(HNMO) - Chiều 3-4, tại buổi giao ban báo chí thường kỳ do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Sở Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy (PC&CC) TP Hà Nội thông tin tình hình, kết quả công tác PC&CC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn thành phố năm 2017 và quý I/2018.
Cháy, nổ tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp
Theo đó, trong năm 2017 và quý I 2018, trên địa bàn thành phố xảy ra 1.100 vụ cháy, nổ (năm 2017 xảy ra 820 vụ; quý I/2018 xảy ra 280 vụ), trong đó có 31 vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng; 7 vụ cháy lớn; 187 vụ cháy trung bình; 846 vụ cháy nhỏ; 3 vụ nổ. Ngoài ra, còn có 699 sự cố chập điện, 442 sự cố cháy bãi rác, phế liệu không gây cháy lan. Trong năm 2017 và quý I/2018, tổng số các vụ cháy trên địa bàn Hà Nội đã khiến 24 người chết, 18 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính 617 tỷ đồng và 6,3 ha rừng.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định thông tin tại buổi giao ban báo chí |
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, trong năm 2017 và quý I/2018, cảnh sát PC&CC Hà Nội đã tiếp nhận 87 tin báo CNCH 65 vụ, gồm: 8 vụ cháy; 1 vụ nổ; 22 vụ mắc kẹt trong thang máy, trên tầng cao; 16 vụ đuối nước; 15 vụ giao thông; 13 người có ý định tự tử;... Qua đó, lực lượng PC&CC, CNCH thành phố đã cứu được 69 người, tìm được 32 thi thể.
Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, tình hình cháy, nổ tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ có dấu hiệu gia tăng, trong đó khu vực nội thành xảy ra nhiều vụ cháy (chiếm tỷ lệ 67,2%); hơn 95% số vụ cháy thuộc về các doanh nghiệp tư nhân và nhà dân.
Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết thêm, số vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng chiếm tỷ lệ chỉ 2-3% nhưng thiệt hại lớn khoảng 90%; một số vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản, tập trung ở loại nhà liền kề (dạng nhà ống chia lô) kết hợp kinh doanh, nhà kho, xưởng sản xuất tạm); nguyên nhân do sự cố từ điện chiếm tỷ lệ cao (64,1%).
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, tỷ lệ cháy do hàn cắt kim loại trong quá trình xây dựng, cải tạo nhà, công trình xây dựng tuy không nhiều nhưng lại gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản…
Chuyển cơ quan điều tra 3 chung cư vi phạm
Trả lời câu hỏi về việc xử lý như thế nào đối với các trường hợp chủ đầu tư chung cư, khu đô thị vi phạm Luật PC&CC, chưa bảo đảm an toàn PCCC, ông Hoàng Quốc Định cho biết, trong số 79 chung cư cao tầng vi phạm về PC&CC đã đưa vào sử dụng trên địa bàn thành phố, đến nay đã có 50 công trình khắc phục xong. 29 công trình còn lại thì có 14 công trình đang được chủ đầu tư khắc phục vi phạm; 15 công trình khó có khả năng khắc phục. Với 15 công trình này, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định cho biết, Sở Cảnh sát PC&CC đã tham mưu để UBND thành phố có văn bản gửi cơ quan có thẩm quyền đề nghị cho phép sử dụng biện pháp thay thế. Các biện pháp thay thế này bảo đảm cho việc PCCC ở mức tương đương và cao hơn, tuyệt đối không phải là hạ mức chuẩn yêu cầu về PCCC, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định khẳng định.
Tuy nhiên, trong số 14 công trình có khả năng khắc phục vi phạm, có 3 trường hợp chủ đầu tư chây ì không thực hiện gồm: Chung cư CT4 Văn Khê (tại khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) do Công ty Cổ phần Sông Đà 1 là chủ đầu tư; chung cư CT5 A, B Văn Khê và chung cư CT6 Văn Khê (khu đô thị Văn Khê do Công ty Cổ phần Hà Châu OSC là chủ đầu tư). Sở Cảnh sát PC&CC Hà Nội đã chuyển cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội thụ lý 3 trường hợp này.
Cơ quan báo chí cũng là một lực lượng PCCC
Khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của toàn về PCCC, Phó trưởng Ban Tuyên giao Trần Xuân Hà đề nghị các cơ quan báo chí cần phải vào cuộc quyết liệt hơn nữa nhằm tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCCC, phổ biến các quy định của pháp luật về vấn đề này cũng như các kiến thức PCCC cho người dân. Công tác tuyên truyền phải góp phần làm cho mọi người hiểu rõ PCCC là công việc của toàn xã hội, các cơ quan đoàn thể phải vào cuộc quyết liệt, người dân phải là người trong cuộc. Thông qua tuyên truyền để thấy rõ quyết tâm của thành phố trong công tác này, kịp thời biểu dương những nỗ lực của các lực lượng PCCC cũng như phát hiện, phê phán những đơn vị chưa làm tốt công tác PCCC.
Đồng chí Trần Xuân Hà cũng yêu cầu các cơ quan báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với Sở Cảnh sát PC&CC xây dựng chuyên mục đa dạng với nội dung tuyên truyền phong phú.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.