Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Quá tải nghiêm trọng về hạ tầng, cần cơ chế đặc thù

Bảo Hân - ảnh: Viết Thành| 28/09/2016 12:37

(HNMO) - Sáng nay, 28/9, Thường trực Thành uỷ - HĐND - UBND TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2016.

Hội nghị giao ban trực tuyến tại điểm cầu trụ sở Thành uỷ Hà Nội


Hội nghị đã nghe 16 ý kiến phát biểu từ 30 đầu cầu, tập trung vào một số nhóm vấn đề lớn như: Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm; đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư...

Phát biểu tóm tắt 2 nội dung mà Ban cán sự UBND TP đã trình bày, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, về triển khai 11 công trình trọng điểm, từ nay đến cuối năm sẽ hoàn thành 5 dự án. 6 dự án còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2017.

Với 40 dự án mới, trong tháng 10 tới, sẽ khởi công 11 dự án. 29 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện, phấn đấu năm 2017 sẽ khởi công 10 dự án. Số dự án còn lại để sang năm 2018.

Thời gian qua, Ban cán sự UBND TP cùng các sở, ban, ngành đã sắp xếp, thu gọn lại các thủ tục, có những trường hợp từ thủ tục, hồ sơ 5 dự án gom lại thành 1 dự án; tập trung rà soát các dự án trọng điểm sử dụng đầu tư vốn của nhà nước. Ban đầu dự kiến số vốn đầu tư là trên 362.000 tỷ, sau đó đã thu gọn xuống còn hơn 267.000 tỷ. Trên 85.000 tỷ đã được chuyển từ nguồn vốn đầu tư của nhà nước sang xã hội hoá.

TP cũng đang rà soát để xin cơ chế đặc thù trên tinh thần Hà Nội được giao tiến hành hoàn toàn các trình tự thủ tục, đặc biệt đối với các dự án xử lý nước thải, rác thải, cung cấp nước, dự án cầu... và sơ bộ, hiện nay đã nhận được sự đồng tình của các Bộ.

"Với những việc đã thực hiện và tiến độ đạt được, đến nay, về cơ bản đáp ứng tiến độ đề ra, đạt mục tiêu  hoàn thành 5  dự án trọng điểm" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu


Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng nêu thêm một số việc TP sẽ triển khai từ nay đến cuối năm như xử lý nước ao hồ. Theo thống kê, cả trong ngoại thành và nội thành hiện có gần 1.800 hồ ô nhiễm nặng. Trong quý IV tới, TP sẽ xử lý quyết liệt với các hồ đã quá ô nhiễm.

Về triển khai dự án cấp nước cấp bách trong mùa khô với các dự án cấp 30.000m3 nước/ngày-đêm của Nhà máy nước sạch Hà Đông; dự án cấp 150.000m3 nước/ngày-đêm của Công ty cấp nước số 2 và dự án cấp nước cho 4.000 dân tại Nam Sơn, Sóc Sơn... Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đề nghị lãnh đạo các quận, huyện giúp BQL dự án triển khai mạng cấp nước. Hiện có 16 doanh nghiệp xin đầu tư xã hội hoá lắp đặt hệ thống mạng cấp nước tại Quốc Oai, Thạch Thất...

Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải  phát biểu kết luận, chỉ đạo Hội nghị


Phát biểu kết luận và chỉ đạo Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải đã nêu thêm một số nội dung trọng tâm trong thực hiện Chỉ thị số 08 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. TP Hà Nội là đô thị đặc biệt, diện tích lớn, dân số lớn, với gần 10 triệu dân. Cho đến nay đã cấp được 100% nhu cầu đối với hộ có đủ điều kiện về sử dụng đất. Nhờ nỗ lực cải cách hành chính, nhiều khó khăn, vướng mắc của người dân đã được tháo gỡ. Thời gian cấp giấy chứng nhận được rút ngắn và hạn chế nhiều tiêu cực, nhũng nhiễu, giúp người dân yên tâm hơn.

Về cấp giấy cho các hộ dân sau đồn điền đổi thửa, đến cuối tháng 9, dự kiến đạt 45,9%. Thành uỷ đánh giá cao UBND TP đã chỉ đạo các quận, xã phường vào cuộc, cấp đạt tỷ lệ đáng kể. Với những quận, huyện có tỷ lệ cấp thấp, phải có giải pháp đặc biệt để tăng cường công tác chỉ đạo, đạt được mục tiêu đề ra.

"Nếu giải quyết tốt những khâu này sẽ loại trừ được những yếu tố gây bất ổn, bức xúc trong nhân dân, hạn chế được khiêu nại tố cáo, tiến đến mục tiêu Thành phố bình yên hơn" - Bí thư Thành uỷ nhấn mạnh.

Trong đền bù GPMB và tái định cư, là những vấn đề khó, với Hà Nội lại càng khó hơn vì toàn là "đất vàng". Do đó, TP cần nỗ lực tìm giải pháp để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này hiện nay, trong đó cần tăng cường công khai, minh bạch.

Bí thư Thành uỷ cũng lưu ý khối lượng GPMB trong giai đoạn 2016-2020 là 2.700 dự án với số hộ tái định cư lên đến 19.000 hộ, gấp đôi giai đoạn trước. Do đó, đòi hỏi phải có phương pháp, cách tiếp cận mới với sự quyết tâm, quyết liệt thực hiện.

Thành phố hiện đã quá tải nghiêm trọng về hạ tầng. 51 dự án trọng điểm thời gian tới vẫn chưa trả lời được những thách thức này mà còn phải làm hơn nữa. Các dự án phải có cơ chế đặc biệt, đặc thù để đẩy nhanh hơn. Về lâu dài, cũng phải tính đến vận động người dân đồng thuận để hạn chế phương tiện cá nhân, kể cả ô tô.

Trong 3 tháng "nước rút" cuối năm, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp, các ngành và các đơn vị phải tập trung hoàn thành tối đa mục tiêu đã đặt ra, đặc biệt trên các lĩnh vực tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Quá tải nghiêm trọng về hạ tầng, cần cơ chế đặc thù

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.