(HNM) - Để đẩy mạnh chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung ổn định thị trường, đi đôi với việc siết chặt quản lý dịch bệnh, các trang trại tích cực khôi phục tái đàn phát triển chăn nuôi là mục tiêu chính của ngành nông nghiệp Hà Nội những tháng cuối năm 2011.
Được giá người chăn nuôi phấn khởi
Chị Đặng Thị Huyền, thôn 3, xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức cho biết, với giá thịt lợn hơi hiện nay là 62.000 đến 65.000 đồng/kg (giảm 10.000 đồng so với đầu tháng 8), người chăn nuôi vẫn có lãi lớn, chị đang tiếp tục đầu tư tái đàn, quyết không để trống ô chuồng nào. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ nuôi kế hai lứa. Ngoài chăn nuôi 30 con lợn, gia đình chị Huyền còn nuôi hơn 100 con gà ta, hơn 200 con ngan siêu trứng... Chị khẳng định, nếu từ nay đến cuối năm, giá cả thị trường ổn định thì người chăn nuôi vẫn có lãi 30-35%.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Sơn, từ đầu năm tới nay, gia súc, gia cầm trên địa bàn xã được giá, các hộ đều mở rộng chăn nuôi, nhiều hộ trong xã nuôi tới 13.000 con vịt, số hộ nuôi từ 1.000 đến 2.000 con ngan đẻ cũng khá phổ biến. Với giá trứng là 2.500 đồng/quả; trứng vịt lộn 3.000-3.200 đồng/quả, đặc biệt trứng ngan ấp nở là 12.000 đồng/quả như hiện nay, người chăn nuôi bảo đảm lãi 50%. Nếu với mức giá chăn nuôi như hiện nay, số hộ chăn nuôi từ 50 đến 100 con lợn thịt sau 3-4 tháng bảo đảm lãi ròng gần 80 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, đàn lợn trên địa bàn xã Hồng Sơn được duy trì với số lượng hơn 4.000 con, ngoài ra với 112ha nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gia cầm, thủy cầm 81.000 con, đem lại nguồn thu đáng kể cho người dân địa phương.
Siết chặt phòng trừ dịch bệnh
Song song với niềm vui lợn, gà tăng giá, việc tái đàn đang đặt ra nhiều vấn đề. Đa số những hộ chăn nuôi mà chúng tôi gặp đều cho rằng, cái khó khăn nhất trong việc tái đàn, mở rộng chăn nuôi là do đồng vốn hạn chế và thiếu. Hiện đầu tư cho 1 con ngan đẻ hết 100.000-120.000 đồng, nếu muốn nuôi 100 con cũng phải có trên 100 triệu đồng, vì thế mà nhìn thấy lãi lớn như vậy nhưng không phải hộ dân nào cũng có vốn để nuôi. Những hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn muốn tái đàn hoặc mở rộng quy mô chăn nuôi đều cần đến nguồn vốn khá lớn, trong khi lãi suất vay hiện nay tại các ngân hàng khá cao, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Thứ hai, với nhiều hộ nông dân, việc chăn nuôi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dịch bệnh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Để tạo điều kiện cho người chăn nuôi được tái đàn thuận lợi, Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã có những biện pháp cụ thể. Thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với phòng trừ dịch bệnh, chú ý đến chất lượng và nguồn gốc của đàn giống chính là nền tảng cơ bản cho việc phát triển chăn nuôi bền vững. Tiếp tục hỗ trợ phát triển các vùng giống tại các địa phương, trang trại sản xuất giống ở các huyện, thị xã để bảo đảm nguồn giống tốt, chất lượng cao cung cấp cho người chăn nuôi.
Tuy nhiên, những tháng cuối năm thời tiết đổi mùa, dịch bệnh dễ phát sinh khiến dịch bệnh trên đàn vật nuôi bùng phát. Những ngày gần đây, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng trên đàn lợn cũng đã xuất hiện trở lại ở một vài tỉnh, nên người chăn nuôi ở Hà Nội càng không thể chủ quan, lơ là khâu phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi. Hiện Chi cục Thú y Hà Nội và các trạm thú y cơ sở đã tăng cường kiểm tra về nguồn cung cấp trứng giống, điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở chuyên tổ chức ấp nở trứng gia cầm, cung cấp số lượng lớn con giống cho người chăn nuôi ở Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Đồng thời kịp thời xử lý các trường hợp vận chuyển, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, không có đủ giấy kiểm dịch hợp lệ và kiên quyết đình chỉ các cơ sở ấp nở trứng gia cầm không đủ điều kiện vệ sinh thú y.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Sở đang tích cực tuyên truyền, phòng, chống và khống chế dịch bệnh thật tốt để duy trì đàn gia súc. Đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, trang trại, nông trại, hộ chăn nuôi phát triển chăn nuôi tùy lợi thế vùng. Đặc biệt nên phát triển các loài vật ngắn ngày như gà, vịt... Về lâu dài Hà Nội tích cực mở rộng các vùng chăn nuôi tập trung, chăn nuôi lớn công nghệ cao, xa khu dân cư. Sự vào cuộc kịp thời của các ban, ngành liên quan với cơ chế, chính sách phù hợp sẽ giúp người dân yên tâm tái đàn, tạo tâm lý ổn định cho người chăn nuôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.