(HNMO) - Ít người nghĩ Hà Nội sao lại nhiều “loại” chợ đến thế? Chợ cóc, chợ trời, chợ tạm, chợ quê… còn chưa kể những tên chợ mà nhắc đến vẫn gợi lên bóng dáng một thời Hà Nội. Mỗi loại chợ đều có nét đặc thù riêng và một vài năm gần đây Hà Nội lại thêm một chợ nữa, gọi là “chợ Tây” không phải chỉ vì nó ở Tây Hồ...
|
Nét riêng phiên chợ Tây
Chợ ở ngõ 67/12 Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội, mỗi tuần chỉ họp một phiên. Gần đây, do quy hoạch xây dựng nên chợ hiện chỉ còn nằm trong một khoảng sân với biển đề: “Chợ Tây cuối tuần” bằng hai thứ tiếng Anh – Việt. Giáp Tết Nguyên đán nhưng phiên chợ Tây vẫn giống như các phiên chợ trước đây chứ không rầm rộ các túi hàng Tết làm quà như các chợ ta. Hàng hóa của người bán trong chợ được trưng bày trên chiếc bàn nhỏ, tùy theo lượng hàng hóa mà người ta thuê một hoặc hai bàn. Nghe nói, trước đây khách hàng cũng như người bán hàng của chợ chủ yếu là người nước ngoài định cư tại Việt Nam, đặc biệt là những người sống quanh khu vực hồ Tây. Họ đến từ nhiều quốc gia khác nhau như: Ý, Canada, Australia, Pháp... mãi sau này mới có thêm nhiều người Việt cùng tham gia mua, bán nữa. Điều lạ, khi mới khai trương chưa ai đặt tên chợ, người tham gia đi chợ thuộc nhiều quốc gia khác nhau nên mọi người mới gọi đây là “Chợ Tây Hà Nội”. Có điều cả người bán lẫn người mua là "Tây" hoặc "ta" nhưng lúc nào cũng đùa vui thân thiện trong tiếng nhạc nhẹ du dương y như một phiên chợ vùng cao đầy ắp điệu khèn, điệu hát của nhiều dân tộc. Cái thú người dân tộc vùng cao đi chợ cũng na ná như kẻ bán người mua ở phiên chợ này. Họ còn đến đây cùng nhau thưởng thức niềm vui gặp gỡ bạn bè ngày cuối tuần, ông David Barna Cohen, chủ gian hàng bánh "kếp" mới tham gia bán hàng tại khu chợ tỏ ra rất thích không khí nơi đây. Ông nói, công việc chính của ông là Giám đốc Công ty Vietnam International Products, hàng ngày rất bận rộn nhưng cuối tuần nào ông cũng dành thời gian đến chợ “vừa để thưởng thức âm nhạc trong không khí vui nhộn vừa được làm bánh "kếp" và gặp gỡ bạn bè, đồng hương”. Cứ nhìn cách ông chăm chút cho món bánh "kếp" của mình, chuyện trò với khách thỉnh thoảng thêm vài câu tiếng Việt khá hài hước rồi ngước mắt cười rạng rỡ mới thấy cái sự thích thú của David… và điều này càng khiến cho “gian hàng” của ông không lúc nào ngớt khách.
Đi chợ, nhưng chẳng thấy ai ăn mặc cầu kỳ, cứ đơn giản rồi tụm năm tụm ba chuyện trò sôi nổi, mà hình như người ta đến phiên chợ này không chỉ để bán, mua. Họ đến để gặp gỡ bạn bè, đồng hương để vui đùa với nhau qua những nét văn hóa quen thuộc của xứ sở mình trên đất khách: từ những cuốn sách đến những món ăn, uống mang phong vị châu Âu… chẳng thế mà có bàn đặt cả thùng gỗ rượu cùng người bán hàng ăn mặc rất đúng phong cách.
Tại một quầy hàng, niềm vui đó có khi chỉ là những bộ quần áo cũ được bán đi để phát triển quỹ từ thiện cho những trẻ em khuyết tật và mồ côi Việt Nam... Có lần, tôi gặp chị Janine - người Đức, một thành viên của nhóm bán hàng từ thiện đồng thời là khách hàng khá thường xuyên của nhiều gian hàng ở chợ phiên chia sẻ: “Tuần nào tôi cũng cùng con trai đến đây để trao đổi sản phẩm. Việc này đã trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống của tôi ở Việt Nam rồi”. Anh Queentin, một thanh niên gốc Pháp, hào hứng giới thiệu món nước ép trái cây ưa thích của mình: “Đây là thứ tôi thích nhất ở phiên chợ này. Nó được làm từ trái cây tươi của Việt Nam, không chất bảo quản, không màu hóa học và được thanh trùng bằng nhiệt…”.
Nhiều khách hàng cũng tỏ ra rất yên tâm khi mua sản phẩm ở đây dù một số mặt hàng thực phẩm có giá khá cao so với thị trường bên ngoài. Đặc biệt, trước đây có quầy hàng của cậu bé Maxence người Pháp. Mới 8 tuổi, cậu theo bố, mẹ đến Áo, Madagasca và bây giờ là Việt Nam. Cậu mở một quầy hàng bán các đồ vật cũ trong nhà và cậu tỏ ra thích thú với những buổi bán hàng giống như một buổi học thêm vậy. “Những đồ này nhà cháu mua ở Madagasca. Bây giờ khi về Hà Nội, gia đình cháu không dùng nữa nên cháu mang đến đây để bán cho những ai cần” - Maxence Gilabert nói. Còn bố mẹ cậu đồng ý cho con bán hàng với quan điểm “Các con tôi đã lớn nên tôi muốn dạy cho con tôi ý thức về đồng tiền. Chúng tôi quyết định để cháu tự bán các đồ cũ của mình. Cháu tự khuân vác đồ đến đây, tự bày biện và bán hàng. Tôi chỉ giúp cháu liên hệ với công ty quản lý. Bởi chúng tôi muốn cháu hiểu giá trị của đồng tiền và sức lao động”. Phiên này, chúng tôi không thấy Maxence bày hàng nhưng lại gặp mấy cậu bé khoảng độ 6-7 tuổi đang mải mê chơi trò gì đó cùng nhau ở đó.
Còn một bàn nữa một anh Tây gốc Ý, danh thiếp ghi tên Alain Fiorucci, mặt kia của danh thiếp hình như ghi tên vợ Phan Thị Kim Nga, anh bày bán mật ong. Tôi biết, vợ anh một người Việt Nam nhỏ nhắn thường xuyên bán hàng ở chợ còn anh chồng không đi Mèo Vạc lấy hàng thì lại ra đây. Phiên này may mắn tôi lại gặp anh bán hàng thay vợ. Anh nói tiếng Việt thạo nhưng lơ lớ và có gương mặt khá thân thiện. Anh cho biết đây là mật ong chính gốc của Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, mật ong nuôi chứ không phải mật ong rừng. Cách đây mấy năm anh “đi phượt” rồi kết bạn với mấy người bạn ở vùng cao, theo họ đi lấy mật ong nuôi, anh thích quá nên đầu tư thêm vào làm nhãn hiệu, vỏ chai… và đưa mặt hàng này đi bán khắp nơi, bán tận Sài Gòn nữa. Anh còn khoe mình đang có một dự án du lịch lên Hà Giang, mua nhà của một người Mông, đang sửa để đón khách. Một người phụ nữ Việt Nam đứng tuổi đang hỏi mua lọ mật ong, trên thân lọ ghi rõ mật được lấy từ loài hoa nào, lấy thủ công hay lấy nhờ máy móc hỗ trợ. Nếu tính ra thì giá mật ong ở đây không hề rẻ, lọ mật ong 125ml lấy từ hoa bạc hà được bán với giá 120.000 đồng. Người phụ nữ mua một lọ và bảo tôi, mua mật ong của mấy ông này tốt đấy, tuy đắt tí nhưng mà là mật ong thật. Tôi cười và hôm nay cũng mua theo một lọ. Anh gói hàng cho khách rất cẩn thận, giao hàng và không quên lời cảm ơn. Nghe giọng người Tây nói tiếng Việt lại càng tin tưởng và thật dễ mến.
Trứng gà thả, mật ong Mèo Vạc ở chợ Tây
Đi tìm chủ nhân sáng lập phiên chợ này cũng khá dễ dàng, bởi chẳng phải ai xa lạ đó chính là cặp vợ, chồng Việt-Pháp, chị Phạm Tuyết Mai cùng chồng là ông Patrice Gautier bác sĩ thú y. Địa điểm của chợ hầu như nằm trong khuôn viên của Công ty Cổ phần dịch vụ chăn nuôi thú y châu Á (AVELIS- Asian Veterinary And Livestock Services) nơi hai vợ chồng đang cùng điều hành. Vợ chồng chị cho biết, ý tưởng thành lập chợ phiên cuối tuần hình thành nhờ những chuyến đi nghỉ hè của hai vợ chồng đến châu Âu. Cứ một ngày trong một tuần thì có những phiên chợ nông sản của những trang trại hoặc những vườn rau họ mang ra bán, và thường thì có một nhóm người nhất định họ tụ họp lại và họ mở ra những phiên chợ vào các ngày khác nhau. Đây là sinh hoạt cộng đồng rất ấm cúng mang phong cách Tây mà ở Hà Nội chưa có. “Hơn nữa, AVELIS lại có những trang trại nuôi gà thả mà sản phẩm của nó không hề chứa kháng sinh (thịt gà, trứng gà sạch) nhưng khi đi giao hàng cho các nhà hàng khách sạn thì gặp rất nhiều khó khăn… Khó là do mình không biết cách đưa “phong bì” chứ không phải do sản phẩm của mình. Đấy là lý do trứng gà thả của mình ngon vậy mà sao nhà hàng không chấp nhận. Vậy thì tại sao mình lại không thành lập chợ để quảng bá giới thiệu, bán sản phẩm của mình?”, ông Patrice Gautier nháy mắt cười và nói.
Và thế là vợ chồng chị quyết định thành lập phiên chợ sạch ở Hồ Tây - Hà Nội, có lẽ do ý tưởng như thế nên chợ mới có tên chợ Tây chăng? Đặc điểm và tiêu chí của phiên chợ Tây này cũng khá rõ ràng, coi trọng vấn đề an toàn thực phẩm nên những sản phẩm bày bán trong chợ của chị đều phải qua kiểm tra, phải là sản phẩm chính gốc của Việt Nam có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của những cơ sở sản xuất uy tín. Rau ở chợ phiên lấy từ công ty rau sạch Thanh Xuân, được tưới bằng phân hữu cơ; Mật ong hảo hạng Mèo Vạc được kiểm soát ngay từ các khâu nuôi ong, trồng hoa, lấy mật… làm được điều này là nhờ ông Alain Fiorucci đầu tư và thành lập hợp tác xã nuôi ong; Trứng gà do công ty AVELIS cung cấp, đảm bảo chất lượng như cam kết ghi trên bao bì; Dòng sản phẩm hương liệu thì có gian hàng của ông Laurent Sevarac ở Việt Nam đã lâu và chuyên tiết chế những loại tinh dầu như chanh, sả, hoa hồng, quế…v.v… Hơn thế nữa tất cả những sản phẩm ở đây đều phải được truy nguyên nguồn gốc một cách rõ ràng và được sản xuất tại Việt Nam. Đấy là cái đặc thù khá riêng biệt, tức là chúng tôi có tiêu chí chợ phiên cuối tuần của các sản phẩm đồ ăn đồ uống sản xuất tại Việt Nam. Đến với phiên chợ này khách hàng không phải mặc cả vì giá được niêm yết để bán chứ không nói thách như các chợ khác. Mỗi buổi chợ phiên thứ bảy, người tham gia bán hàng đều phải đóng tiền thuê mặt bằng, bàn để hàng... đến nay, chợ đã có trên 30 quầy hàng đủ loại.
Dù địa điểm đặt chợ có diện tích rất nhỏ, mái che nắng mưa kiểu giàn tạm, giống như giàn che sân ở các ngôi nhà Việt Nam, nơi đặt hàng còn đơn giản nhưng với mục đích vừa sinh hoạt cộng đồng vừa trao đổi một số nông sản, thực phẩm thiết yếu mang phong cách kết hợp Đông – Tây đã tạo ra sự thích thú cho những người tham gia phiên chợ. Nhiều người dân Hà Nội, du khách du lịch cũng đã chú ý tới phiên chợ này. Vợ chồng chủ nhân phiên chợ mong muốn mở rộng thêm một vài chợ ở những nơi khác trong Thủ đô vì địa điểm này quá chật chội và còn đẩy ước mơ đi xa hơn, một chợ phiên kiểu này ở Bangkok, Thái Lan, vì ASVELIS còn có một công ty ở Thái Lan, có chỗ chăn nuôi gà thả vườn sạch giống như ở Việt Nam. Riêng các mặt hàng của công ty vợ chồng này đã được bán suốt tuần trong quầy mà trước đây chỉ dành làm văn phòng. Mặt hàng là rau sạch, gạo, măng, trứng gà…
Dạo chơi phiên chợ Tây ngày giáp Tết dù không náo nhiệt với vô số mặt hàng bánh, kẹo, rượu, chè… phục vụ Tết nhưng người đi cũng cảm nhận cái thú vị riêng. Đó là cái thú mua hàng thật, hàng sạch mà không phải trả giá của những ông Tây, bà Tây nói tiếng Việt lơ lớ, được sống trong khung cảnh cộng đồng ấm áp, chuyện trò trao đổi vui như Tết…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.