(HNM) - Sáng 4-1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo, Thường trực HĐND - UBND TP Hà Nội tổ chức Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992.
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị và lãnh đạo thành phố với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt
Tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992, TP Hà Nội đề xuất nhiều nội dung mới, nổi bật là việc phân định về chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn. Lý do được đưa ra là tính chất và đặc điểm của cộng đồng dân cư đô thị khác với nông thôn: Nếu ở nông thôn dựa trên cơ sở lệ làng,phong tục tập quán, dòng họ… thì ở đô thị do sự tập trung của cộng đồng dân cư từ nhiều vùng khác nhau nên các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, cũng như văn hóa - xã hội, an ninh, trật tự hầu như không bị ràng buộc bởi ranh giới hành chính nội bộ đô thị. Mỗi đô thị là một chỉnh thể kinh tế - xã hội thống nhất, ràng buộc chặt chẽ và phụ thuộc vào nhau đòi hỏi bộ máy hành chính nhà nước đô thị phải mang tính tập trung, thống nhất, vận hành thông suốt, nhanh nhạy và không thể bị cắt khúc theo kiểu ở nông thôn. Đi cùng với chính quyền đô thị cần thiết lập chế độ thủ trưởng để nâng cao quyền hạn và trách nhiệm.
Đặc biệt, TP đề xuất đổi mới cách thức thiết lập bộ máy hành chính địa phương, trước hết nên thí điểm bầu trực tiếp chức danh chủ tịch UBND xã, thị trấn. Trong đó, cần lưu ý cụ thể hóa trong luật về nội dung này, cân nhắc yếu tố phát sinh trong trường hợp bầu trực tiếp do sự điều động, luân chuyển cán bộ của Đảng liên quan đến chức danh này. Hà Nội cũng đề nghị nghiên cứu và thí điểm việc nhất thể hóa bí thư cấp ủy, đồng thời là chủ tịch ủy ban hành chính quận, huyện; xã, phường cùng cấp.
Một nội dung mang tính thời sự khác cũng được TP đề cập là cần nghiên cứu mô hình tổ chức chính quyền địa phương căn cứ theo quy mô diện tích, dân số, phân loại đơn vị hành chính hoặc loại đô thị để xác định mô hình chính quyền địa phương các cấp, không dùng thuật ngữ cấp tương đương. Đây là thực tế đang gây khó khăn rất lớn cho công tác quản lý nhà nước của các địa phương tại các TP lớn, khi bộ máy chính quyền phường phải quản lý dân số tương đương với một huyện ở nông thôn.
Đồng tình quan điểm cần phân định chính quyền đô thị và nông thôn, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, trên thực tế, "dáng dấp" chính quyền đô thị đã có. Bộ máy chính quyền TP Hà Nội hay quận, phường hiện nay đã có những đặc điểm khác biệt. Tuy nhiên, vấn đề là cần làm rõ hơn nữa những lập luận, nhất là cơ sở thực tế, cũng như cụ thể hóa các đề xuất sửa đổi trong Hiến pháp để phân định chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn thay vì những đề xuất chung chung.
Hội nghị cũng thống nhất nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung Hiến pháp cụ thể khác, trong đó có việc xác định vị trí Thủ đô Hà Nội với tính chất "đơn vị hành chính đặc biệt". Nội dung này cũng được Đại tướng Phùng Quang Thanh, Ủy viên Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết thi hành Hiến pháp ghi nhận, đồng tình ủng hộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.