(HNM) - Trong lịch sử của Hà Nội, cuộc chiến đấu này, đặc biệt là trận quyết đấu 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 chống pháo đài bay B-52, con át chủ bài cuối cùng của Mỹ là một trận thắng oai hùng nhất.
Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, từ thập niên sáu mươi sang thập niên bảy mươi của thế kỷ trước, không quân Mỹ liên tục đánh phá Hà Nội, Thủ đô nước Việt Nam. Thời điểm đó của lịch sử, cuộc tiến công bằng không quân của Mỹ vào Hà Nội là chiến dịch quân sự dài ngày nhất, sử dụng những loại máy bay hiện đại nhất, mức độ hủy diệt tàn khốc nhất (trừ bom nguyên tử). Trong lịch sử của Hà Nội, cuộc chiến đấu này, đặc biệt là trận quyết đấu 12 ngày đêm tháng 12 năm 1972 chống pháo đài bay B-52, con át chủ bài cuối cùng của Mỹ là một trận thắng oai hùng nhất.
Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, Thủ đô nghìn năm của nước Việt Nam. Nghìn năm ấy, Hà Nội nhiều lần phải đương đầu với quân xâm lược, nhiều lần làm nên chiến công có ý nghĩa quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Nhưng có lẽ đã trở thành quy luật khi một nước nhỏ luôn phải chống lại những kẻ xâm lược lớn mạnh hơn mình gấp bội, nên khi kẻ thù quân đông, tướng mạnh ào ạt tiến công, ông cha ta thường phải bỏ kinh đô, rút lui để bảo toàn lực lượng kháng chiến. Lịch sử chiến tranh trên thế giới, nhiều nước, mà tiêu biểu là nước Nga khi đương đầu với quân đội Na-pô-lê-ông cũng đã phải bỏ ngỏ Thủ đô. Ở nước ta ba lần chống quân xâm lược nhà Nguyên (1258, 1285, 1288), vua tôi nhà Trần đều phải lui quân khỏi Thăng Long. Khi quân Thanh kéo vào xâm lược nước ta, quan quân nhà Tây Sơn theo kế của Ngô Thì Nhậm đã rút khỏi Thăng Long, lui về Tam Điệp rồi sau mới phản công. Khi thực dân Pháp xâm lược, thành Hà Nội thất thủ, tướng quân Hoàng Diệu tuẫn tiết và Thăng Long bị rơi vào tay giặc.
Sự rút lui hay thất thủ ban đầu của quân ta trên địa bàn chiến sự Thủ đô có khi là sự rút lui chiến lược đã định sẵn, có khi là sự thất thủ thật sự, song sau đó Thăng Long bao giờ cũng trở thành chiến địa tiêu diệt quân thù với những chiến công vang dội. Còn đó những Đông Bộ Đầu, Chương Dương - Hàm Tử, những Ngọc Hồi - Đống Đa mà xác thù chất cao thành núi và âm vang mùa thu Hà Nội Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Khi cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược (1946) bùng nổ, Hà Nội chủ động đánh địch hai tháng liền, cực kỳ oanh liệt. Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Hà Nội có Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, là trung tâm lãnh đạo công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Những tháng năm kháng chiến ấy, Hà Nội lại trở thành mục tiêu chủ yếu của cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ở miền Bắc. Trong cuộc chiến đấu này, Thủ đô Hà Nội tiêu biểu cho sức mạnh của dân tộc. Nếu Hà Nội không chiến thắng, nếu Hà Nội lung lay ý chí thì sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc khó thành công!
Cuộc chiến đấu của quân và dân Hà Nội chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ không giống như nhiều lần chống xâm lăng trong lịch sử dân tộc, với quân giặc đánh từ trên trời xuống, lực lượng vũ trang bảo vệ Hà Nội và cả nhiều cơ quan, nhà máy, trường học đã kiên cường đánh trả và trụ vững. Lần đầu tiên trong lịch sử chống ngoại xâm, Thủ đô Hà Nội ngay từ đầu đã chiến thắng và liên tục chiến thắng quân thù với thời gian kéo dài gần chục năm, mà đỉnh cao là chiến thắng cuộc tiến công chiến lược bằng những siêu pháo đài bay B-52 của không quân Mỹ cuối năm 1972.
Ngày 18 tháng 12 năm 1972, chiến dịch Lai-nơ-bếch-cơ II, tức cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta, tập trung chủ yếu, trước hết là Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng bắt đầu.
Đế quốc Mỹ đã sử dụng lực lượng không quân mạnh nhất, dùng những căn cứ, hiện đại nhất ở khu vực Châu Á cho cuộc chiến. "Trong 12 ngày, từ ngày 18 tháng 12 đến ngày 30 tháng 12, Mỹ ném bom Hà Nội và Hải Phòng với sự tàn bạo hơn bao giờ hết trong lịch sử cuộc chiến tranh Việt Nam: thả 35.000 tấn bom vào bên trong hai thành phố lớn nhất của Bắc Việt Nam. Lầu Năm Góc dùng 200 B-52, các pháo đài bay này từng nhóm 3 chiếc mang bom 500 đến 700 cân Anh mà khi thả xuống trúng là nhấn chìm những khu vực hình chữ nhật, một dặm bề dài, nửa dặm bề ngang" (Lời phán quyết về Việt Nam - Giô-dép A.Am-tơ, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1985, tr.243). Mỹ hy vọng chiến dịch này sẽ "làm tê liệt đời sống hằng ngày của Hà Nội, Hải Phòng và phá hủy khả năng của Bắc Việt Nam ủng hộ các lực lượng ở Nam Việt Nam" (Lời phán quyết về Việt Nam).
Vì lẽ đó, trận đọ sức này Hà Nội chịu trách nhiệm trước cả nước thể hiện sức mạnh của dân tộc, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, là niềm tin thắng lợi của quân dân hai miền Nam - Bắc. Chúng ta có tài thao lược của Trung ương Đảng, có nghệ thuật tác chiến phòng không sáng tạo, có lực lượng 3 thứ quân rộng khắp, mạnh mẽ mà Thành ủy, Ủy ban hành chính thành phố Hà Nội dày công xây dựng. Chúng ta sử dụng cả vũ khí thô sơ và các binh chủng hiện đại của quân đội: không quân, ra đa, tên lửa để đánh thắng kẻ thù. Bộ đội trong các binh chủng này chính là những thanh niên, học sinh, sinh viên, công nhân kỹ thuật, kỹ sư - sản phẩm của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa nhiều năm trên miền Bắc. Đặc biệt là Hà Nội, chính Hà Nội - nơi tập trung nhiều trường đại học, nhiều viện nghiên cứu đã góp phần quan trọng chiến thắng cuộc chiến tranh điện tử của Mỹ.
Lưới lửa phòng không Hà Nội đan xen giữa hỏa lực tầm cao của vũ khí hiện đại và lưới lửa tầm thấp bằng nhiều loại vũ khí của dân quân tự vệ. Thế trận phòng không Hà Nội đã sẵn sàng gồm đủ các lực lượng: Vũ trang, dân chính, thông tin liên lạc… Có thể nói, Hà Nội đã hội tụ sức mạnh của ý chí và trí tuệ Việt Nam để chiến thắng quân xâm lược Mỹ.
Cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược của chúng ta năm 1972, đặc biệt là cuộc chiến đấu trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12 được đồng bào, chiến sĩ cả nước và bạn bè quốc tế hồi hộp theo dõi. Có người nước ngoài đã lo lắng thốt lên rằng: "Trong trận chiến đấu này, nếu Việt Nam sụp đổ là thế giới sụp đổ".
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hà Nội chiến đấu bằng bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh ở tầm cao mới. Nếu như trước kia để bảo toàn lực lượng, ông cha ta thường rút khỏi Thủ đô, thì lần này chúng ta đã đồng thời vừa tổ chức lực lượng chiến đấu, vừa tiến hành tổ chức đời sống cho nhân dân. Nhịp sống Hà Nội ngay trong những ngày bom đạn ác liệt ấy vẫn được bảo đảm, điện vẫn sáng, nước vẫn chảy, giao thông không ngưng trệ. Hà Nội vừa sản xuất vừa chiến đấu.
Ngày hôm nay, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam tuyên bố: "Đây là tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội", chúng ta coi đó là một lẽ thường tình. Nhưng mùa đông năm 1972, dưới thảm bom hủy diệt của B-52, sau 9 phút đứt quãng, Tiếng nói Việt Nam lại được phát lên từ Hà Nội, là niềm tin, niềm vui khó tưởng tượng nổi của nhân dân thế giới, mà đó chính là lời tuyên bố chiến thắng, là biểu tượng tinh thần quyết thắng của dân tộc ta.
81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B-52, đa số bị bắn rơi trong cuộc chiến đấu bảo vệ Hà Nội đã làm cho cả nước Mỹ và đồng minh kinh hoàng, còn nhân loại tiến bộ vui mừng gọi Hà Nội là "Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người" đã khẳng định vị trí của Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Nhà Cách mạng lão thành Trần Bạch Đằng, tháng 12 năm 1972 ở căn cứ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định theo dõi cuộc chiến đấu ở Hà Nội, Hải Phòng đã viết: "Mười hai ngày đêm thật căng thẳng. Niềm an ủi chúng tôi là bản tin chiến sự với số máy bay Mỹ bị bắn rơi… Vào những ngày cuối tháng 12, chúng tôi tin rằng bước ngoặt của cuộc chiến tranh đã gần kề, Mỹ không thể chịu đựng nổi cơn sát hạch ghê gớm này… Chiến dịch "Điện Biên Phủ trên không" của Việt Nam kết thúc thắng lợi".
Những ngày ấy cả nước là chiến trường, "miền Nam gọi miền Bắc trả lời", cả nước cùng làm nên chiến thắng; trong đó Hà Nội đã góp phần chiến thắng quan trọng, hào hùng, xứng đáng là Thủ đô của cả nước, là niềm tin và hy vọng của dân tộc và bạn bè năm châu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.