(HNMO) - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: Lưới điện từ vành đai 3 trở vào trung tâm được hạ ngầm toàn bộ; Lưới điện từ vành đai 3 đến vành đai 4, ưu tiên phương án hạ ngầm, tại những nơi chưa thể thực hiện hạ ngầm ngay sẽ được thực hiện hạ ngầm phù hợp với tốc độ đô thị hóa.
Thông tin trên có trong Thông báo số 111/TB-UBND, ngày 9/5/2016, truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại cuộc họp Tập thể UBND TP nghe báo cáo về Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025, có xét đến năm 2035 - hợp phần I.
Theo đó, phương án nâng cấp, cải tạo, mở rộng, phát triển mới lưới điện TP Hà Nội được thực hiện trên nguyên tắc: Thực hiện ngầm hóa đường điện hạ thế đồng bộ với các tuyến đường dây khác để đảm bảo mỹ quan đô thị, hướng tới không còn cột điện trên các tuyến phố; Các trạm biến áp được xây dựng theo công nghệ mới hiện đại, đảm bảo phù hợp với việc xây dựng TP xanh, sạch đẹp.
Đường vành đai 3 Hà Nội. Ảnh internet. |
Chủ tịch cũng lưu ý việc TP đang triển khai xây dựng chính quyền điện tử, do đó, quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội trong giai đoạn này phải làm rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành lưới điện, có kế hoạch sớm thực hiện việc lắp đặt công tơ điện tử và thanh toán tiền điện qua mạng.
Đối với những khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư thực hiện nâng cấp, cải tạo, mở rộng, phát triển mới lưới điện (liên quan đến GPMB, đất đai, thủ tục hành chính... ), UBND TP yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội khẩn trương thống kê cụ thể, chi tiết những khó khăn, vướng mắc thuộc đơn vị nào, báo cáo UBND TP trước ngày 10/5/2016. Giao Sở Công Thương phối hợp Văn phòng UBND TP tổng hợp những vướng mắc nêu trên, báo cáo UBND TP xem xét, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vướng mắc này trước ngày 25/5/2016.
Liên quan đến nguồn vốn thực hiện quy hoạch, giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp các sở, ngành, Tổng công ty EVN Hà Nội và NPT xây dựng cơ chế vốn đầu tư cho các công trình điện. Trong đó, phân định rõ các nguồn vốn gồm: vốn của ngành điện, vốn của Thành phố, vốn xã hội hóa (đối với hệ thống công tơ, đường dây sau công tơ... ) và các nguồn vốn hợp pháp khác (bao gồm các nguồn vốn huy động từ các nhà đầu tư khu đô thị, tòa nhà đóng góp vào quỹ phát triển lưới điện TP…).
Để đảm bảo tính khả thi và đồng bộ giữa các quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc có trách nhiệm rà soát tất cả các vị trí bố trí trạm điện, hướng tuyến các đường dây trong quy hoạch; phải bố trí quỹ đất để xây dựng trạm biến áp trong công viên, khu đô thị.
UBND TP giao Sở Công thương khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2025 đảm bảo thủ tục, nội dung góp ý nêu trên, báo cáo Thường trực HĐND TP xem xét thông qua trong tháng 6/2016 trước khi trình Bộ Công thương phê duyệt.
Quy hoạch phát triển điện lực TP Hà Nội là vấn đề được Thành ủy, UBND TP hết sức quan tâm vì hệ thống điện là cơ sở hạ tầng phải đi trước để phát triển kinh tế - xã hội của TP. Quy hoạch phát triển điện lực nhằm định hướng cho việc nâng cấp, cải tạo, mở rộng, phát triển mới lưới điện TP được đồng bộ, hiện đại, đảm bảo độ tin cậy cấp điện, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện và phát triển kinh tế - xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.