(HNM) - Ngày 2-9, không khí mừng 65 năm ngày Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tưng bừng, rộn rã trên mọi nẻo đường, góc phố của Thủ đô. Cả thành phố rợp bóng cờ hoa, lung linh sắc màu.
Hàng triệu người dân Hà Nội cùng đồng bào từ các tỉnh, thành đã hòa cùng không khí lễ hội của hàng trăm hoạt động văn hóa, văn nghệ diễn ra ở cả những sân khấu lớn giữa trung tâm thành phố lẫn những điểm văn nghệ quần chúng ở ngoại ô. Các điểm vui chơi, giải trí cũng đông nghịt người và xe.
Đường phố Thủ đô được trang hoàng lộng lẫy trong ngày lễ. Ảnh: Nhật Nam |
Chẳng cần hẹn trước, dòng người muôn nơi đổ về Quảng trường Ba Đình viếng Bác. 7 giờ sáng, tại cổng vào Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường Ngọc Hà, hàng vạn người thứ tự xếp hàng vào thăm Bác kính yêu. Những chiếc ti vi cỡ lớn lắp đặt trên đường đi phát lại phim tài liệu về ngày 2-9-1945. "Bác Hồ đó" - bà Nguyễn Thị Hạnh đến từ xã Sài Sơn huyện Quốc Oai giải thích cho cô cháu gái học lớp 2 nghe: Đây là nơi 65 năm trước Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cùng với nhân dân cả nước đón Tết Độc lập lần thứ 65, người dân Thủ đô còn thêm niềm tự hào và niềm vui bởi Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đã đến rất gần. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, thời khắc lịch sử nghìn năm có một ấy sẽ đến. Vì thế, khắp các nẻo đường vào Trung tâm Thủ đô không chỉ rợp bóng cờ hoa mà còn ngập tràn biểu ngữ chào mừng. Đường Điện Biên Phủ được trang hoàng bằng ánh đèn buông rủ, mềm mại, trên đó là những đóa sen hồng cùng hình ảnh sao vàng năm cánh đã làm cho tuyến đường gần khu Di sản văn hóa thứ 900 của thế giới - Hoàng thành Thăng Long thêm cổ kính. Đi trên tuyến đường tuyệt đẹp này, anh Võ Văn Thắng, (trú ở số nhà 167, đường Thành Thái, quận 1, TP Hồ Chí Minh) ồ lên thích thú: "Nhìn xa, ánh đèn hình hoa sen lấp lánh dưới bầu trời đêm Hà Nội trông như những cánh hạc, thể hiện ước vọng Thủ đô Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung mãi mãi được sống trong hòa bình, no ấm. Đến gần, tôi có cảm giác như đi giữa ân tình, giữa bát ngát hương sen quê Bác. Thật tuyệt, trong những ngày Đại lễ đang đến rất gần". Bên cạnh đó, quận Hoàn Kiếm cũng có 5 tuyến phố nở hoa là Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân. Ngay ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay, một chiếc đồng hồ khổng lồ bằng kính, trong suốt, món quà của thị trưởng thành phố Bern (Thụy Sỹ) tặng Thủ đô Hà Nội mừng dịp Đại lễ đang được lắp đặt và dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 9.
Người dân vui Tết Độc lập. Ảnh: Nhật Nam |
Ở trường đại học đầu tiên của Việt Nam - Văn Miếu - Quốc Tử Giám 102 trống đồng tiến dâng Đại lễ được trưng bày trước sân Bái đường và bên trong hai dãy nhà bia thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân Thủ đô và du khách. Một du khách người Trung Quốc có tên Châu Huệ Ân dừng lại khá lâu trước chiếc trống đồng "Thiên long hội tụ" để chụp ảnh. Khi 102 chiếc trống đồng này hòa âm, hòa khí cũng là lúc báo hiệu Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đã đến.
Tối 2-9, hàng vạn du khách đã đổ về hồ Hoàn Kiếm để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của hòn ngọc giữa Thủ đô bừng sáng trong ánh điện lung linh cùng những chùm pháo hoa rực rỡ, khoe sắc trên bầu trời đêm. Chương trình ca nhạc đặc biệt với chủ đề "Tự hào hai tiếng Việt Nam" diễn ra ở sân khấu đền Bà Kiệu càng làm cho không khí ngày kỷ niệm thêm náo nhiệt. Lấy âm nhạc làm nền với các tác phẩm viết cho dàn hợp xướng, chương trình đã mang đến cho công chúng những giai điệu hào sảng về Thủ đô, đất nước và con người Việt Nam qua liên khúc "Tiếng vọng ngàn đời - dòng máu Lạc Hồng", "Bay lên Việt Nam", "Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh" "Người Hà Nội" "Đất nước trọn niềm vui"… Cùng với âm nhạc, chương trình còn sử dụng công nghệ trình diễn độc đáo trên màn hình panorama với hình ảnh sắc nét về Rồng thời Lý, di chỉ khảo cổ thời Đinh, Lê, Lý, Trần, về cố đô Hoa Lư, thành Đại La, hình ảnh Thăng Long - Hà Nội bị giặc Pháp tấn công, vết tích đạn pháo trên thành cửa Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, cờ đỏ sao vàng rực rỡ tung bay… để thêm một lần nữa khẳng định: "Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập… Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".
Rời trung tâm thành phố về ngoại ô, đâu đâu cũng gặp những sân khấu sáng đèn. Huyện Chương Mỹ đón Nhà hát Chèo Hà Nội về biểu diễn các trích đoạn ngợi ca Đảng, Bác Hồ, ngợi ca Thủ đô Hà Nội thân yêu như "Hà Nội 36 phố phường", "Lí lơi xuống phố", "Bài ca năm ấy", "Người giữ nước"… phục vụ nhân dân. Đoàn ca múa nhạc Tăng - Thiết giáp cất lên những bài ca hào hùng đi cùng năm tháng như "Người là niềm tin tất thắng", "Hồ Chí Minh - đẹp nhất tên Người"… ở sân khấu trung tâm huyện Mê Linh. Đoàn Cải lương Nam Định dành tặng nhân dân huyện Phú Xuyên nhiều tiết mục vọng cổ, tân cổ đặc sắc… Các điểm vui chơi, giải trí tại Hà Nội như Vườn thú Thủ Lệ, Công viên Thống Nhất, Công viên Hồ Tây cũng rộn ràng không khí của một ngày Tết. Anh Vũ Văn Tình ở huyện Vũ Thư, Thái Bình đưa hai con lên Công viên Thủ lệ chơi tâm sự: "Kỳ nghỉ lễ dài, tôi cho các con lên Hà Nội chơi để các cháu phấn khởi bước vào năm học mới". Còn tại Công viên Hồ Tây, chị Phạm Thị Thu Hiền, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ Giải trí Hà Nội cho biết: Trong ngày 2-9, công viên Hồ Tây thu hút trên 40.000 lượt khách đến vui chơi, giải trí, tăng 30% so với năm 2009.
Mỗi người dân Thủ đô, bằng công việc của mình cũng đã gắng góp sức nhỏ bé vào Đại lễ. Tại Công viên Indria-Gandhi, quận Ba Đình, Hội cây cảnh nghệ thuật Thăng Long giới thiệu với du khách hàng trăm tác phẩm cây, đá cảnh nghệ thuật với chủ đề "1000 năm Thăng Long - Hà Nội". Trong đó có những tác phẩm mang tính biểu cảm cao như: "Nghênh phong" của họa sĩ Xuân Cường, "Sanh trực, Ngũ phúc" của tác giả Hoàng Ngọc, "Phi lao" của tác giả Tạ Huỳnh... Và đây nữa, trong Công viên Thống Nhất, những người thợ đang miệt mài hoàn thiện khuôn viên cây xanh cho công trình tượng đài Bác Hồ - Bác Tôn mà chính quyền và nhân dân thành phố mang tên Bác tặng Thủ đô Hà Nội nhân dịp Đại lễ. Trong Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long, từng nhóm, từng nhóm công nhân làm thêm ca cả ngày lễ cho kịp xong việc chỉnh trang Thành cổ đón khách tham quan vào cuối tháng 9… Trên đường phố, những công nhân môi trường đô thị vẫn đang cần mẫn chăm sóc từng cây hoa, làm đẹp cho từng góc phố...
Mừng 65 năm Tết Độc lập trong không khí hướng tới Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thời khắc không thể nào quên trong lòng mỗi người dân nước Việt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.