Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: Đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung lương thực và các mặt hàng thiết yếu

Thanh Hiền| 10/08/2021 18:24

(HNMO) - UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm và cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn thành phố Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian giãn cách xã hội. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về vấn đề này.

Các siêu thị bảo đảm hàng hóa, lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô.

- Xin bà cho biết đánh giá về nguồn cung lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn Hà Nội khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp?

- Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, nguồn cung hàng hóa đối với hệ thống phân phối hiện đại cũng như các chợ dân sinh vẫn bảo đảm đầy đủ, dồi dào để phục vụ nhu cầu của người dân. Mặc dù, một số chợ đầu mối và hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại phải đóng cửa do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng các hệ thống đang được mở đã tiếp tục tăng nguồn cung dự trữ lên 100% so với những ngày bình thường để hỗ trợ cho các địa điểm đang ngừng hoạt động, đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của công tác kiểm soát dịch bệnh (hạn chế phương tiện vận chuyển, xét nghiệm Covid-19 cho lái xe qua các chốt kiểm dịch…), đã khiến hoạt động lưu thông hàng hóa khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, dịch bệnh bùng phát mạnh dẫn đến nhiều điểm tại các quận, huyện, thị xã có số khu vực phải khoanh vùng cách ly, người phải cách ly tăng cao, nhu cầu sử dụng hàng hóa tăng mạnh trong nhiều ngày, kho dự trữ hàng hóa trong thành phố đã cạn hàng, phải huy động hàng hóa từ các tỉnh, thành phố khác.

Về sản xuất nông nghiệp, do thiếu nguồn nhân lực lao động để phục vụ sản xuất, thu hoạch, vật tư nông nghiệp thiếu do nguồn cung bị đứt gãy, giá đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giá thành đầu tư của sản phẩm nông nghiệp…

- Vậy, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, Hà Nội có kế hoạch cung ứng hàng hóa như thế nào, thưa bà?

-  Sở Công Thương Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố bảo đảm nguồn cung theo 2 hướng. Đó là tổ chức lại hệ thống sản xuất nông nghiệp trên địa bàn; duy trì liên doanh, liên kết, kết nối hàng hóa từ các tỉnh, đặc biệt là từ 21 tỉnh phía Bắc và 800 chuỗi đang thực hiện cung ứng hàng hóa cho Hà Nội. Bên cạnh đó, chúng tôi đã sẵn sàng tổ chức các điểm bán hàng lưu động.

Hiện nay, thành phố đang dự trữ 2.500 điểm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, nếu các hệ thống phân phối bị đóng cửa thì sẽ được kích hoạt. Cùng với đó, thành phố cũng khuyến khích các hệ thống phân phối khác tham gia vào việc bán hàng thiết yếu trên thị trường.

- Hiện, nhu cầu sử dụng lương thực, thực phẩm trên địa bàn Hà Nội như thế nào, thưa bà?

- Nhu cầu gạo của thành phố khoảng 93.000 tấn/tháng, thành phố đáp ứng khoảng 65%, còn lại là từ các tỉnh, thành phố khác. Về thịt lợn, nhu cầu của thành phố khoảng 19.000 tấn/tháng, khả năng đáp ứng tại chỗ đạt hơn 98%. Thịt trâu, bò, nhu cầu khoảng 5.300 tấn/tháng, đáp ứng tại chỗ khoảng 20%, còn lại được cấp từ các địa phương khác. Thịt gia cầm, trứng gia cầm, thành phố cũng có thể đáp ứng đủ. Về rau, củ, nhu cầu của thành phố khoảng 103.000 tấn/tháng, khả năng đáp ứng của vụ hè hiện tại khoảng 60.000 tấn, nhu cầu cấp từ các tỉnh, thành khác là 43.000 tấn.

- Trước tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, thành phố sẽ triển khai những giải pháp gì để bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm trên địa bàn, thưa bà?

- Đối với sản xuất rau, thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nông dân sản xuất rau tăng lứa, gối vụ tăng hệ số quay vòng đất; trồng rau vụ đông sớm cho vụ thu hoạch trong quý IV-2021. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 500 - 600ha tại các huyện có đất vùng bãi, diện tích chuyên canh rau như: Phúc Thọ, Đan Phượng, Chương Mỹ, Mê Linh, Phú Xuyên, Thường Tín… Đồng thời, hỗ trợ nông dân về giống, màng phủ, phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật thảo mộc…

Hướng dẫn mở rộng diện tích sản xuất rau ngắn ngày, rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 2.000ha ở các huyện: Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Phúc Thọ… Phấn đấu diện tích cây vụ đông đạt 28.169ha.

Bên cạnh đó, duy trì, phát triển đàn bò 164.000 con, đàn lợn đạt 1,6 đến 1,8 triệu con, đàn gia cầm đạt 38 - 40 triệu con; duy trì hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ tập trung tại: Thanh Trì, Thanh Oai, Chương Mỹ, Gia Lâm… Kiểm soát hoạt động buôn bán động vật tại các chợ đầu mối Hà Vĩ, Bắc Thăng Long, có phương án dự phòng trong trường hợp các chợ đầu mối động vật, cơ sở giết mổ lớn bị phong tỏa, cách ly.

Thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn trên địa bàn Hà Nội như Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Hà Nội Food, Công ty cổ phần Thực phẩm Song Đạt, Công ty Ba Huân… tập trung sản xuất sản phẩm chế biến phục vụ người tiêu dùng Thủ đô. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản có kho lạnh bảo quản tăng cường dự trữ nguyên liệu, thành phẩm để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và chuyển đến các cơ sở phân phối phục vụ người tiêu dùng.

Bên cạnh nguồn cung tại chỗ, thành phố có phương án lấy gạo từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hà Nam, Hưng Yên… Nếu cần, có thể thay thế từ các tỉnh Lào Cai, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình…

Về thịt lợn, có nguồn cung từ các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hòa Bình… Về thịt trâu, bò, có nguồn cung từ các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lào Cai, Thanh Hóa… Rau, củ lấy từ các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Lâm Đồng… Trường hợp các địa phương trên gặp khó khăn, thành phố cũng dự phòng nguồn cung từ các địa phương khác.

Ngoài phương án cung cấp nguồn hàng nông sản thực phẩm từ các tỉnh, thành phố, hằng năm, tỉnh Hòa Bình cung cấp cho thành phố Hà Nội 200 tấn rau hữu cơ, 120 tấn trái cây, 2.500 tấn thịt lợn, 1.000 tấn thịt gà, 500 tấn thịt bò, 1.500 tấn cá sông Đà… Tỉnh Vĩnh Phúc cung cấp 80.000 tấn rau củ quả, 250 triệu quả trứng gà, 3.200 tấn gà thịt, 15.000 tấn thịt lợn, 4.000 tấn thủy sản nuôi… qua hệ thống siêu thị.

- Trong trường hợp thiếu hàng cục bộ tại một số điểm bán do nhu cầu mua tăng cao hoặc một số điểm bán như chợ, siêu thị ngừng kinh doanh do có liên quan đến yếu tố dịch tễ..., thành phố sẽ triển khai những giải pháp gì, thưa bà?

- Khi xảy ra thiếu hàng cục bộ tại các điểm bán của hệ thống phân phối, các doanh nghiệp thực hiện điều tiết trong hệ thống và trên các quầy, kệ tại điểm bán bảo đảm phục vụ nhân dân trong 3 tiếng. Trường hợp thiếu hàng cục bộ tại các quận, huyện thì điều phối doanh nghiệp triển khai ngay các điểm bán lưu động đã chuẩn bị.

Trường hợp doanh nghiệp không đủ xe, các quận, huyện huy động phương tiện phối hợp với doanh nghiệp chuyển hàng và tổ chức bán hàng tại điểm bán hoặc báo cáo Sở Công Thương về nhu cầu phương tiện để Sở báo cáo thành phố điều động phương tiện.

Trường hợp nhiều điểm bán thực phẩm tươi sống ngừng kinh doanh cùng một thời điểm, hàng hóa bị thiếu, thành phố sẽ triển khai ngay 2.500 điểm bán lưu động đã bố trí (nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng, các khu vực đất trống).

Đồng thời, bố trí các khu đất trống cho các tiểu thương trong chợ dân sinh di chuyển địa điểm khi chợ bị dừng hoạt động; yêu cầu hệ thống không bán thực phẩm thiết yếu chuyển đổi công năng các điểm bán sang bán lương thực, thực phẩm thiết yếu cho nhân dân; mở cửa 24/24 giờ sẵn sàng phục vụ nhân dân khi có yêu cầu của thành phố…

- Vậy vai trò của các sở, ngành liên quan trong việc bảo đảm lưu thông thông suốt hàng hóa được triển khai như thế nào, thưa bà?

- Thành phố đã giao Sở Y tế tham mưu UBND thành phố có phương án giải quyết việc xét nghiệm cho đội ngũ lái xe của các đơn vị kinh doanh hàng hóa thiết yếu. Triển khai tiêm vắc xin cho đối tượng người lao động trong sản xuất, kinh doanh, nhân viên vận chuyển… để bảo đảm nguồn nhân lực. Thực hiện xét nghiệm trong thời gian ngắn nhất đối với các lái xe vận chuyển hàng hóa cho các hệ thống phân phối.

Sở Giao thông Vận tải hướng dẫn, tạo điều kiện cho các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu của Hà Nội và các tỉnh, thành phố theo đề xuất của doanh nghiệp và Sở Công Thương.

Bộ Tư lệnh Thủ đô chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị để hỗ trợ vận chuyển cung ứng hàng hóa thiết yếu kịp thời đến đơn vị, khu dân cư, vùng cách ly, khu vực phong tỏa… khi cần thiết.

- Trân trọng cảm ơn bà!

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người. Để cài đặt ứng dụng này trên điện thoại, cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập vào trang https://www.bluezone.gov.vn hoặc trực tiếp tải về tại App Store hay CH Play.

Bước 2: Sau khi tải về, ứng dụng sẽ yêu cầu cho phép sử dụng Bluetooth để ghi nhận tiếp xúc với những người dùng đã cài đặt Bluezone khác. Nếu chưa mở Bluetooth, hãy kéo thanh thông báo trạng thái và bật Bluetooth; hoặc vào Cài đặt, chọn Bluetooth và bật lên.

Bước 3: Sau khi cài đặt xong, bấm Quét xung quanh. Nếu có người ở gần bạn dưới 2m đã sử dụng Bluezone, ứng dụng sẽ tự động nhận diện những người dùng này và xếp vào danh sách đã tiếp xúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: Đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm nguồn cung lương thực và các mặt hàng thiết yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.