(HNMO) - Gần 200 tác phẩm nhiếp ảnh, những thước phim tư liệu quý cùng nhiều hiện vật có giá trị đã điểm lại những dấu son lịch sử vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô.
Trưng bày chuyên đề “Hà Nội niềm tin và khát vọng vươn cao” được khai mạc sáng 12-3 tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Các tác phẩm ảnh được sắp xếp theo trình tự thời gian, bắt đầu từ hình ảnh tư liệu về ngôi nhà 5D Hàm Long, nơi thành lập chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 3-1929.
Sau sự kiện trọng đại Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3-2-1930, ngày 17-3-1930, tại số nhà 42 Hàng Thiếc, Ban Chấp hành lâm thời của Đảng bộ thành phố Hà Nội được thành lập, gồm 3 đồng chí: Đỗ Ngọc Du, Nguyễn Ngọc Vũ và Lều Thọ Nam.
Đồng chí Đỗ Ngọc Du được cử làm Bí thư Thành ủy Hà Nội đầu tiên. Đây là sự kiện có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng của cả nước và Thủ đô, mở ra thời kỳ đấu tranh cách mạng mới của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Sau sự kiện lịch sử ngày 10-10-1954, Hà Nội sạch bóng quân thù, hân hoan đón mừng những người con chiến thắng trở về giải phóng Thủ đô. Sự kiện đã đánh dấu bước ngoặt có ý nghĩa vô cùng to lớn, mở ra thời kỳ mới vẻ vang trong lịch sử ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ở thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.
Cùng cả nước, Hà Nội vừa tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đóng góp sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng miền Nam. Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hà Nội là nơi khởi nguồn các phong trào cách mạng trong các tầng lớp nhân dân như phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên; “Ba đảm đang” của phụ nữ; “Chiếc gậy Trường Sơn”, “Xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ”… Các phong trào nhanh chóng lan tỏa rộng khắp toàn miền Bắc.
Trưng bày chuyên đề dành một phần trang trọng để giới thiệu những bức ảnh tư liệu quý giá về Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hà Nội.
Năm 1972, do thất bại trên chiến trường miền Nam, đế quốc Mỹ đã điên cuồng leo thang chiến tranh đánh phá trở lại miền Bắc. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần bồi đắp, làm rạng rỡ thêm niềm tự hào của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng.
Sau năm 1976, Đảng bộ cùng nhân dân Hà Nội vừa tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh, vừa từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng…
Với chủ đề “Những mốc son lịch sử”, phần thứ hai tại trưng bày giới thiệu về các kỳ đại hội của Đảng bộ thành phố Hà Nội và Đảng bộ tỉnh Hà Tây cho tới năm 2008, thành phố thực hiện Nghị quyết số 15/NQ/QH12 của Quốc hội mang tính lịch sử về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh liên quan.
Những hình ảnh đẹp, ấn tượng về Thủ đô phát triển, đổi mới, ngày càng hiện đại, văn minh là nội dung của phần thứ ba với chủ đề “Niềm tin và khát vọng”. Trong 90 năm qua, Hà Nội luôn xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Hà Nội đã và đang cùng cả nước chung tay đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Những tác phẩm nhiếp ảnh được trưng bày ở phần thứ tư đã giúp người xem thấy rõ những nỗ lực, quyết tâm của Hà Nội trong phát huy truyền thống cách mạng, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để đạt được những thắng lợi mới.
Trưng bày chuyên đề là hoạt động thiết thực chào mừng 90 năm Ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3/1930-17/3/2020). Các tác phẩm nhiếp ảnh, những thước phim tư liệu quý cùng nhiều hiện vật giá trị được trưng bày một lần nữa giúp công chúng Thủ đô tự hào về những dấu son lịch sử chói lọi trên chặng đường 90 năm qua để tiếp thêm sức mạnh, niềm tin xây dựng và phát triển Thủ đô, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.