(HNMO) - Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng đối với công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật; xác định rõ các lĩnh vực cần ưu tiên hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của thành phố; kịp thời thể chế hóa đúng đắn nội dung Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố...
Đây là những nội dung trong Kế hoạch số 03-KH/TU được Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành ngày 6-11-2020 về thực hiện Kết luận số 83-KL/TƯ ngày 29-7-2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TƯ ngày 24-5-2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Theo đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội thành phố quán triệt, triển khai và thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành; xác định rõ trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, bảo đảm tiến độ, chất lượng, quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật...
Cùng với đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn thành phố. Xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thi hành pháp luật. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thi hành pháp luật; phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật.
Ban Thường vụ Thành ủy cũng yêu cầu phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, gắn với tổ chức thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị; chú trọng phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.
Đồng thời, các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò, tăng cường các hoạt động phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn thành phố. Các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương thường xuyên đổi mới, lựa chọn nội dung và hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phù hợp với điều kiện thực tiễn ở cơ sở, nhằm tạo bước chuyển biến về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.