gói bánh cũng được huyện chuẩn bị cẩn thận, kỹ lưỡng để bảo đảm bánh chưng Đông Anh khi ra tới Trường Sa vẫn thơm dẻo và giữ nguyên hương vị đặc trưng. Ngoài việc luộc bánh đủ 12 tiếng, để nguội, hút chân không và lưu kho mát giúp bánh giữ nguyên độ dẻo, vị thơm ngon khi ra đảo, huyện cũng rất kỹ càng khâu gói bánh để thành phẩm là những chiếc bánh chưng Đông Anh vuông vức, có màu xanh đẹp mắt, có hương vị thơm ngon gửi tặng quân và dân trên các điểm đảo”, chị Minh Tâm chia sẻ.

t1.jpg
Đoàn công tác thành phố Hà Nội trao tặng quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Song Tử Tây. Ảnh: Quang Thái.

Cùng với Đông Anh, những đặc sản OCOP của Hà Nội như: Kẹo lạc, kẹo dồi Phú Xuyên; vịt cỏ, chả vịt Ứng Hòa; rau củ quả sạch Mê Linh… cũng được bảo quản cẩn thận, tươi ngon và trao tận tay cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các điểm đảo.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phú Xuyên Bùi Thị Ngọc Lan cho biết, 3 tạ kẹo lạc, kẹo dồi đặc sản của Phú Xuyên đã vinh dự được cùng đoàn công tác thành phố đến Trường Sa. “Phấn khởi nhất là khi về đến đất liền, chúng tôi đã nhận được những cuộc điện thoại ấm áp của quân và dân trên đảo sau khi thưởng thức món đặc sản mộc mạc của Phú Xuyên”, chị Bùi Thị Ngọc Lan xúc động chia sẻ.

box-cuoi-b2.jpg

Thưởng thức tô phở nóng hổi, được chế biến đúng với hương vị phở gia truyền danh tiếng của Hà Nội, Đại úy Tống Văn Tùng, công tác tại đảo Trường Sa cho biết đã từng ăn phở Ngọc Vượng ở Hà Nội và lại được thưởng thức trên đảo Trường Sa.

“Tôi vẫn cảm nhận được hương vị thơm ngon như khi thưởng thức ở Hà Nội và thực sự cảm động. Những tô phở thơm ngon, nóng hổi là món quà thiết thực với anh em bộ đội khi được thay đổi khẩu vị mà ở đảo không phải lúc nào cũng có", Đại úy Tùng nói.

Cùng với các cán bộ, chiến sĩ, các nhà báo tham gia tác nghiệp tại Trường Sa cũng được nghệ nhân Vũ Ngọc Vượng nhiệt tình mời thưởng thức một bát phở nóng hổi ở Trường Sa lớn. Có lẽ, với chúng tôi, đây là tô phở đặc biệt nhất bởi nó đong đầy tình cảm của một nghệ nhân ở Hà Nội mong muốn gửi gắm tới đảo xa.

thai4.jpg
Nhà giàn DK1/8 Quế Đường. Ảnh: Hương Ly.

Những cảm nhận khó quên từ chuyến hải trình lần này cũng là dịp để mỗi thành viên đoàn công tác thành phố cảm nhận và hiểu rõ hơn tình quân dân thắm thiết. Đây cũng là dịp để những người con Thủ đô được ngắm nhìn Tổ quốc từ biển và cảm nhận sâu sắc hơn về ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.

↓ XEM TIẾP ↓

Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Ấm áp tình cảm từ hậu phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.