(HNM) - Sản xuất hữu cơ là hướng phát triển tất yếu của ngành Nông nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm sạch, an toàn. Hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Thủ đô đã định hình được vị thế, sản phẩm có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Đây là tiền đề quan trọng cho ngành Nông nghiệp Hà Nội mở ra hướng đi mới, từ đó phát triển hiệu quả, bền vững.
Định hình được vị thế
Trong 10 năm trở lại đây, các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ từng bước phát triển trên cả nước, thu hút nhiều hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia; sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đã có chỗ đứng trên thị trường nội địa và xuất khẩu. Tháng 6-2020, Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mở hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp.
Tại Hà Nội, thời gian qua, nhiều mô hình nông nghiệp hữu cơ đã phát huy hiệu quả về giá trị kinh tế, xây dựng thương hiệu. Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ) Trịnh Thị Nguyệt thông tin, vụ mùa năm 2021, hợp tác xã sản xuất hơn 40ha lúa hữu cơ và được doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ sản phẩm ký hợp đồng liên kết thu mua với giá cao hơn từ 1,5 lần trở lên so với sản phẩm thông thường. Ngoài sản xuất lúa hữu cơ, hợp tác xã còn trồng đậu tương, khoai lang, khoai tây... hữu cơ. Hiện, sản phẩm gạo và đậu tương của hợp tác xã đã đạt 4 sao trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Ngoài mô hình tại xã Đồng Phú, hiện ở Chương Mỹ đã phát triển thêm một số mô hình sản xuất hữu cơ hiệu quả. Điển hình là tại xã Nam Phương Tiến và thị trấn Chúc Sơn đã hình thành vùng sản xuất hữu cơ với nhiều loại cây trồng như lúa, rau, bưởi, dưa lưới… với quy mô hơn 70ha. "Chất lượng nông sản hữu cơ ngày một nâng lên, thương hiệu nông sản hữu cơ được định hình và có thị trường tốt", Trưởng phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ Trần Thị Thu Hằng đánh giá.
Tương tự, hiện nhiều mô hình phát triển nông nghiệp hữu cơ đã được triển khai tại các huyện: Sóc Sơn, Đông Anh, Phú Xuyên, Thạch Thất… gắn với việc xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Điển hình như tại huyện Đông Anh hiện có tới 50% hợp tác xã sản xuất rau truyền thống đã chuyển một phần diện tích từ sản xuất VietGAP sang hữu cơ và đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Còn tại huyện Thạch Thất, từ một mô hình sản xuất rau hữu cơ đầu tiên tại xã Yên Bình quy mô hơn 30ha, đến nay huyện đã có hơn 500ha sản xuất hữu cơ và theo hướng hữu cơ với đa dạng các loại cây trồng… Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, phát triển sản xuất theo hướng hữu cơ là một quá trình dài, từ 3 đến 5 năm mới cho thu hoạch, nhưng hiệu quả kinh tế cao gấp 2-3 lần so với sản phẩm nông nghiệp thông thường, đồng thời tạo môi trường sống trong lành cho người dân.
Hướng tới phát triển bền vững
Mặc dù hiệu quả đã được khẳng định nhưng trên thực tế, quy mô sản xuất nông nghiệp hữu cơ của Hà Nội còn hạn chế. Đến nay, diện tích trồng trọt hữu cơ của thành phố mới đạt hơn 2.000ha; diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 10,1ha. Trong chăn nuôi, Hà Nội chưa có sản phẩm hữu cơ đúng nghĩa, mới chỉ có các đơn vị thực hiện chăn nuôi chuyển đổi hữu cơ với tổng đàn khoảng 14,6 nghìn con lợn, gà, bò…
Dưới góc độ đơn vị sản xuất, bà Trương Kim Hoa - chủ trang trại Hoa Viên (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) kiến nghị, các cơ quan quản lý đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng hiểu hơn về nông sản hữu cơ, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đơn vị không thực hiện nghiêm quy trình sản xuất hữu cơ.
Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho rằng, nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi quy trình sản xuất, giám sát chặt chẽ và cần có thời gian dài để cải tạo chất đất, nguồn nước… nên chi phí sản xuất cao. Do vậy, thành phố và Chính phủ cần định hướng quy hoạch để phát triển các sản phẩm ưu tiên; có cơ chế giao đất dài hạn với hạn điền phù hợp. Song song đó, xây dựng chính sách thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất sản phẩm hữu cơ; đồng thời tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ phát triển ổn định.
Còn theo Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa, các sản phẩm sản xuất theo quy trình hữu cơ muốn vượt trội về năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế… cần phải được đầu tư mạnh mẽ hơn, gắn với ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Khẳng định sản xuất hữu cơ là xu thế tất yếu để hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, sản xuất hữu cơ gắn với du lịch sinh thái và sản xuất hữu cơ ứng dụng công nghệ cao là định hướng của nông nghiệp Hà Nội. Giai đoạn 2021-2025, mỗi năm thành phố sẽ mở rộng sản xuất ít nhất 300-500ha cây trồng theo hướng hữu cơ; đến năm 2025 tỷ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 1-2% tổng sản phẩm chăn nuôi, diện tích thủy sản chuyển đổi hữu cơ đạt khoảng 70ha...
"Ngành Nông nghiệp Thủ đô đã giao cho các đơn vị xây dựng mô hình cụ thể làm cơ sở rút kinh nghiệm để nhân rộng. Vấn đề quan trọng nhất là sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải phát triển song hành với truy xuất nguồn gốc, tuân thủ và minh bạch trong quy trình sản xuất, làm cơ sở xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững", ông Chu Phú Mỹ thông tin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.