Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Giao ban trực tuyến về kết quả thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017" và Chỉ thị số 08-CT/TU của Thành ủy

Nhóm PV HNMO - Ảnh: Viết Thành| 13/12/2017 08:14

(HNMO) - Sáng 13-12, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến quý IV-2017 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã. Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì Hội nghị.

Quang cảnh hội nghị giao ban trực tuyến quý IV-2017 của thành phố Hà Nội.


Cùng chủ trì có các đồng chí Thường trực Thành ủy: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc và Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn.

Về phía Trung ương có đại diện Ban Kinh tế Trung ương và Văn phòng Trung ương Đảng.

Đại biểu thành phố dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố gồm các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; các đồng chí Phó Chủ tịch HĐND thành phố, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Phó Trưởng đoàn ĐBQH thành phố; lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, đại diện lãnh đạo các ban Đảng của Thành ủy; Trưởng các Ban của HĐND thành phố; Chánh Văn phòng HĐND thành phố, UBND thành phố; Văn phòng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị; thủ trưởng các sở, ban, ngành trực thuộc thành phố.

Hội nghị nhằm bàn về kết quả thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26-5-2016 của Thành ủy về việc tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác bảo đảm trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô; kết quả thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017" và kế hoạch triển khai chủ đề năm 2018 "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị".

Năm kỷ cương hành chính: Các chỉ số đều cải thiện, đạt thứ hạng cao

Về kết quả thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017", Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết,  thành phố đã rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật, chuẩn hóa thủ tục hành chính, xây dựng quy trình nội bộ, hoàn thiện quy chế làm việc của các cấp, các ngành, bộ phận trong tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc TP; tiếp tục thực hiện tốt việc sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức các bộ phận, đầu mối trực thuộc từ TP đến cấp huyện, xã; thay đổi căn bản tư duy, thái độ, đổi mới lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trực tiếp thụ lý, giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị.

Sự nỗ lực, cố gắng của TP đã được các doanh nghiệp và nhân dân ghi nhận thông qua các chỉ số: Chỉ số năng lực cấp tỉnh (PCI) tăng 10 bậc, xếp thứ 14/63 tỉnh, TP, cao nhất từ trước đến nay; chỉ số CCHC xếp thứ 3 cả nước (tăng 6 bậc); chỉ số về mức độ sẵn sàng cho phát triển ứng dụng CNTT xếp thứ 2 cả nước. Hà Nội là địa phương đứng đầu toàn quốc về số lượng hồ sơ giao dịch qua mạng và cũng là địa phương duy nhất cung cấp dịch vụ công mức độ 3 trong lĩnh vực tư pháp đồng bộ tới 100% xã, phường, thị trấn.

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng.


Triển khai 7 nội dung "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018"

Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, kế hoạch triển khai "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018" nhằm xây dựng chính quyền thành phố theo hướng chính quyền điện tử, phục vụ, chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực và hiệu quả; lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo đánh giá chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền từ thành phố đến cơ sở.

Kế hoạch gồm 7 nội dung cụ thể: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm thực hiện đầy đủ, toàn diện các nội dung cải cách hành chính theo tinh thần Nghị quyết 30c của Chính phủ, Chương trình số 08-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến cơ sở có thái độ giao tiếp, ứng xử chuẩn mực; có năng lực và tính chuyên nghiệp cao trong thực thi công vụ, nhiệm vụ được giao trên tinh thần "lấy sự hài lòng của người dân và sự phát triển của doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành công việc". Tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra công vụ; chú trọng kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế, xây dựng đô thị, văn hoá - xã hội, an ninh - quốc phòng. Bám sát, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành TƯ; các cấp uỷ đảng, vai trò của HĐND các cấp, phối hợp chặt chẽ với UB MTTQ, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của cộng đồng đối với hoạt động quản lý, điều hành của các cấp chính quyền thành phố.

Ban Cán sự đảng UBND TP chủ trì, chỉ đạo việc triển khai thực hiện kế hoạch, định kỳ báo cáo kết quả với Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy. Các sở, ban, ngành của thành phố, UBND các huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể trước ngày 30-1-2018.


Tăng cường chấn chính lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, chủ tịch UBND cấp xã

Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018 của thành phố là tiếp tục chấn chỉnh lề lối làm việc, đạo đức, tác phong, kỹ năng giao tiếp, ứng xử trong việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức… 


Phát hiện, xử lý gần 2.000 công trình xây dựng vi phạm

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 26-5-2016 về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo trật tự và văn minh đô thị trên địa bàn Thủ đô, các cấp, các ngành đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tích cực, qua đó một số lĩnh vực có chuyển biến tích cực, rõ rệt. Bộ mặt đô thị của Thủ đô ngày càng sạch hơn, đẹp hơn, văn minh hơn; trật tự đô thị, trật tự công cộng có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước hướng tới văn minh, hiện đại.

Công tác quản lý trật tự xây dựng đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2017, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 17.422 công trình, trong đó số công trình có vi phạm là 1.916 công trình (không phép: 765 công trình; sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kết: 334 công trình; xây dựng ảnh hưởng đến công trình lân cận, môi trường: 69 công trình; xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp: 748 công trình). 

UBND cấp xã, cấp huyện đã xử lý 1.571 trường hợp vi phạm, đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 345 trường hợp. UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 1.740 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng với tổng số tiền hơn 12,2 tỷ đồng.


Hà Nội: Thanh tra xây dựng phát hiện hơn 1.900 công trình vi phạm

(HNMO) - Năm 2017, các Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra 17.422 công trình, trong đó số công trình có vi phạm là 1.916 công trình.


Xây dựng hình ảnh công chức Hà Nội văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện

Là đại biểu đầu tiên tham luận tại Hội nghị, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Phan Lan Tú cho biết, trong năm 2017, công tác điều hành của các sở, ban, ngành đã có nhiều thay đổi do việc tích cực ứng dụng CNTT. Kết quả, có 85% đơn vị sử dụng văn bản điện tử, 100% đơn vị, xã phường sử dụng văn bản điều hành để quản lý công việc, góp phần công khai, minh bạch việc điều hành.

Về dịch vụ công trực tuyến: Tỉ lệ xử lý hồ sơ qua mạng đạt kết quả cao, TP triển khai thí điểm “một cửa điện tử”, giải quyết các thủ tục hành chính, đăng ký hồ sơ qua mạng...

Bên cạnh những việc đã thực hiện được, còn có những hạn chế như: một số đơn vị còn lúng túng khi sử dụng văn bản điện tử; các quy trình ứng dụng CNTT chưa có sự thống nhất.

Từ đó, bà Phan Lan Tú đề xuất một số giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới: Làm tốt công tác tuyên truyền CCHC; phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao để xây dựng hình ảnh công chức Hà Nội văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện với người dân; đẩy mạnh ứng cụng CNTT, triển khai xây dựng phần mềm quản lý đầu việc, hồ sơ công việc, chất lượng cán bộ; tăng cường sử dụng văn bản điện tử; chuẩn hóa số liệu, mẫu báo cáo, bảng biểu sinh động; triển khai đồng bộ “một cửa điện tử”, đánh giá sự hài lòng của người dân qua mạng; tăng cường công tác tuyên truyền để đẩy mạnh việc thực hiện hồ sơ qua mạng…


Quận Hà Đông: Đã xử lý xong toàn bộ nhà siêu mỏng, siêu méo 

Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng thông tin về kết quả thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU trên địa bàn quận thời gian qua. 

Trong quản lý trật tự xây dựng, tính đến ngày 10-12-2017, quận đã cấp 3.374 giấy phép xây dựng, tăng 230 giấy phép so với năm 2016. Đội Thanh tra xây dựng quận cùng các lực lượng chức năng tại các phường thường xuyên xử lý sai phạm theo quy định; phát hiện 56 công trình sai phạm (chiếm hơn 2% số công trình kiểm tra). Đến nay, lực lượng chức năng đã xử lý 42 trường hợp, đang tiếp tục xử lý 14 trường hợp và dự kiến xong trong tháng 12-2017.

"Hà Đông đã xử lý xong 13/13 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo" - ông Vũ Ngọc Phụng cho biết.

Trong quản lý trật tự công cộng, bảo đảm mỹ quan đô thị, từ đầu năm đến nay, các phường trên địa bàn đã tăng cường kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở 8.000 trường hợp, thu giữ hàng hoá 13.000 trường hợp, thu giữ các mái che, mái vẩy gây mất mỹ quan đô thị, xử lý với số tiền 1,122 tỷ đồng; ban hành 10 quyết định xử phạt hành chính với các doanh nghiệp vi phạm về biển hiệu quảng cáo với số tiền hơn 260 triệu đồng; thống kê danh sách đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tạm ngừng cung cấp dịch vụ với 714 số điện thoại vi phạm quảng cáo rao vặt. Từ đầu năm đến nay, quận cũng đã thanh thải bó gọn 6.200m dây và di chuyển 254 cột điện không bảo đảm mỹ quan, có nguy cơ cháy nổ, xây dựng mới 17 trạm biến áp, cải tạo 14 trạm biến áp...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND quận Hà Đông cũng nêu một số hạn chế, tồn tại trên địa bàn như: Còn tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh; việc đổ trộm phế thải, phế liệu xây dựng chưa được phát hiện xử lý kịp thời; còn tình trạng xây dựng sai phép... 

Quận Thanh Xuân: Đề nghị cho phép luân chuyển, biệt phái cán bộ để đào tạo chuyên môn tốt hơn

Theo Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Nguyễn Xuân Lưu, đến hết tháng 11-2017, toàn quận đã giải quyết 12.715 hồ sơ trực tuyến mức độ 3. Đặc biệt, quận đã chủ động triển khai thêm 118 thủ tục của quận. Như vậy, thời điểm này, quận đạt 128/244 thủ tục hành chính mức độ 3. 

Quận cũng chủ động đầu tư CNTT để triển khai giải quyết tục hành chính, trong đó có mô hình giao ban trực tuyến giữa quận và phường; áp dụng tin nhắn SMS trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, giúp người dân nắm được thời điểm nhận hồ sơ và kết quả giải quyết hồ sơ. Quận đã xây dựng được 2 khu dân cư điện tử ở Hapulico và Hạ Đình, công dân có thể làm THHC trực tuyến cả tối và ngày; đăng ký lấy số và giải quyết TTHC qua mạng, đã áp dụng từ 1-12.

Để tăng cường kỷ cương hành chính của cán bộ, công chức, UBND quận thành lập tổ công tác kiểm tra đột xuất, đã kiểm tra 43 lượt, nhắc nhở 11 công chức, viên chức phải báo cáo, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện giờ làm việc.

Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân cho biết, quy định làm việc sáng thứ bảy với khối phường của quận hiện nay là 50 tuần/năm, tương đương 200 giờ làm việc ngoài giờ (theo Luật Lao động không vượt quá 200 giờ). Vì thế, UBND quận kiến nghị không tính vào số giờ làm thêm của năm và cho phép áp dụng tiền lương tăng thêm; cho phép luân chuyển, biệt phái cán bộ để đào tạo chuyên môn tốt hơn.

Về việc thực hiện trật tự xây dựng, tỉ lệ xử lý công trình không phép của quận đạt 99,16%, xử lý 54/62 công trình vi phạm, xử lý 11/14 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo, còn 3 trường hợp đang tập trung xử lý.

Huyện Gia Lâm: Lượng rác thu gom hằng ngày đạt hơn 90%


Tham gia tham luận, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, để thực hiện Chỉ thị 08, huyện đã quán triệt và triển khai đến các xã, thị trấn, các thôn, quy định trách nhiệm của chủ tịch các xã, thị trấn, trưởng phòng, ban liên quan và thanh tra xây dựng trong công tác quản lý trật xây dựng.. Từ ngày ban hành quy định trên, các trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn huyện giảm rõ rệt, nhất là vi phạm về xây dựng trên đất công, đất nông nghiệp.


UBND huyện cũng rà soát việc sử dụng đất công, phân loại các vị trí đất công, các vi phạm về đất công tại các xã, thị trấn và xin ý kiến với Sở Tài nguyên Môi trường để thống nhất hướng xử lý.

Với công tác quản lý môi trường, việc thu gom rác được thực hiện theo đầu mối, lượng rác thu gom hằng ngày trên địa bàn đạt hơn 90%. Để nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn, UBND huyện đã ban hành quy chế về quản lý vệ sinh môi trường, từ đó người dân giám sát việc thu giá dịch vụ và đánh giá chất lượng vệ sinh môi trường.

Năm 2018, UBND huyện sẽ tiếp tục rà soát và xử lý dứt điểm vi phạm tồn tại nhiều năm trên đất nông nghiệp, đất công; đồng thời đề xuất với thành phố các giải pháp xử lý một số vi phạm, đặc biệt đối với hơn 400 trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp trước ngày 1-7-2011. Bên cạnh đó, huyện chủ tăng cường thu gom rác thải; vận động nhân dân trồng cây xanh và cải tạo ao hồ bằng hình thức nhân dân đóng góp, huyện hỗ trợ, để bộ mặt đô thị có chuyển biến rõ rệt hơn.

Giám đốc Sở VH-TT Tô Văn Động phát biểu tham luận tại hội nghị.

Kiên quyết gỡ bỏ trang trí đường phố xấu trước Tết Dương lịch

Về việc rà soát, sắp xếp hệ thống biển hiệu trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao (VH-TT) Tô Văn Động cho biết, Sở sẽ chủ trì, phối hợp các quận, huyện, sở, ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý quyết liệt vi phạm quảng cáo, biển hiệu trước Tết Dương lịch; lựa chọn từng nhóm vi phạm để đưa ra giải pháp giải quyết mạnh, như xử lý nhãn hàng, lựa chọn doanh nghiệp vi phạm nhiều để xử lý trước; tiếp tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới công dân, doanh nghiệp về hoạt động quảng cáo, biển hiệu; tổ chức triển khai quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn thành phố; các quận, huyện, thị xã tiếp tục xây dựng tuyến phố văn minh… 

Giám đốc Sở VH-TT Tô Văn Động cũng cho biết sẽ rà soát việc trang trí ở những tuyến phố chính để phục vụ nhân dân, du khách đón Tết Dương lịch và Noel. Sở đề nghị các quận, huyện rà soát, dỡ bỏ những trang trí cũ, xấu, tổ chức trang trí quận, huyện sáng, đẹp để đón Tết.


Liên quan đến việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, bên cạnh những việc làm được, vẫn còn hạn chế, tồn tại như: chưa có sự thay đổi rõ nét của người dân, vẫn còn hiện tượng lối sống ích kỷ, vô cảm; trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế; chưa tạo được phong cách ứng xử văn minh của người Hà Nội, mang đặc trưng riêng biệt của người Tràng An…

Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, thời gian tới, Sở sẽ tập trung giáo dục lối sống từ trong gia đình đến nhà trường, như nói chuyện chuyên đề về văn hóa; tiếp tục tuyên truyền hai quy tắc ứng xử tới từng người dân, đưa văn hóa ứng xử vào từng đơn vị, tăng cường vai trò giám sát, phản biện xã hội trong đơn vị; phát huy sức sáng tạo của đội ngũ văn-trí thức Thủ đô trong xây dựng nội dung người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mở lớp tập huấn cho các nhóm đối tượng, từng bước nâng cao nhận thức; tiếp tục đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, con người, nâng cấp các nhà hát của Hà Nội, đổi mới đa dạng các nhà văn hóa, trước mắt là nhà văn hóa thôn; cùng chung tay xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, không nói tục, nói bậy trong nhà trường; đoàn thanh niên tham gia giáo dục thế hệ trẻ, công an thành phố nâng cao ý thức chấp hành luật lệ giao thông…


Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện phát biểu tại hội nghị.


Kiến nghị “phạt nguội” để xử lý nghiêm vi phạm vỉa hè

Nêu giải pháp nhằm triển khai hiệu quả Chỉ thị số 08, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Vũ Văn Viện cho biết, sau một thời gian triển khai, công tác bảo đảm trật tự đô thị đã nảy sinh nhiều tồn tại, thường chỉ  khi lực lượng chức năng ra quân thì lòng đường, hè phố mới nền nếp, sạch sẽ, khi các lực lượng đi khỏi thì vi phạm “đâu lại hoàn đấy”. 

Để xử lý nghiêm sai phạm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải kiến nghị thành phố cho phép sử dụng phương tiện nghiệp vụ để xử phạt vi phạm hành chính, xử lý vi phạm qua hình ảnh. Bởi trên thực tế, chỉ cần xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng Nghị định số 46/NĐ-CP với mức xử lý 25 triệu đồng/vi phạm hè phố thì cũng đã rất hiệu quả, không cần phải tăng gấp đôi mức xử lý như đề xuất của UBND TP Hồ Chí Minh. “Phạt nguội” di động với những vi phạm lòng đường, vỉa hè sẽ giúp khắc phục những bất cập trong xử lý vi phạm hiện nay và quy định này đã được Chính phủ cho phép thực hiện. 

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng đề xuất các quận, huyện, thị xã phối hợp tuyên truyền về việc tăng mức phí trông giữ phương tiện từ 1-1-2018 cho phù hợp với tình hình thực tế, theo đúng nghị quyết của HĐND TP tại kỳ họp thứ 5; Công an TP Hà Nội phối hợp rà soát để nắm vững lượng ô tô, xe máy cũng như lượng xe máy quá hạn sử dụng trên địa bàn thành phố và xử lý theo đúng quy định.

[Hà Nội: Kiểm điểm sâu sắc một chủ tịch xã vi phạm giờ hành chính và tinh thần, thái độ ứng xử]

Quận Hoàn Kiếm đề xuất cho phép kinh doanh trên vỉa hè có thu phí

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết, năm 2017 quận tổ chức nhiều đợt ra quân xử lý các vi phạm phát sinh. Từ tháng 6-2016 đến nay, toàn quận đã xử lý 21.991 vi phạm về trật tự hè phố với số tiền 11,9 tỷ đồng, trong đó xóa 164/226 tụ điểm, xử phạt 383 lượt bãi để xe trái phép, thu quá giá theo quy định và quá diện tích; thu hồi 23 điểm, điều chỉnh 9 điểm trông giữ phương tiện vi phạm.

Quận đã hoàn thành cơ bản việc cải tạo, chỉnh trang 15 tuyến phố xung quanh hồ Hoàn Kiếm và các tuyến phố nhánh tại khu vực hồ; đang thực hiện tiếp 15 tuyến, đảm bảo chỉ tiêu được giao năm 2017-2018; tiếp tục triển khai bổ sung 15 tuyến trong năm 2018; đồng thời hoàn chỉnh các dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ ngầm các tuyến phố, đến nay 80% tuyến phố đã được chỉnh trang hạ ngầm. Hiện quận đang tập trung hoàn thiện hồ sơ để chuẩn bị khởi công dự án quan trọng trong năm 2018 là cải tạo hạ tầng kỹ thuật chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Theo Chủ tịch quận Hoàn Kiếm, diện mạo quận đã thay đổi cơ bản, nhận thức của người dân về giữ gìn trật tự đô thị có chuyển biến nhưng kết quả chưa bền vững, vẫn có tình trạng tái lấn chiếm lòng hè đường trở lại.

Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư giao thông tĩnh trên địa bàn quận song song với hoàn chỉnh quy hoạch; thành phố cho phép quận tiếp tục mở rộng không gian đi bộ khu vực phía Nam khu phố cổ để tạo thành chỉnh thể, bổ trợ công năng về dịch vụ, thương mại. Đáng chú ý, Chủ tịch Dương Đức Tuấn cũng kiến nghị thành phố nghiên cứu một số vỉa hè của tuyến phố có kích thước trên 5m cho phép sắp xếp kinh doanh trên hè nhưng đảm bảo lối đi bộ tối thiểu 1,5m, có thể triển khai thu phí.


Người đứng đầu phải vào cuộc quyết liệt để công việc đạt chất lượng mới

Tiếp thu ý kiến và một số kiến nghị của 10 lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết sẽ tổng hợp các ý kiến này và có trả lời ngay trong tuần.

Chủ tịch UBND thành phố đề nghị, để nâng cao hiệu quả các nội dung của "Năm kỷ cương hành chính 2017" và thực hiện Chỉ thị 08, trong thời gian tới, cần phải nâng cao trách nhiệm, sự tích cực, năng động của người đứng đầu các cấp, các ngành. Chủ tịch UBND thành phố đề nghị bí thư, chủ tịch các quận, huyện, thị xã, phường, xã; giám đốc các sở, ban, ngành cần vào cuộc quyết liệt hơn để năm 2018 với chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị" sẽ đưa được chất lượng thực hiện công việc lên một mức mới.

Đặt mục tiêu lớn để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đánh giá, năm 2017, Hà Nội đã đạt được kết quả trên các lĩnh vực, trong đó có có 7 chỉ tiêu vượt kế hoạch, điều đó cho thấy sự tiến bộ, nỗ lực vào cuộc của các ngành, địa phương và sự đồng thuận của nhân dân Thủ đô.


Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận Hội nghị.


Về vấn đề đảm bảo trật tự đô thị, điểm nổi bật là công tác quản lý đô thị ở phường, xã có bước chuyển biến. Tại nhiều tuyến đường được triển khai về hạ tầng, nhiều tuyến phố, khu vực xã, phường, người dân đã tự giác xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp, làm các vườn hoa, hộ gia đình có hoa… - đó là những sáng tạo mà không cần ngân sách; vấn đề hạ cáp ngầm cũng được thực hiện tốt dù hiện tại thành phố còn nhiều khó khăn...

Nhấn mạnh về việc chỉnh trang vỉa hè thời gian qua, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhìn nhận, thành phố quy định chỉ thay những tuyến phố đã ổn định nhưng khi thực hiện, một số nơi làm chưa tốt, vấn đề này thành phố sẽ tiến hành thanh tra.

"Vi phạm về trật tự vỉa hè hay lát đá vỉa hè thời gian qua, trong xử lý phải quy trách nhiệm về các cấp lãnh đạo, người đứng đầu, chứ không thể coi như không có gì xảy ra" - Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải lưu ý.

Về việc xử lý chất thải, mặc dù hiện nay thành phố đã xử lý được 28,7% nhưng Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các dự án mới cần phải được triển khai quyết liệt hơn. Vấn đề cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, Hà Nội đã đạt tỷ lệ 49% người dân được dùng nước sạch, nhưng việc triển khai kế hoạch ở các quận, huyện ngoại thành còn gặp nhiều khó khăn.

“Chúng ta đã đưa ra những mục tiêu lớn, thực hiện các giải pháp quyết liệt hơn nhằm mang đến chất lượng sống tốt hơn cho người dân”, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải khẳng định.

Tiếp tục thực hiện "Năm kỷ cương hành chính", Bí thư Thành uỷ đề nghị đẩy mạnh hình thức họp trực tuyến giữa các xã, phường với quận, huyện để tận dụng thế mạnh về công nghệ thông tin hiện đã được "phủ sóng" tốt trên toàn thành phố.

Trước khối lượng công việc năm 2018 rất lớn và khó khăn, Bí thư Thành uỷ Hoàng Trung Hải đề nghị các cấp ủy đảng và chính quyền cần quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các mục tiêu, công việc đề ra, trước mắt hoàn thành có chất lượng và đúng tiến độ việc kiểm điểm, phê bình và tự phê bình trong năm 2017. (Xem chi tiết phát biểu của Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải tại đây).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Giao ban trực tuyến về kết quả thực hiện "Năm kỷ cương hành chính 2017" và Chỉ thị số 08-CT/TU của Thành ủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.