(HNMO) - Sáng 27/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã chủ trì Hội nghị tiếp xúc DN trên địa bàn TP Hà Nội tháng 6 năm 2014.
Tham dự hội nghị có khoảng trên 30 DN đại diện cho nhiều lĩnh vực và các sở, ngành tham gia giải đáp các khúc mắc cho các DN.
TP triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN
Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, TP đã duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo, Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD cho DN trên địa bàn TP Hà Nội. TP đã ban hành kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; chỉ đạo 7 tổ công tác khảo sát trực tiếp tại DN để nắm bắt tình hình, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho DN; Tổ chức nhiều hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN.
Thực tế, trong 6 tháng đầu năm, số DN đăng ký thành lập mới giảm, số ngừng hoạt động tăng. Đến hết tháng 5, có 6.150 doanh nghiệp đăng ký thành lập (giảm gần 1,5% so với cùng kỳ) với số vốn đăng ký là 33.259 tỷ đồng (giảm gần 19% so với cùng kỳ); có 5.372 DN ngừng hoạt động (tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong đó: có 251 DN giải thể (tăng 12%), 3.449 bỏ địa chỉ kinh doanh (tăng 14,9%), 1.672 tạm ngừng kinh doanh (giảm 14,4%), 848 DN đang làm thủ tục giải thể).
Để hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, TP đã tập trung vào giải pháp hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho. Theo đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm dần trong 6 tháng đầu năm 2014; tập trung phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực; hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao… Bên cạnh đó là đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại tại thị trường trong nước và nước ngoài.
Đáng chú ý, thực hiện các giải pháp hỗ trợ vay vốn, lãi suất tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh (tại Quyết định số 6125/QĐ – UB ngày 11/10/2013 và quyết định số 6866/QĐ – UBND ngày 13/11/2013 về thí điểm hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các DN trên địa bàn TP Hà Nội SXKD năm 2013) đã hỗ trợ cho 13 DN với số tiền là 19,88 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đến nay, đã giải ngân được khoảng 9.082 triệu đồng với 10 doanh nghiệp được thụ hưởng từ chính sách hỗ trợ sau đầu tư.
Mặt khác, thực hiện Thông tư 11/2013/TT-NHNN của NHNN Việt Nam và Thông tư 07/2013/TT-BXD của Bộ Xây dựng về vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ (gói tín dụng 30.000 tỷ đồng), ... các ngân hàng thương mại đã giải ngân được 1.011,2 tỷ đồng trong tổng hạn mức đã cam kết 1.794, 1 tỷ đồng (gồm 5 khách hàng doanh nghiệp và 3065 khách hàng cá nhân). Giảm tiền thuê đất cho 2.824 tổ chức, cá nhân với số tiền là 2.218 tỷ đồng; Gia hạn tiền sử dụng đất đối với 58 hồ sơ với số tiền được gia hạn là 13.632 tỷ đồng.
Mặt khác, trong 6 tháng đầu năm 2014, TP cũng đã tổ chức 43 phiên giao dịch việc làm, tuyển dụng được 12.183 lao động.
DN khó khăn nhiều vì giá thuê đất cao, nhiều đoàn kiểm tra đến sát hạch
Phát biểu tại hội nghị, nhiều ý kiến của DN cho biết hoạt động SXKD trong 6 tháng đầu năm hết sức khó khăn, cần sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách. Ví như, ở lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chỉ nên huy động vốn đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực trong nước chưa sản xuất được, còn lại để “đất” cho DN trong nước phát triển.
Ông Chu Đức Lượng – TGĐ Tập đoàn Phú Mỹ là chủ đầu KCN Phú Nghĩa phản ánh chính sách thuê đất tăng đột biến nên nhiều DN gặp nhiều khó khăn. DN có 30 ha đất chưa cho thuê được nhưng vẫn phải trả tiền thuê đất. Ông Lượng tha thiết đề nghị TP áp dụng khung giá đất tối thiểu để hỗ trợ cho DN kêu gọi các nhà đầu tư thứ phát. Bên cạnh đó, đề xuất TP tiếp tục cải cách hành chính tạo môi trường kinh doanh thông thoáng cho DN, TP phát triển năng động.
Giải đáp ngay vấn đề trên, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết về giá thuê đất cao, TP đã kiến nghị Chính phủ và cũng đã được điều chỉnh giảm. Hiện DN muốn được áp giá ở khung tối thiểu, TP sẽ xem xét.
Tại hội nghị, một đại diện nước ngoài ở Công ty TNHH phát triển Nội Bài (phát triển KCN Nội Bài đặt tại Sóc Sơn) lại cho biết đã có nhiều kiến nghị đến chính quyền nhưng chưa được giải đáp nhiều. Phí đất hiện hơn 100 USD/m2 là quá cao, không có lãi trong kinh doanh. Hiện KCN Nội Bài đã xây dựng hạ tầng xong nhưng không thể cho thuê, mua đất được vì giá đất quá cao. Thực tế, DN đã có sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế ở Sóc Sơn khi đầu tư hơn 1 triệu USD làm tuyến đường nối KCN Nội Bài với Sóc Sơn. DN đề nghị UBND TP Hà Nội ưu đãi về giá đất cho DN; có chính sách hỗ trợ nguồn lao động có tay nghề, chất lượng gắn kết tại Sóc Sơn. Ngoài ra, DN cũng đề nghị có thêm đồn công an ở trước cửa KCN Nội Bài để tăng cường thêm an ninh.
Ở khối thương mại, đại diện Fivimart cho biết đã vướng mắc nhiều năm trong việc các xe vận chuyển cung cấp cho siêu thị chỉ được đi lúc 0h. Trong khi đó, việc vận chuyển hàng thu mua của bà con nông dân, về tổng kho rồi đưa đến các siêu thị rất khó khăn. Bên cạnh đó, có quá nhiều đoàn kiểm tra đến sát hạch DN. Ví dụ ở lĩnh vực môi trường có rất nhiều đội, đoàn đến kiểm tra với cùng một nội dung…
Rà soát lại tất cả chính sách, tiếp tục tháo gỡ cho DN
Tại cuộc họp, giải đáp kiến nghị “nóng” nhất của DN về vấn đề thuế đất, ông Phi Văn Tuấn – Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết: Cục đang tạm giảm 1.400 tỷ tiền thuê đất cho DN. Cục đề nghị DN chủ động khắc phục các thủ tục hành chính để các ngành giải quyết. Cục đang kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN, giãn tiền sử dụng đất; kiến nghị xóa tiền nợ, tiền phạt (có 2.000 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế đất).
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho biết muốn nghe nhiều hơn các ý kiến từ DN, đóng góp các sáng kiến cùng TP tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy đầu tư trong nước và nước ngoài. Chủ tịch cũng hoan nghênh các ý kiến thẳng thắn của DN. Ngay từ đầu năm triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ và TP trong tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy SXKD của DN để đạt mức tăng trưởng cao hơn; Chính phủ và TP đều có các chỉ thị, giải pháp cụ thể. Các cấp, các ngành đã tập trung bám sát các giải pháp, tháo gỡ các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ thị trường BĐS phát triển. Chính phủ đã cho phép Hà Nội làm thí điểm hỗ trợ lãi suất cho SXKD, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư. Các kết quả trên góp phần để Hà Nội 6 tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt 7,4%, kiểm soát được lạm phát. UBND TP biểu dương những cố gắng của DN trong việc thúc đẩy SXKD phát triển.
Tuy nhiên, Chủ tịch cũng thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều hạn chế, cần rà soát, khắc phục. Ví như trong đất đai, DN kiến nghị Nghị định 121 của Chính phủ đã sửa đổi nhưng vẫn hạn chế DN đầu tư vào KCN do chi phí thuê đất quá cao; cần kiến nghị đưa về mức thuê đất thấp nhất. Với chính sách hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, DN đã có thị trường cần phải tranh thủ hơn. Các hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu, du lịch vừa qua tăng trưởng thấp hơn so với cùng kỳ, cần lưu ý các chính sách mở rộng thị trường, tăng sức mua. Đặc biệt, thị trường BĐS chuyển biến chuyển. Đáng lo là những căn hộ cao cấp, tồn kho, sức mua chậm…
Chủ tịch cho rằng nguyên nhân của các vấn đề trên có trách nhiệm từ các cơ quan hành chính. Sự chèo chống của DN chưa quyết liệt, chưa tận dụng được các chính sách tháo gỡ của TP. Trong thời gian tới, Chủ tịch cho rằng cần rà soát lại tất cả các chính sách và tiếp tục tháo gỡ. Với vấn đề thị trường, tiếp tục chính sách mở rộng mạng lưới lưu thông, kích cầu tiêu dùng trên thị trường nội địa. Chú trọng triển khai đầu tư những sản phẩm trong nước thực hiện được (ví như, mặt hàng xe đạp điện vừa qua trong nước sản xuất được nhưng lại thả lỏng để nhập khẩu). Tăng hỗ trợ nhà nước vào xúc tiến thương mại, đầu tư vào du lịch; hoàn thiện đề án Trung tâm đầu tư xúc tiến thương mại của Hà Nội; tăng cường quản lý thị trường; tiếp tục hỗ trợ vốn và lãi suất cho DN nhưng phải nhanh chóng hơn. Chính quyền sẽ cùng ngân hàng và DN tháo gỡ về tín dụng.
Với riêng thị trường BĐS, Chủ tịch giao Sở TN&MT xây dựng cơ chế chính sách "mạnh" để tái định cư bằng tiền và bằng đất; Hỗ trợ tín dụng để bảo lãnh cho vay... Mặt khác, Chủ tịch cho biết TP tiếp tục giao ban định kỳ, chia nhỏ các lĩnh vực để tháo gỡ khó khăn kịp thời, thường xuyên. Chủ tịch đề nghị các hiệp hội DN hiến kế cho Chính phủ và TP tháo gỡ khó khăn cho DN. Các DN chủ động vươn lên, tái cơ cấu DN, nâng cao năng lực quản trị để đứng vững và phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.