(HNMO) - Ngày 11-1-2023, tại Hội nghị lần thứ mười một, với sự đồng thuận, nhất trí cao, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã biểu quyết thông qua 10 chương trình, kế hoạch thực hiện 10 nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị khóa XIII. Thành phố đã thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm sớm đưa các nghị quyết quan trọng, có tính chiến lược này nào cuộc sống.
1. Mười nghị quyết mà Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố thảo luận, cho ý kiến về các chương trình, kế hoạch thực hiện gồm có 3 nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 5, 3 nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 6 và 4 nghị quyết của Bộ Chính trị.
Đây là các quyết sách quan trọng về các vấn đề vĩ mô, có tính chủ trương, định hướng trước mắt và chiến lược cho sự phát triển của đất nước trên các lĩnh vực như: Đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kinh tế tập thể; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam; đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng; phòng thủ dân sự; phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng.
Việc xây dựng đồng loạt các chương trình, kế hoạch thực hiện 10 nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị được ban hành trong khoảng thời gian gần nhau trước hết cho thấy ý thức trách nhiệm, nỗ lực rất cao của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Mặt khác, đây còn là cách hay để xem xét nội dung các chương trình, kế hoạch một cách đồng bộ, thống nhất, hạn chế sự chồng chéo, trùng lắp, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ mười một, hàng chục đại biểu đã nêu ý kiến góp ý tiếp tục hoàn thiện các văn bản. Các ý kiến đã đi sâu phân tích, góp ý theo hướng giải đáp các câu hỏi theo nhóm vấn đề. Đó là kết cấu của các kế hoạch, chương trình hành động có bảo đảm phù hợp và đồng bộ, thống nhất với nhau?
Các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra tại các kế hoạch, chương trình hành động có bảo đảm phù hợp với các mục tiêu, chỉ tiêu được đề ra tại các nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố, 10 chương trình công tác lớn của Thành ủy khóa XVII; các nghị quyết chuyên đề của Thành ủy; Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 26-8-2022 của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị hay không?
Đây đều là những vấn đề rất cần thiết. Trả lời được những câu hỏi này sẽ bảo đảm cho nội dung các chương trình, kế hoạch sát với thực tiễn và nhiệm vụ chính trị của Thủ đô.
2. Thực tiễn lâu nay đã cho thấy, khâu tổ chức thực hiện chỉ thị, nghị quyết vẫn còn là khâu yếu. Ý thức rõ điều này, các đại biểu dự Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã đi sâu phân tích, làm rõ tính khả thi, sự phù hợp với yêu cầu thực tiễn và tính chất đặc thù của Thủ đô trong nhiệm vụ, giải pháp của các chương trình, kế hoạch.
Nhiều ý kiến nhìn nhận, điểm mới rõ nét trong các chương trình, kế hoạch của Thành ủy lần này là đều tập trung cụ thể hóa các nội dung nghị quyết; xác định rõ trọng tâm, trọng điểm để tổ chức thực hiện; đặc biệt là đều có phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên tinh thần rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ và thời hạn hoàn thành.
Đơn cử như trong Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 17-11-2022 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới, Thành ủy đã làm rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm, 10 nhiệm vụ cụ thể với 37 nội dung chi tiết, qua đó xác định rõ nhiệm vụ của 10 cơ quan cấp thành phố và 50 cấp ủy trực thuộc Thành ủy.
Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội giao Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cơ quan tham mưu tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý xác đáng để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo kế hoạch, chương trình, trong đó cần lưu ý bảo đảm thống nhất chung về thể thức, bố cục của các dự thảo và đồng bộ về các giải pháp; ban hành trước Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 để làm căn cứ cho các tổ chức Đảng trực thuộc, các sở, ban, ngành thành phố xây dựng kế hoạch hành động của từng ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Có thể khẳng định, không chỉ chú trọng nhằm bảo đảm chất lượng cao nhất cho các chương trình, kế hoạch, Thành ủy Hà Nội còn rất khẩn trương trong việc chỉ đạo nhanh chóng ban hành để sớm đưa các nghị quyết của Trung ương vào đời sống.
Phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ mười một Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, trên cơ sở những nội dung đã được thông qua tại hội nghị, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch để sớm tổ chức triển khai thực hiện ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới 2023.
Với kinh nghiệm dày dạn, cùng chất lượng, nhất là tính khả thi của các chương trình, kế hoạch, đặc biệt là vận dụng phương châm "kế hoạch 10 phần thì biện pháp phải 20 phần và quyết tâm 30 phần", Hà Nội chắc chắn sẽ tiếp tục đi đầu trong cụ thể hóa các nghị quyết mới của Đảng, đưa nghị quyết đi vào cuộc sống, đem lại sự chuyển biến mạnh mẽ trong năm bản lề, năm sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025 rất quan trọng.
Các nghị quyết được thông qua tại Hội nghị Trung ương 5, 6 (khóa XIII): Nghị quyết số 18-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022, về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; Nghị quyết số 19-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, ngày 16-6-2022, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới. Nghị quyết số 27-NQ/TƯ, ngày 9-11-2022, về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 28-NQ/TƯ, ngày 17-11-2022, về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 17-11-2022, về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bốn nghị quyết của Bộ Chính trị: Nghị quyết số 06-NQ/TƯ, ngày 24-1-2022, về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 10-NQ/TƯ, ngày 10-2-2022, về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 22-NQ/TƯ, ngày 30-8-2022, về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 30-NQ/TƯ, ngày 23-11-2022, về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.