UBND thành phố Hà Nội vừa có kế hoạch chuyên đề “Tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Kế hoạch nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học; đồng thời, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm. Kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học nhằm đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm, chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh.
Đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục từ mầm non đến trung học phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong và ngoài công lập trên địa bàn thành phố có tổ chức bếp ăn tập thể và căng tin; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các cơ sở kinh doanh tạp hóa; các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, thực phẩm cung cấp nguồn nguyên liệu chế biến thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; chính quyền các cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; nhà trường, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh; chủ cơ sở và người trực tiếp tham gia sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm tại các cơ sở cung cấp suất ăn cho bếp ăn tập thể, căng tin trường học và các cơ sở cung cấp nguyên liệu chế biến thực phẩm.
Để làm tốt việc này, UBND thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan và địa phương tập trung 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, thông tin, tuyên truyền về an toàn thực phẩm, đặc biệt với các đối tượng ưu tiên, đối với từng nhóm đối tượng sẽ có nội dung thông tin, tuyên truyền khác nhau; các hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học.
Cung cấp đường dây nóng phản ánh sự cố, mất an ninh an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Các quận, huyện, thị xã công khai đường dây nóng phản ánh các sự cố, mất an ninh an toàn thực phẩm trên địa bàn quản lý.
Về thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn thực phẩm, thành phố yêu cầu tập trung cho công tác quản lý an toàn thực phẩm các cơ sở giáo dục; tập huấn kiến thức, khám sức khỏe cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; bảo đảm điều kiện an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể, căng tin, cơ sở chế biến suất ăn sẵn trong cơ sở giáo dục.
Cùng với đó, xử lý các cơ sở vi phạm, công khai tên cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng. 100% các vụ ngộ độc thực phẩm, sự cố về an toàn thực phẩm được điều tra xử lý kịp thời, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm. Truy xuất nguồn gốc gây ra ngộ độc thực phẩm, thực hiện ghi chép sổ theo dõi thống kê ngộ độc thực phẩm; lấy mẫu thức ăn, thực phẩm nguy cơ ô nhiễm gửi xét nghiệm khi cần thiết, cảnh báo nguy cơ ô nhiễm của các thực phẩm nghi ngờ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.