(HNMO) - Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều là trẻ dưới 15 tuổi, trong đó có 4 trường hợp là trẻ dưới 1 tuổi; 75% số trường hợp mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
Ảnh minh họa |
Từ đầu năm đến hết tháng 6/2014, Hà Nội ghi nhận 16 trường hợp mắc viêm não Nhật Bản tại 15 xã, phường, thị trấn của 12 quận, huyện, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại Minh Châu, Ba Vì. So với cùng kỳ năm trước, số mắc viêm não Nhật Bản tăng 12 trường hợp. Tất cả các trường hợp mắc bệnh đều là trẻ dưới 15 tuổi, trong đó có 4 trường hợp là trẻ dưới 1 tuổi; 75% số trường hợp mắc bệnh chưa tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ.
Các chuyên gia y tế cho biết, bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm virus cấp tính do virus VNNB gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5,6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển và cũng là mùa có nhiều loài hoa quả chín thu hút chim từ rừng về mang theo mầm bệnh từ nơi hoang dã rồi từ đó lây sang đàn lợn, gia súc gần người và sau đó lây sang cho người.
Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người mà bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm virus (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh VNNB được gọi là véc tơ truyền bệnh. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.
Người bị VNNB thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.
Tiêm vắc xin VNNB được coi là biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh. Đối với trẻ em dưới 5 tuổi, tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình tiêm chủng mở rộng; trong đó mũi 1 lúc trẻ đủ 1 tuổi, mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần, mũi 3: sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản: mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt. Mũi 2, tiêm mũi 1 từ 1 đến 2 tuần. Mũi 3, tiêm sau mũi 2 là một năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Theo Sở Y tế Hà Nội, ngành y tế đã đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống dịch và khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng; giám sát các trường hợp viêm não virus tại các bệnh viện trung ương, bộ ngành, thành phố và tại cộng đồng; điều tra dịch tễ, khoanh vùng cách ly và xử lý các ổ dịch ngay tại cộng đồng.
Đặc biệt, ngành y tế Hà Nội tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng VNNB miễn phí cho trẻ từ 1-3 tuổi trên địa bàn thành phố. Qua 2 vòng chiến dịch đã có 164.890/183.083 trẻ trong độ tuổi được tiêm phòng, đạt 90,1%. Ngành y tế đang triển khai quyết liệt việc tổ chức tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ từ 1-3 tuổi để đạt được chỉ tiêu thành phố giao là trên 95% trẻ được tiêm vắc xin; đồng thời tổ chức tiêm vắc xin VNNBNhật Bản chống dịch cho trẻ từ 1-15 tuổi chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi theo quy định tại các xã, phường, thị trấn đã ghi nhận ca bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.