(HNM) - Sáng 15-1, Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng mô hình nông thôn mới (NTM) Hà Nội đã sơ kết xây dựng thí điểm mô hình NTM tại xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ) để bàn chủ trương, giải pháp mở rộng mô hình. Đồng chí Bùi Duy Nhâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì.
Một góc xã Thụy Hương (huyện Chương Mỹ), mô hình nông thôn mới thí điểm của cả nước. Ảnh: Bá Hoạt |
Kinh nghiệm từ xã Thụy Hương
Mô hình NTM ở Thụy Hương là một trong 11 mô hình triển khai thí điểm xây dựng NTM của cả nước trong 2 năm từ tháng 6-2009 đến tháng 6-2011. Mặc dù thời gian ngắn song theo ông Đào Đức Toàn, Phó Trưởng ban chỉ đạo, sau 7 tháng, bước đầu đã thu được nhiều kết quả. Trong năm 2009, tổng kinh phí đầu tư xây dựng NTM ở đây đạt 14,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước là 5,5 tỷ đồng, ngân sách xã là 1,9 tỷ đồng, doanh nghiệp hỗ trợ là 3 tỷ đồng và nhân dân đóng góp 4,1 tỷ đồng... Hiện Thụy Hương đã hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng theo tiêu chí của Bộ Xây dựng. Đối với các công trình xây dựng cơ bản, xã đã thi công được hơn 1,8/4,58km đường trục giao thông xã với kinh phí 2 tỷ đồng; đường thôn xóm thi công được 2/3,9km cần xây dựng với tổng kinh phí 3,1 tỷ đồng. Đối với hệ thống thủy lợi, xã đang nâng cấp Trạm bơm Trại Tằm, kiên cố hóa được hơn 2/4,16km kênh mương với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Các công trình trường học, cơ sở hạ tầng y tế, hệ thống điện cũng đã được đầu tư xây mới, chỉnh trang và nâng cấp... Trong nông nghiệp, địa phương đã lập và phê duyệt dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn quy mô 80ha và đang triển khai lập dự án chuyển đổi 15ha trồng cây ăn quả, 10ha trồng hoa, 10ha nuôi trồng thủy sản và 9,5ha chăn nuôi tập trung xa khu dân cư...
Ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Ban thường trực Ban chỉ đạo mô hình NTM Hà Nội đánh giá, quá trình xây dựng NTM ở xã Thụy Hương bộc lộ nhiều vấn đề như tâm lý người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự bao cấp của Nhà nước, thủ tục hành chính qua rất nhiều bước, mất nhiều thời gian. Ở các huyện ngoại thành kinh tế nông nghiệp vẫn là chủ đạo nhưng đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp là điều không đơn giản cần phải có thời gian. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế liên quan đến tích tụ ruộng đất nhưng "động" đến ruộng đất là liên quan đến quyền lợi của nhiều người dân nên dễ nảy sinh phức tạp. Hiện nay, ở Thụy Hương đang triển khai dự án sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên quy mô 80ha, để có 80ha trồng rau phải dành khoảng 40ha làm hạ tầng như đường giao thông, thủy lợi... Nếu áp theo giá đền bù mới của Nghị định 69/NĐ-CP thì chỉ riêng việc thu hồi đất đã mất hàng chục tỷ đồng, chưa kể tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Hơn nữa, có quy hoạch rồi nhưng nếu không có người đứng ra tổ chức để người dân thống nhất với nhau về quy trình, chất lượng, có đối tác ký kết hợp đồng tiêu thụ rau an toàn thì dự án cũng rất khó mang lại hiệu quả...
Cần cơ chế đặc thù
Bí thư Huyện ủy Chương Mỹ Đinh Mạnh Tuân cho rằng: Huy động nguồn lực cho NTM hiện nay gồm các nguồn nhân dân đóng góp, xã hội hóa, nguồn hỗ trợ của Nhà nước và từ chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn đấu giá đất xen kẹp do xã quản lý... để bổ sung vốn xây dựng NTM. Mặc dù vậy, ở xã Thụy Hương, diện tích đất xen kẹp rất khó bán do nhu cầu đất ở đây không lớn.
Còn theo ông Triệu Đình Phúc, Bí thư Huyện ủy Thanh Trì: Để xây dựng NTM cần có quy hoạch nông thôn nhưng nhiều vùng nông thôn hiện vẫn chưa có quy hoạch; Hệ thống "khung chuẩn" về cách tính các tiêu chí NTM chung của thành phố cũng chưa có để áp dụng khi triển khai trên diện rộng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM Bùi Duy Nhâm nhận định: Xây dựng NTM là một vấn đề khó và phức tạp. Qua mô hình NTM ở xã Thụy Hương đã đúc kết một số kinh nghiệm như, cấp ủy chính quyền cần quán triệt sâu sắc, đề cao trách nhiệm với Đảng, với dân và phải bàn với dân về các chủ trương chính sách... về xây dựng NTM để tạo sự đồng thuận. Công tác xây dựng NTM cần đưa vào nghị quyết của các địa phương. Mục tiêu xây dựng NTM là không thay đổi song trong cách làm các địa phương có thể sáng tạo, đặc biệt trong phát huy nguồn lực.
Sau hội nghị, các huyện cần thành lập ngay Ban Chỉ đạo xây dựng NTM ở các huyện, thị xã do Bí thư Huyện ủy trực tiếp làm trưởng ban. Việc xây dựng NTM cần có cơ chế đặc thù riêng về thủ tục hành chính, cơ chế tạo vốn, cơ chế phối hợp... theo hướng vận dụng sáng tạo theo từng địa phương để công tác xây dựng NTM đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài Thụy Hương, thành phố Hà Nội cũng đã xây dựng thêm 3 xã là Song Phượng (Đan Phượng), Mai Đình (Sóc Sơn) và Đại Áng (Thanh Trì) hoàn thành vào năm 2011 và đề ra mục tiêu từ nay đến 2015, toàn thành phố có từ 45 đến 50% số xã đạt tiêu chí NTM. Riêng trong năm 2010, mỗi huyện, thị xã chọn ít nhất từ 1-2 xã làm điểm để rút kinh nghiệm. Trong đó, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể về kinh tế, xã hội, thực trạng kết cấu hạ tầng của mỗi xã để đăng ký các xã tham gia để đến năm 2015 cơ bản phải đạt trên 70%, ngược lại những huyện có nhiều khó khăn, phấn đấu mỗi huyện đạt trên dưới 30% số xã đạt tiêu chí NTM.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.