(HNM) - Từ năm 2020 đến nay, dù không có các trận lũ lớn, nhưng trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 17 sự cố sụt lún đê, kè, cống; sạt lở bờ sông. Để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, năm 2021, thành phố Hà Nội đã cho phép các chủ đầu tư thực hiện 17 dự án xử lý sự cố đê điều, sạt lở bờ sông theo hình thức cấp bách. Hiện, 8 dự án đã cơ bản hoàn thành, 9 dự án còn lại đang được tăng tốc hoàn thành, bảo đảm tiến độ, chất lượng.
Những nguy cơ hiện hữu
Thời gian qua, dọc các tuyến đê, bờ sông: Bùi, Đáy, Hồng, Đà, Đuống, Cà Lồ... đoạn chạy qua địa phận thành phố Hà Nội xuất hiện nhiều vị trí sạt lở, gây lún nứt nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, cuốn trôi đất ở, đất sản xuất của người dân nhiều địa phương.
Bà Cao Thị Nhã ở thôn Hạ Dục, xã Đồng Phú (huyện Chương Mỹ) cho biết: “Đề phòng xảy ra sạt lở, năm 2016, gia đình đã chừa ra khoảng 140m2 đất ven sông Bùi; việc xây chuồng trại chăn nuôi lợn, gà cách mép sông tới 7m. Thế nhưng, "hà bá" đã cuốn đi toàn bộ phần diện tích này và còn làm rạn nứt sân và tường nhà ở...”.
Chung hoàn cảnh, gần 300 hộ dân các xã: Đồng Phú, Quảng Bị, Hòa Chính, Phú Nam An (huyện Chương Mỹ); Viên An (huyện Ứng Hòa); Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức)... sinh sống ven sông Bùi, sông Đáy cũng thấp thỏm âu lo mỗi khi xuất hiện mưa bão, nước sông dâng cao. “Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân, xã đã cắm biển cảnh báo, xây dựng phương án, chuẩn bị nhân lực, phương tiện sẵn sàng di dời người dân khỏi khu vực sạt lở khi sự cố phát triển đến mức nguy hiểm; đồng thời, báo cáo cơ quan chức năng kiểm tra, khẩn cấp đầu tư xây dựng công trình xử lý sự cố...”, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Lâm Phạm Hồng Sỹ cho biết.
Theo Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội, từ năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 11 sự cố sụt lún đê, kè, cống; 6 sự cố sạt lở bờ sông thuộc địa phận 13 huyện, thị xã. Trong đó, sự cố sụt cống qua đê hữu Đáy, đoạn xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) là đặc biệt nghiêm trọng. Nguyên nhân do một số đoạn đê, bờ sông có địa chất yếu, vật liệu xây dựng không đồng chất, đặc biệt là chịu ảnh hưởng của các trận mưa lớn và biến động dòng chảy...
“Liên sở: NN&PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính đã kiểm tra và đề xuất UBND thành phố Hà Nội công bố tình trạng khẩn cấp, đầu tư xây dựng công trình xử lý sự cố theo hình thức cấp bách...”, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Phòng, chống thiên tai Hà Nội Trần Thanh Mẫn thông tin.
Khẩn trương hoàn thành trước mùa mưa bão
Thực hiện chỉ đạo của thành phố, Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT Hà Nội) và các huyện: Đông Anh, Chương Mỹ, Mỹ Đức... đã ưu tiên việc xử lý các sự cố sụt lún đê, kè, cống; sạt lở bờ sông, đê ảnh hưởng trực tiếp đến công trình nhà ở của người dân và những sự cố có xu hướng phát triển.
Ông Vũ Văn Huyền, phụ trách kỹ thuật Công ty PDA An Phát - nhà thầu thi công sự cố sụt cống qua đê hữu Đáy, đoạn xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức) cho biết: “Ngay sau khi được huyện Mỹ Đức bàn giao mặt bằng, công ty huy động nhân lực, phương tiện, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát đẩy nhanh tiến độ thi công. Sau 3 tháng triển khai, đến nay công trình đã hoàn thành hơn 90% khối lượng, dự kiến ngày 10-4 sẽ bàn giao cho chủ đầu tư”.
Tương tự, tại thôn Đông Ngàn, xã Đông Hội (huyện Đông Anh), hai nhà thầu đang tập trung thi công hạng mục cuối cùng của công trình chống sạt lở bờ sông Đuống. Theo Giám đốc Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đinh Công Sơn - đại diện chủ đầu tư, sau hơn 3 tháng triển khai, đơn vị thi công đã hoàn thành 80% khối lượng công việc. Dự kiến cuối tháng 4, Ban sẽ bàn giao công trình cho địa phương, phục vụ công tác phòng, chống thiên tai.
Chứng kiến đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành công trình, Trưởng thôn Đông Ngàn Phạm Ngọc Hội vui mừng nói: “Mùa mưa bão năm nay, hơn 100 hộ dân của thôn sinh sống ngoài bãi sông Đuống sẽ không còn sợ bị mất đất sản xuất, nứt nhà cửa…”.
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, tính đến ngày 2-4, các chủ đầu tư đã hoàn thành 4 công trình xử lý sự cố đê điều, sạt lở bờ sông; 4 công trình đã hoàn thành 80-90% khối lượng. Do phải hoàn thiện thủ tục thỏa thuận phương án thi công với Bộ NN&PTNT nên trong tháng 4 này, Ban Duy tu các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng các huyện Chương Mỹ, Ba Vì, Ứng Hòa mới triển khai 9 dự án còn lại. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, các đơn vị, địa phương cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành 9 công trình phòng, chống thiên tai nêu trên vào cuối tháng 5-2021.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, Sở đã yêu cầu các đơn vị, địa phương được giao làm chủ đầu tư khẩn trương lựa chọn nhà thầu đủ năng lực tài chính và kinh nghiệm. "Trong quá trình thi công, các chủ đầu tư phải bố trí cán bộ thường xuyên giám sát chất lượng, số lượng vật tư "đầu vào"…, kịp thời phát hiện và kiên quyết thay thế nhà thầu có hành vi gian dối, không hoàn thành tiến độ đúng cam kết. Bên cạnh đó, Sở sẽ giám sát chặt chẽ công tác phối hợp giữa các đơn vị, địa phương được giao làm chủ đầu tư với các nhà thầu trong việc triển khai phương án bảo đảm an toàn những công trình phòng, chống thiên tai trong mùa mưa bão năm nay...", ông Chu Phú Mỹ khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.