(HNMO) - Hai ngày vừa qua, Hà Nội đã xảy ra mưa dông trên diện rộng gây úng ngập cục bộ một số tuyến đường trong khu dân cư và diện tích sản xuất nông nghiệp. Ảnh hưởng của bão số 8, Hà Nội còn mưa dông, lạnh về đêm và sáng trong nhiều ngày tới.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 7 kết hợp không khí lạnh nên ngày 10 và 11-10, Hà Nội xảy ra mưa vừa, mưa to trên diện rộng, gây ra hố sụt trên tuyến phố Lê Lai (thuộc địa bàn phường Hà Cầu, quận Hà Đông) với chiều dài 60cm, rộng 30cm, sâu 40cm. Còn tại huyện Phú Xuyên, mưa lớn làm úng ngập 84,6ha cây rau màu vụ đông. Tại quận Hoàn Kiếm và Đống Đa, mưa dông làm gãy đổ cành và 2 cây xanh. Tại quận Long Biên xuất hiện một vài điểm úng ngập trong khu dân cư...
Quận Hà Đông đã cảnh báo, phân luồng giao thông khu vực hố sụt. Quận Hoàn Kiếm và Đống Đa đã giải tỏa cành và cây xanh bị gãy đổ. Huyện Phú Xuyên đang khơi thông dòng chảy, vận hành hệ thống tiêu úng bảo vệ diện tích sản xuất nông nghiệp...
Còn theo thông tin từ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ảnh hưởng bởi hoàn lưu cơn bão số 7 gây mưa trên diện rộng tại Hà Nội liên tục trong những ngày qua đã khiến mực nước trên hệ thống thoát nước dâng cao, đặc biệt là trên sông Nhuệ và sông Cầu Bây.
Cụ thể, mực nước tại sông Tô Lịch (tại đầu phố Hoàng Quốc Việt) thời điểm 12h ngày 11-10 đo được là 4,84m (tăng 0,5m so với thời điểm 7h cùng ngày); tại sông Lừ (đoạn cắt phố Đặng Văn Ngữ) mực nước cao 4,61m (tăng 0,18m); sông Nhuệ (tại trạm bơm Đồng Bông 1) cao 5,41m (tăng 0,51m); sông Cầu Bây (tại đập Trại Lợn) cao 4,18m (tăng 0,13m)...
Tại lưu vực sông Tô Lịch (gồm toàn bộ khu vực trung tâm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và một phần các quận Tây Hồ, Thanh Xuân), mặc dù mưa liên tục song do cường độ mưa nhỏ, hệ thống thoát nước đã được cải tạo nên cơ bản giải quyết thoát nước tốt. Trên địa bàn không xuất hiện điểm úng ngập.
Tại lưu vực sông Nhuệ (gồm các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và một phần quận Tây Hồ, huyện Thanh Trì), do mực nước sông Nhuệ dâng cao (tại trạm bơm Đồng Bông 1 là 5,41m, cống Hà Đông là 4,85m, trạm bơm Yên Nghĩa là 4,38m) nên xuất hiện các điểm úng ngập tại phố Phan Văn Trường, phố Triều Khúc, đường Ngọc Hồi, các hầm chui dân sinh trên Đại lộ Thăng Long... với mức độ úng ngập từ 10-20cm.
Tại lưu vực sông Cầu Bây (quận Long Biên), hiện nay mực nước sông Cầu Bây đang dâng cao (tại đập Trại Lợn là 4,18m, cống Xuân Thụy ra sông Bắc Hưng Hải là 2,4m) nên xuất hiện điểm úng ngập tại khu vực Đàm Quang Trung - Cổ Linh với mức độ ngập khoảng 10cm.
Ông Trịnh Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, nguyên nhân úng ngập tại các lưu vực sông Nhuệ, sông Cầu Bây là do hệ thống thoát nước tại đây chưa được cải tạo đồng bộ; hiện tiêu thoát hoàn toàn theo chế độ tự chảy. Vì vậy, khi mực nước các sông dâng cao, đã xuất hiện các điểm úng ngập cục bộ.
Để giải quyết thoát nước tại khu vực, công ty đã vận hành trạm bơm cầu Đông Trù, gầm cầu Đuống, hạ mực nước trên hệ thống; triển khai lực lượng thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu trên toàn địa bàn quản lý, vận hành các trạm bơm: Yên Sở (16/20 máy bơm), Đồng Bông 1 (14/14 máy bơm), Cổ Nhuế (3/4 máy bơm)...; mở các cửa phai kịp thời để hạ mực nước trên hệ thống...
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ chiều tối nay (11-10) đến sáng mai, Hà Nội tiếp tục có mưa rào rải rác; trời lạnh, nhiệt độ thấp nhất 22-24 độ C.
Trưa và chiều mai (12-10), Hà Nội không mưa, nắng gián đoạn, nhiệt độ tăng thêm khoảng 4 độ C, phổ biến ở mức 26-28 độ C.
Do ảnh hưởng của bão số 8 nên từ chiều tối 13 đến ngày 16-10, Hà Nội tiếp tục mưa vừa, có nơi mưa to và dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh; trời lạnh về đêm và sáng, nhiệt độ thấp nhất 20-22 độ C.
Nhiều khả năng trong ngày mai (12-10), mực nước các sông nội địa Hà Nội, như: Bùi, Tích sẽ đạt mức báo động lũ cấp I. Mực nước các sông: Hồng, Đà, Đáy, Đuống, Cầu, Cà Lồ... tiếp tục lên nhưng thấp hơn nhiều so với mức báo động lũ cấp I.
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia thông tin, đêm nay, bão Kompasusẽ đi vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8 trong năm 2021. Đến 13h ngày 12-10, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 570km với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 13.
Đến 13h ngày 13-10, bão đi vào vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc) với sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Thời gian tiếp theo, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Nam và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 13h ngày 14-10, áp thấp nhiệt đới đi vào khu vực biên giới Việt Nam - Lào.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.