(HNM) - Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 là cuộc cách mạng toàn dân, giành thắng lợi to lớn, toàn diện và triệt để nhất trong lịch sử.
Với thời gian không dài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã anh dũng vùng lên đấu tranh, lật đổ chế độ đô hộ của cả thực dân và phát xít, cùng nhà nước phong kiến tay sai, lập nên Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước Dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong thắng lợi đó, cuộc khởi nghĩa thành công của quân dân Hà Nội đã tạo ra thời cơ và động lực, thúc đẩy phong trào đấu tranh giành chính quyền trên cả nước tới toàn thắng.
Mít tinh tại Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố những ngày Cách mạng Tháng Tám với sự tham gia của hàng chục nghìn người. Ảnh tư liệu |
Xâm lược Việt Nam và Đông Dương, thực dân Pháp, sau này là phát xít Nhật đều đặt bộ máy cai trị tại Hà Nội. Tuy bị kẻ thù khủng bố rất tàn bạo, song phong trào đấu tranh của nhân dân Hà Nội vẫn liên tục nổ ra. Trước sự lớn mạnh của phong trào đấu tranh yêu nước, Đảng Cộng sản ra đời. Luận cương và đường lối lãnh đạo của Đảng xác định rõ: Phải tập hợp lực lượng, xây dựng khối đoàn kết toàn dân mà nòng cốt là liên minh công nông, đấu tranh giành chính quyền, lập lại nền hòa bình, độc lập và tự do cho dân tộc. Sự tiến bộ và tính đúng đắn trong Luận cương cũng như đường lối lãnh đạo của Đảng đã đáp ứng nguyện vọng và lòng mong đợi của toàn dân. Nhân dân Hà Nội có truyền thống đoàn kết và yêu nước, đấu tranh kiên cường và bất khuất, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân phát triển ngày càng cao. Nhiều tổ chức cách mạng đã ra đời như Hội Cứu tế, sau đó là Nông hội rồi Thanh niên và Phụ nữ cứu quốc...
Trong lúc phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng lên cao thì kẻ thù lại tập trung lực lượng đàn áp rất quyết liệt. Có giai đoạn Đảng bộ thành phố còn rất ít đảng viên, phong trào đấu tranh của nhân dân cũng tạm thời lắng xuống. Với bản lĩnh trung kiên và sáng tạo, Đảng bộ Hà Nội đã dựa chắc vào dân, bám chặt địa bàn, phát triển các tổ chức cách mạng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, kể cả trong đội ngũ công chức và binh lính địch.
Được nhân dân tin yêu, che chở và giúp đỡ, Đảng bộ và các tổ chức quần chúng vẫn không ngừng lớn mạnh. Các đội tự vệ, đội tuyên truyền vũ trang, thanh niên xung phong thành Hoàng Diệu… ra đời, đánh dấu bước trưởng thành và lớn mạnh của phong trào đấu tranh cách mạng của quân dân Hà Nội. Có Đảng và Mặt trận Việt Minh lãnh đạo, các tổ chức quần chúng tuyên truyền và giáo dục, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân phát triển ngày càng cao. Nhiều cuộc tuần hành, mít tinh và biểu tình của các tầng lớp nhân dân đã liên tiếp nổ ra, cờ Đảng và cờ Tổ quốc xuất hiện ở nhiều nơi trong thành phố.
Đúng lúc cao trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Hà Nội lên cao thì tình hình thế giới và trong nước có chuyển biến rất quan trọng, tạo ra thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, trong nước Nhật đảo chính Pháp. Thời cơ thuận lợi đã tới, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị: "Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta".
Thực hiện chỉ thị của Đảng, Đảng bộ Hà Nội đã đánh giá tình hình, hạ quyết tâm lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Để thống nhất hành động, tạo sức mạnh đánh đổ ách thống trị của địch, Ủy ban Khởi nghĩa được thành lập. Nhằm tăng cường sức mạnh và chuẩn bị khởi nghĩa thành công, chiều 17-8-1945, ta đã biến cuộc mít tinh của địch trên Quảng trường Nhà hát Lớn thành cuộc biểu dương sức mạnh của các tầng lớp nhân dân. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức quần chúng chiếm vũ đài, giương cao cờ cách mạng, nhân dân hô vang khẩu hiệu "Đả đảo chính quyền tay sai", "Ủng hộ Việt Minh".
Bất ngờ trước sức mạnh của quần chúng, lực lượng bảo an và cảnh sát của địch không dám kháng cự. Cuộc mít tinh đã biến thành cuộc tuần hành thị uy của hàng vạn nhân dân, qua cả Phủ toàn quyền của địch. Cuộc biểu dương sức mạnh của quần chúng chứng minh rõ bước trưởng thành quan trọng của phong trào cách mạng ở Hà Nội, cơ sở để Thành ủy và Ủy ban đánh giá tình hình, ra lệnh khởi nghĩa.
Tối 17-8 Thành ủy và Ủy ban Khởi nghĩa nhận định: Thời cơ khởi nghĩa đã tới, tuy địch có ưu thế về quân số, nhưng tinh thần và hành động của quân Nhật đang hoang mạng và do dự, ít có khả năng can thiệp vào công việc nội bộ của ta. Tinh thần và sức mạnh đấu tranh trong các tầng lớp nhân dân đang lên cao. Một bộ phận cảnh sát và bảo an đã ngả theo cách mạng. Thời cơ thuận lợi đã tới, ta cần phát động toàn dân tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Phương thức đấu tranh: Phát huy sức mạnh toàn dân, lực lượng chính trị làm nòng cốt, lực lượng vũ trang hỗ trợ.
Để mở đầu cuộc khởi nghĩa thành công: Ta tổ chức cuộc mít tinh lớn ở Quảng trường Nhà hát thành phố, nhanh chóng chuyển thành cuộc tuần hành đánh chiếm các công sở của địch. Nếu quân Nhật can thiệp cần thuyết phục, không được sẽ quyết đánh, chờ quân giải phóng tới tiếp tục tiến công. Kế hoạch khởi nghĩa của Hà Nội được Thường vụ và Xứ ủy thông qua, đồng thời ra lệnh cho các tỉnh thành xung quanh khởi nghĩa phối hợp.
Đúng kế hoạch, sáng 19-8-1945, cả Hà Nội rực rỡ cờ và biểu ngữ, 20 vạn quần chúng vùng lên đấu tranh, đánh chiếm Phủ khâm sai, trại Bảo an và các công sở của địch. Tối 19-8 ta đã giành được chính quyền trên toàn thành phố. Trở về Hà Nội trong niềm vui Tổng Bí thư Trường Chinh nhận định: "Chúng tôi nghĩ Hà Nội thắng lợi, cả nước nhất định thắng lợi". Khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, chính quyền cai trị của bọn thực dân và phát xít bị sụp đổ, mở ra lực, thế, thời mới để cả nước khởi nghĩa thắng lợi.
Bài học dựa vào dân và phát huy sức mạnh toàn dân trong Cách mạng tháng 8-1945 rất cần được nghiên cứu vận dụng sáng tạo vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở thời kỳ mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.