(HNMO)- Khu xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn) hiện trong tình trạng quá tải, dự kiến đến hết quý II-2014 các ô chôn lấp tại đây không thể tiếp nhận thêm rác...
Thực hiện chủ trương XHH công tác thu gom, xử lý rác thải (XLRT), đến nay Hà Nội đã có 26 đơn vị tham gia. Tỷ lệ thu gom đối với 9 quận (trừ quận Hà Đông) đã đạt 100%; đối với các huyện còn lại tỷ lệ thu gom đạt khoảng 75-80%. Tổng khối lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt trên địa bàn thành phố khoảng 6.300-6.500 tấn/ngày (chưa kể một lượng lớn CTR rắn tồn đọng ở các huyện chưa được thu gom, xử lý). Tuy nhiên, theo đánh giá của HĐND thành phố qua đợt giám sát mới đây về tình hình thực hiện đầu tư, vận hành và thực hiện chủ trương XHH công tác thu gom, xử lý CTR trên địa bàn thành phố, việc XHH thu gom rác thải được triển khai tốt, song công tác XHH trong XLRT lại gặp nhiều khó khăn. Hà Nội hiện mới chỉ có 2 DN tham gia công tác này.
Xã hội hóa trong lĩnh vực VSMT là một chủ trương đúng đắn của TP Hà Nội |
Trước thực trạng các khu xử lý chất thải tập trung của thành phố quá tải, lượng CTR sinh hoạt phát sinh trên địa bàn ngày càng nhiều, việc xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt bảo đảm môi trường hiện nay đã dần khẳng định được tính ưu việt hơn so với công nghệ chôn lấp. Những năm gần đây, Hà Nội có nhiều dự án xây dựng nhà máy XLRT theo phương pháp công nghiệp (chủ yếu là công nghệ đốt) được triển khai. Thế nhưng theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến nay mới chỉ có 3 nhà máy xử lý CTR sinh hoạt của HTX Thành Công, Công ty CP Môi trường đô thị Thăng Long và Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội được đưa vào sử dụng.
Hiện, trong 5 dự án đầu tư xây dựng Nhà máy XLRT tại xã Việt Hùng (Đông Anh); xã Phương Đình (Đan Phượng), xã Lại Thượng (Thạch Thất), xã Châu Can (Phú Xuyên), xã Hợp Thanh (Mỹ Đức) đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư, duy chỉ có dự án tại huyện Đông Anh có thể hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2014; số dự án còn lại mới đang trong quá trình triển khai bước chuẩn bị đầu tư. Nguyên nhân khiến tiến độ triển khai các dự án xây dựng nhà máy XLRT theo công nghệ đốt chậm tiến độ là do việc ban hành chính sách khuyến khích kêu gọi XHH công tác xử lý rác thải, việc định hướng công nghệ và tiêu chuẩn xử lý CTR thực hiện quá chậm, thiếu đồng bộ, chưa rõ ràng, gây khó khăn cho các DN tham gia XHH. Ngoài ra, đến nay thành phố chưa ban hành tiêu chuẩn chất lượng môi trường cho một số công nghệ XLRT bằng phương pháp công nghiệp; chưa có quy trình, định mức và phương pháp xây dựng đơn giá cho công tác XLRT, đặc biệt chưa lựa chọn được đơn giá trung bình của từng loại công nghệ gắn với tiêu chuẩn đầu ra. Hơn nữa, đến nay thành phố vẫn chưa có tiêu chí đánh giá năng lực nhà đầu tư cụ thể sát với thực tế nên dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tạo cơ chế “xin-cho” khiến cho chủ trương XHH trong lĩnh vực VSMT chưa được nhiều DN quan tâm.
Đáng quan tâm, trong khi nhiều dự án xây dựng nhà máy XLRT chậm tiến độ, thì một dự án đã cơ bản hoàn thành nhưng lại hoạt động cầm chừng. Ông Phạm Thiện Chiến, Giám đốc Nhà máy xử lý CTR và sản xuất tái tạo nguyên liệu Xuân Sơn (do HTX Thành Công đầu tư, quản lý) cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng giai đoạn 1 dự án (dây chuyền xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt), từ tháng 8-2013, HTX đã đưa rác vào xử lý theo công nghệ đốt (công suất khoảng 150tấn/ngày), góp phần giảm tải lượng CTR sinh hoạt phải chôn lấp. Theo tính toán của nhà máy, hiện tại chi phí xử lý 1 tấn rác bằng công nghệ đốt hết khoảng 370.000 đồng. Nhiều lần DN có văn bản đề nghị UBND thành phố xem xét phương án tính toán và phê duyệt đơn giá chung cho xử lý 1 tấn CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt trên địa bàn Hà Nội, giúp DN đã và đang thực hiện XHH yên tâm sản xuất, song chờ đợi mãi đến nay vẫn chưa được phê duyệt. “Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, DN sẽ gặp khó khăn và không dám đầu tư tiếp vào lĩnh vực VSMT theo phương thức XHH”- ông Chiến băn khoăn.
Dây chuyền xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt tại Nhà máy xử lý CTR và sản xuất tái tạo nguyên liệu Xuân Sơn |
Được biết, sau khi được UBND thành phố Hà Nội giao xây dựng đơn giá và kinh phí xử lý CTR sinh hoạt tại Nhà máy xử lý CTR và sản xuất tái tạo nguyên liệu Xuân Sơn, liên Sở: Tài chính- Xây dựng- LĐTB&XH đã có tờ trình số 6418 gửi UBND thành phố đề nghị cho phép “tạm” áp dụng đơn giá xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt là gần 264.000 đồng/tấn cho Nhà máy xử lý CTR và sản xuất nguyên liệu Xuân Sơn. Nhưng DN không nhất trí bởi nếu áp dụng đơn giá “tạm”, DN sẽ phải “bù” thêm hơn 100.000 đồng nữa để chi trả nhân công, điện nước... Đáng nói, ngay trên địa bàn Hà Nội, Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây (do Công ty CP Môi trường đô thị Thăng Long quản lý), cũng xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt, nhưng lại được áp dụng đơn giá 376.688 đồng/tấn(?). Được biết, theo Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 6-4-2012 của Bộ Xây dựng quy định, mức chi phí xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ đốt (công suất 50-300 tấn/ngày) là từ 320.000 đến 410.000 đồng/tấn.
Để thu hút ngày càng nhiều DN thực hiện XHH trong lĩnh vực VSMT, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn sớm nghiên cứu, hoàn thiện các quy định, chính sách khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực XLRT trên địa bàn. Đồng thời, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, xây dựng đơn giá XLRT phù hợp theo quy định, tạo thuận lợi trong kêu gọi XHH đầu tư XLRT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.