Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND để bảo vệ thành quả chống dịch

Thu Trang| 06/08/2021 17:40

(HNMO) - Sau 2 tuần Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, theo đánh giá của các chuyên gia, Hà Nội đã kiểm soát được tình hình, bảo đảm việc phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, trước nguy cơ tiềm ẩn của dịch bệnh cũng như tốc độ lây nhiễm rất nhanh của biến chủng Delta, việc Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND thêm 2 tuần nữa (từ nay đến 6h ngày 23-8) là vô cùng cần thiết để bảo vệ thành quả.

Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người dân.

Vẫn ở mức kiểm soát được...

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính từ ngày 29-4 đến trưa nay (6-8), Hà Nội đã ghi nhận 1.599 trường hợp dương tính, trong đó có 953 trường hợp ghi nhận tại cộng đồng và 646 trường hợp tại khu cách ly. Hiện tại, có 1.330 trường hợp mắc thuộc các ổ dịch đang hoạt động, trong đó có 298 trường hợp ở 3 ổ dịch đã xác định được nguồn lây, còn lại 1.032 trường hợp ở 9 ổ dịch chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Riêng trong khoảng một tuần trở lại đây, số ca dương tính mới với vi rút SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố dao động ở mức 60-70 ca/ngày.

Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, với việc triển khai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17/CT-UBND, thành phố đã đánh giá được đúng nguy cơ và rà soát được đúng đối tượng, không để bị sót, lọt; đồng thời, các biện pháp chống dịch đã được tăng cường và phát huy hiệu quả. Hiện, số ca mắc hằng ngày của Hà Nội vẫn dưới 3 con số (dưới 100 ca/ngày), ở mức kiểm soát được.

Theo ông Khổng Minh Tuấn, những ổ dịch cũ vẫn ghi nhận các ca mắc lẻ tẻ nhưng đều trong khu vực cách ly, khu vực phong tỏa nên không có nguy cơ lây lan ra cộng đồng. Còn những ổ dịch mới như tại Công ty thực phẩm Thanh Nga, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông... hiện cũng không đáng lo ngại.

"Tại Công ty thực phẩm Thanh Nga, có đến hơn một nửa số nhân viên dương tính đều làm việc tại chỗ, một số khác ở khu vực quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai, phát tán mầm bệnh ra khu vực ngoài cộng đồng chỉ có 5 trường hợp. Hiện, các đối tượng liên quan đến 5 trường hợp này đều cơ bản đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Tương tự, những trường hợp dương tính được phát hiện tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông là công nhân làm việc tại dự án nâng cấp, cải tạo một khối nhà của bệnh viện. Do các công nhân đã thực hiện nguyên tắc "3 tại chỗ" nên nguy cơ lây nhiễm trong bệnh viện là rất thấp", ông Khổng Minh Tuấn nói.

Trung tâm Y tế huyện Đông Anh triển khai lấy mẫu xét nghiệm cho người dân.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, từ lâu, Hà Nội đã trở thành "vùng trũng" của sự xâm nhập và lây lan dịch bệnh do sự giao lưu, đi lại lớn, người dân từ nhiều địa phương đổ về Hà Nội công tác, sinh sống. Đây là yếu tố trước tiên khiến nguy cơ lây lan vi rút tại thành phố tăng cao.

Bên cạnh đó, tại các bệnh viện, như: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K - cơ sở Tân Triều, gần đây là Bệnh viện Phổi Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông... cũng ghi nhận các ca dương tính. Ngoài ra, các ca nhiễm còn xuất hiện trong khu công nghiệp như tại Công ty SEI thuộc Khu công nghiệp Thăng Long... Đây đều là những khu vực phức tạp, tập trung đông người, gây nguy cơ bùng phát dịch cao.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, thời gian qua, Hà Nội đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho tất cả người dân có biểu hiện ho, sốt trên địa bàn thành phố để chủ động phát hiện người nhiễm vi rút trong cộng đồng. Qua đó, thành phố xác định được thêm các ca bệnh, ổ dịch trong cộng đồng và dập tắt kịp thời.

Từ các kết quả đó, PGS.TS Trần Đắc Phu đưa ra nhận định, Hà Nội vẫn luôn tồn tại nguy cơ tiềm ẩn các ca mắc và ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng. Điểm đáng lo ngại là chúng rải rác trên nhiều quận, huyện, khu vực thay vì tập trung ở một nơi... Dù vậy, thời gian qua, Hà Nội vẫn kiểm soát được tình hình khi áp dụng Chỉ thị 17/CT-UBND dựa trên nguyên tắc của Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ một cách hợp lý và kịp thời, qua đó bảo đảm phòng, chống sự lây lan của dịch.

Chốt kiểm soát trên địa bàn phường Việt Hưng (quận Long Biên).

Tiếp tục tập trung vào 5 khu vực trọng điểm

Theo ông Khổng Minh Tuấn, thời điểm này, 5 quận, huyện: Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì, Đông Anh là 5 khu vực trọng điểm, khu đang có ổ dịch hoạt động. Do đó, biện pháp tiếp theo là phải cắt nguồn lây ở những ổ dịch này. Sắp tới, trong "thời gian vàng" giãn cách xã hội, Hà Nội tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, điều tra, truy vết và phát hiện được các ổ dịch nhỏ lẻ trong cộng đồng, từ đó khoanh vùng, dập dịch sớm, không để dịch lây lan rộng.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, hiện không thể chủ quan với dịch bệnh vì biến thể Delta lây lan rất nhanh. Hà Nội cần thực hiện chặt chẽ, đồng bộ và tốt các biện pháp đã đề ra, thậm chí phải nghiêm ngặt hơn nữa để sớm đẩy lùi dịch bệnh.

"Trước nguy cơ tiềm ẩn như vậy cũng như biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, việc Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND thêm một thời gian nữa là rất cần thiết để bảo vệ thành quả vừa qua. Nhưng việc thực hiện chỉ thị này phải rất nghiêm. Nếu không làm nghiêm, chúng ta sẽ lại rơi vào tình huống như một số tỉnh, thành phố thời gian qua. Đó là việc giãn cách không nghiêm dẫn đến vi rút lây lan mạnh", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Đánh giá ý thức của người dân Thủ đô trong việc tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, người dân nhận thức rõ dịch vẫn phức tạp nên ý thức tốt hơn, đồng thời, cũng rất ủng hộ chủ trương của thành phố. PGS.TS Trần Đắc Phu cũng đánh giá cao những mô hình mới, hay đang hình thành ở Hà Nội như: Mô hình tự quản, bảo vệ "vùng xanh", sắp xếp lại chợ đầu mối, chuỗi cung ứng... để tiếp tục tạo thành nếp phòng, chống dịch cho người dân Thủ đô, khi dịch còn tiếp tục kéo dài trên thế giới và cả nước.

Tại cuộc họp với các phóng viên một số cơ quan báo chí được tổ chức chiều ngày 6-8, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh : Hà Nội là địa phương có nguy cơ cao; các ca bệnh hiện nằm rải rác ở nhiều địa bàn, dịch đã tấn công vào những điểm địa điểm phức tạp như khu công nghiệp, chợ đầu mối, chuỗi cung ứng, khu vực đông dân cư; nhiều ca bệnh hiện không rõ nguồn lây. Bởi vậy nếu dừng giãn cách thì những kết quả đạt được trong 14 ngày thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND vừa qua khó mà đảm bảo. Tiếp tục giãn cách để tập trung khoanh vùng, xử lý các ổ dịch; cũng là thời gian để thành phố nâng cao năng lực của ngành y tế, sẵn sàng các điều kiện cần thiết nhằm chủ động ứng phó với mọi tình huống bởi dịch sẽ còn kéo dài và có thể có diễn biến khó lường. 

Lưu ý người dân tiếp tục phối hợp thật tốt với ngành y tế  trong đó có việc chủ động khai báo y tế bởi thời gian qua, thành phố đã phát hiện nhiều ca dương tính từ sàng lọc các đối tượng ho, sốt tại cộng đồng, mà tỷ lệ người ho, sốt khai báo y tế chưa nhiều, ông Khổng Minh Tuấn một lần nữa khẩn thiết đề nghị, tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội, khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần liên hệ ngay với trạm y tế phường, xã nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí, nhằm phát hiện sớm nguy cơ mắc Covid-19. 

Đề cao vai trò của người dân và chính quyền cơ sở trong công tác phòng chống dịch, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong mong muốn, trong thời gian giãn cách từ nay đến 6h ngày 23-8, nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục cùng đồng hành cùng hệ thống chính trị của thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, thực hiện nghiêm những nội dung của Công điện số 18/CĐ-UBND ban hành ngày 6-8 để phòng chống dịch Covid-19 một các quyết liệt hơn, thực chất hơn.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 17/CT-UBND để bảo vệ thành quả chống dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.