Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội ngày ấy, bây giờ...

Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức| 16/01/2021 06:00

(HNNN) - Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến có biết bao sự kiện lịch sử khó quên, một trong những sự kiện đó là Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 bầu ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là mốc son của lịch sử nước nhà bởi nó đặt dấu chấm hết cho chế độ phong kiến bằng ý nguyện của nhân dân, có tính pháp lý và công khai. Nó khẳng định vị trí pháp lý của Nhà nước công nông đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á.

Tòa nhà Quốc hội hôm nay. Ảnh: Lê Việt Khánh

Tổng tuyển cử thắng lợi cũng là lời tuyên bố đanh thép trước thế giới về tính chính danh, hợp pháp của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu; làm thất bại ý đồ đen tối của thực dân Pháp và những thế lực ngoại bang khác. Quốc hội với Nhà nước hợp hiến của nhân dân là nền tảng vững bền để cách mạng tiếp tục những bước đi cho một Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Chặng đường cách mạng trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ để có ngày hôm nay với những dấu mốc lịch sử, và Hà Nội ngày ấy - ngày 6-1 cách đây 75 năm là một ngày không thể nào quên. Đó là “một ngày vui sướng của nhân dân Việt Nam” được hưởng quyền bầu ra người đại diện cho quyền lợi của mình, và người Hà Nội có vinh dự được thể hiện ý nguyện của mình qua phiếu bầu trực tiếp vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính Người, vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân, công dân số một của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đặt niềm tin sâu sắc vào nhân dân Hà Nội để đăng ký ứng cử tại đây.

Khi được các vị bô lão huyện Đông Anh khởi xướng đề nghị Hồ Chí Minh là đại biểu suốt đời, không cần thông qua bầu cử, Người đã cám ơn sự tín nhiệm của nhân dân, đồng thời khẳng định: “Tôi không thể nằm ngoài thể lệ bầu cử đã quy định. Tôi đăng ký ứng cử ở Hà Nội thì không thể ứng cử ở nơi nào khác nữa”. Tấm gương thượng tôn pháp luật của Người cổ vũ tinh thần phấn khởi và tin tưởng của nhân dân Hà Nội.

Số báo đặc biệt của Quốc hội ra ngày Tổng tuyển cử.

Ngày 6-1-1946, Hà Nội rộn vang âm thanh chiêng trống và bước đi phấn khích của cử tri đi bầu cử, mặc cho các thế lực thù địch tìm cách chống phá. Người của Việt Nam Quốc dân Đảng còn mang tiểu liên đến Ngũ Xã ngăn cản không cho đặt hòm phiếu, cử tri đã vượt sang phố Nguyễn Thái Học để bầu cử. Cử tri Hà Nội bất chấp mọi khó khăn, thực hiện tốt nghĩa vụ và quyền công dân của mình. Những lá phiếu chứa đựng niềm tin của nhân dân Hà Nội đã chọn được 6 đại biểu trong số 74 ứng cử viên dự bầu, trong đó có đại biểu Hồ Chí Minh - Người đã ký Sắc lệnh số 14 ngày 8-9-1945 về Tổng tuyển cử, nghĩa là chỉ sau khi đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có 6 ngày.

Niềm tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào nhân dân cả nước nói chung và nhân dân Hà Nội nói riêng đã được chứng minh một cách thuyết phục bằng thắng lợi của Tổng tuyển cử trong hoàn cảnh đặc biệt, hiếm có trong lịch sử của các nhà nước trên thế giới. Ngay sau khi Quốc hội ra đời, thành phố Hà Nội chính thức được chọn là Thủ đô nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nay là Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Cử tri ngoại thành Hà Nội bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa I ngày 6-1-1946.

Và từ đó đến nay, đã 14 khóa Quốc hội, khóa nào cũng có ít nhất một trong những người đứng đầu của Đảng ứng cử và trúng cử tại Hà Nội. Khóa XIV có đại biểu Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Thật vinh dự cho Hà Nội, đồng thời cũng là vinh dự cho các đại biểu ứng cử và trúng cử tại Thủ đô. Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội thường có số lượng đại biểu đông nhất và có những đóng góp tích cực trong suốt quá trình cách mạng Việt Nam.

Đại biểu của thành phố Hà Nội luôn ý thức mình là đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân Thủ đô nên luôn gần dân, kính trọng dân để lắng nghe và thấu hiểu tiếng nói của nhân dân, cuộc sống của nhân dân. Hình ảnh đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thân mật, chân tình giữa các cử tri Hà Nội trong những lần tiếp xúc để lại ấn tượng hết sức sâu sắc về tấm gương người đại biểu của nhân dân Thủ đô, người đứng đầu của Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Hà Nội ngày ấy cách đây 75 năm và Hà Nội hôm nay đã thay đổi rất nhiều. Hà Nội lớn mạnh! Hà Nội tươi đẹp! Nhưng nét đẹp truyền thống ngàn năm văn hiến vẫn hiện rõ để ai cũng tự hào về một Thủ đô vinh quang và hào hoa. Ngày 6-1-1945 mãi mãi là mốc son sáng chói của Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố sáng tạo khơi nguồn cảm hứng về một tương lai tươi sáng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội ngày ấy, bây giờ...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.