Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đề xuất giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia

Thống Nhất| 02/08/2018 13:20

(HNMO) - Ngày 2-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 theo hình thức trực tuyến tại điểm cầu của Bộ GD-ĐT và các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

GD-ĐT và các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dự và chỉ đạo hội nghị tại điểm cầu của Bộ GD-ĐT. Tại điểm cầu của thành phố Hà Nội có đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố.

Đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.


Báo cáo của Bộ GD-ĐT do Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng trình bày cho biết, năm học 2017-2018 toàn ngành đã thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và đã đạt được một số kết quả nổi bật: Mạng lưới trường, lớp học mầm non phát triển mạnh so với năm học 2016-2017, với 15.256 cơ sở (tăng 375 cơ sở); tỷ lệ huy động trẻ ra lớp vượt chỉ tiêu ở tất cả các độ tuổi. Số lượng giảng viên đại học đạt gần 75.000 người, tăng hơn 2.000 người, trong đó số giảng viên có trình độ tiến sĩ là 20.198 người, tăng gần 3.700 người.

Tuy nhiên, ngành GD-ĐT vẫn còn một số mặt tồn tại như: Còn tình trạng thiếu trường, lớp mầm non, nhất là tại các khu công nghiệp; tình trạng thiếu giáo viên cục bộ chưa được giải quyết dứt điểm; tại một số địa phương còn để xảy ra vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về tuyển dụng, bố trí, phân công giáo viên; chưa giải quyết được hiện tượng lạm thu trong các nhà trường; việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa chưa đạt yêu cầu; công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia còn một số thiếu sót; tình trạng sinh viên ra trường chưa có việc làm còn nhiều; cơ chế chính sách về tự chủ đại học còn yếu và chưa đồng bộ...

Tại điểm cầu Hà Nội, đồng chí Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã báo cáo tóm tắt những kết quả nổi bật của ngành GD-ĐT Thủ đô. Theo đó, năm học vừa qua thành phố Hà Nội đã dành 19.000 tỷ để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp học, chiếm tỷ lệ 25,5% mức chi từ ngân sách.

Hà Nội đã xây dựng 66 trường học và hơn 22.000 phòng học mới; tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn đạt 78%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 62%. Năm học 2018-2019, Hà Nội tiếp tục triển khai giảng dạy bộ tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch văn minh cho học sinh Hà Nội", triển khai thí điểm bộ tài liệu về an toàn giao thông cho học sinh...

Liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho biết, Ban chỉ đạo thi thành phố đã rà soát lại tất cả các khâu và khẳng định, kỳ thi THPT quốc gia tại Hà Nội đã được thực hiện theo đúng quy chế của Bộ GD-ĐT, bảo đảm an toàn, nghiêm túc và công bằng. Phương thức thi THPT quốc gia như hiện tại là phù hợp, tiết kiệm, giảm áp lực cho học sinh, phụ huynh học sinh. Đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp tục duy trì hình thức thi như hiện nay, trong đó cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo đảm công bằng cho tất cả học sinh trong cả nước.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam ghi nhận những kết quả của ngành GD-ĐT đạt được trong năm học 2017-2018 và trong 5 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, cụ thể như: Việc tự chủ chương trình giáo dục ở các trường phổ thông có sự thay đổi, cách dạy và học có chuyển biến khá rõ; giáo dục mầm non được quan tâm nhiều hơn; giáo dục đại học có nhiều khởi sắc.

Đồng chí Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ GD-ĐT bám sát các nội dung, những vấn đề còn tồn tại, bất cập và những yêu cầu đổi mới trong Nghị quyết 29 -NQ/TƯ để có đánh giá cụ thể về từng mặt, trong đó lưu ý đến vấn đề cơ sở vật chất trường học, biên chế giáo viên...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đổi mới giáo dục, trong đó có việc đổi mới kiểm tra, đánh giá cần có lộ trình, và trong lộ trình ấy không có giải pháp nào là hoàn hảo, vì vậy cần kiên trì để thực hiện. Năm học 2018-2019, vấn đề quản trị nhà trường, nhất là ở trường phổ thông cần phải được quan tâm hơn với sự tham gia của cộng đồng, phụ huynh học sinh và tập thể giáo viên theo hướng minh bạch, dân chủ.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đội ngũ hơn 1 triệu giáo viên hiện nay về cơ bản đã gương mẫu, nhưng vẫn còn một bộ phận chưa gương mẫu. Bộ GD-ĐT phải phát động phong trào để các thầy, cô giáo thi đua cùng gương mẫu, cương quyết đưa ra khỏi ngành những người vi phạm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT và các địa phương năm nay cố gắng giải quyết vấn đề nhà vệ sinh trường học. Theo đó, các địa phương phải tổ chức rà soát, có báo cáo thực chất về hiện trạng nhà vệ sinh, có chụp ảnh cụ thể và công khai địa chỉ, từ đó huy động sự chung tay của cộng đồng trong việc xây dựng nhà vệ sinh sạch sẽ cho học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đề xuất giữ ổn định phương án thi THPT quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.