Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội bảo tồn nông sản bản địa

Ngọc Quỳnh| 24/05/2023 06:12

(HNM) - Trước tình hình nhiều giống cây trồng, vật nuôi có nguồn gốc bản địa bị suy thoái, mai một, thời gian qua, ngành Nông nghiệp, các địa phương và người dân trên địa bàn Hà Nội đã và đang phục hồi nguồn gen gốc, nhân giống và phát triển các giống bản địa. Việc này, không chỉ bảo tồn các loại đặc sản của từng địa phương, mà còn tạo ra sản phẩm hàng hóa cho giá trị kinh tế cao.

Chăm sóc gà Mía tại Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm (Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội - Hadico). Ảnh: Trọng Đạt

Nhiều giống bản địa được phục hồi

Từ xưa, rau muống tiến vua ở làng Linh Chiểu, xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ) đã là sản vật ngon có tiếng. Đây là giống rau có ngọn to, dài, lá thưa, ăn giòn, ngọt. Chủ tịch UBND xã Sen Phương, huyện Phúc Thọ Nguyễn Văn Tín, cho biết, từ năm 2007, xã đã vận động người dân khôi phục giống rau muống tiến vua và mở rộng sản xuất. Đến nay, cả xã có 25ha trồng rau muống tiến vua theo quy trình VietGAP và được người dân tiêu thụ tại các bếp ăn tập thể, thị trường trong và ngoài huyện. Việc giữ gìn và phát triển giống rau quý hiếm này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ các giống cây trồng, nhiều giống vật nuôi bản địa cũng được người dân và ngành Nông nghiệp phục tráng đưa vào sản xuất đại trà, cho hiệu quả kinh tế cao. Giám đốc Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm (Công ty Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội - Hadico) Nguyễn Duy Vụ cho biết, năm 2005, Bộ NN&PTNT đã đưa giống gà Mía vào danh mục nguồn gen vật nuôi quý hiếm cần bảo tồn. Xí nghiệp Chăn nuôi gia cầm đang bảo tồn khoảng 10.000 con gà giống gốc thuần và mỗi năm xí nghiệp cung cấp khoảng 2 triệu con giống gà Mía... cho các trang trại, người chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố.

Nói về hiệu quả của giống gà Mía nuôi thương phẩm, ông Nguyễn Xuân Tứ ở xã Thụy An (huyện Ba Vì) chia sẻ, trang trại của gia đình ông đang nuôi 3 vạn gà Mía, mỗi năm xuất bán khoảng 100 tấn gà. Đây là giống gà bản địa ở xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) nên khỏe và thích nghi tốt với môi trường. Ngoài ra, chất lượng thịt thơm ngon, phù hợp với người tiêu dùng và giá gà Mía luôn ổn định.

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, toàn thành phố hiện có khoảng 30 giống cây trồng, vật nuôi đặc sản địa phương đã được xây dựng thương hiệu và được đưa vào danh mục nguồn gen cần bảo tồn, phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để các địa phương có giải pháp tăng diện tích, sản lượng, đưa nông sản trở thành sản phẩm chủ lực của Hà Nội, hướng tới xuất khẩu.

Thu hoạch rau muống tại làng Linh Chiểu, xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Phạm Thảo

Hỗ trợ để phát triển và nhân rộng

Hiện tại, nhiều giống cây trồng, vật nuôi bản địa của Hà Nội đã được người dân, chính quyền địa phương, ngành Nông nghiệp khôi phục, song quy mô còn nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao do chi phí đầu tư lớn, thị trường tiêu thụ chưa ổn định.

Để tháo gỡ khó khăn cho việc bảo tồn, phát triển các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh cho rằng, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, chọn lọc dòng gà Mía có khả năng sinh trưởng cao, nhằm bảo tồn nguyên vẹn vốn gen di truyền và tuyển lựa, duy trì, cải tạo nâng cao giá trị của các giống bản địa. Cùng với đó, các cơ quan hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp khác tại xã Đường Lâm phát triển du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái trong tổng thể du lịch Làng cổ Đường Lâm. Qua đó, cung cấp sản phẩm gà Mía cho hoạt động thương mại, du lịch, góp phần làm gia tăng giá trị hàng hóa sản phẩm.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, Hà Nội đã và đang đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; đồng thời, bảo tồn, lưu giữ và phát triển các giống bản địa để phục vụ công tác lai tạo giống cũng như đáp ứng nhu cầu sử dụng sản phẩm ngày càng cao của thị trường. Sở cũng phối hợp với các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất giống cây trồng, vật nuôi bản địa theo chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất, sơ chế, bảo quản đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ người dân, hợp tác xã trong việc xây dựng thương hiệu, mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ đối với nông sản bản địa; tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại...  

Còn Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Hồng Sơn cho biết, thời gian qua, viện phối hợp chặt chẽ với thành phố Hà Nội triển khai các chương trình nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển nông nghiệp, trong đó có nghiên cứu phục tráng nguồn gen cây trồng, vật nuôi bản địa… Tuy nhiên, Hà Nội cần đầu tư thêm nguồn lực, kinh phí để nhân rộng, đưa tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào phục vụ sản xuất đại trà các loại đặc sản của địa phương.

“Để việc gìn giữ và phát triển giống cây trồng, vật nuôi bản địa hiệu quả, bền vững, thành phố Hà Nội cần xây dựng những chương trình nghiên cứu tổng thể về nguồn gen, mức độ di truyền, chất lượng sản phẩm... Đồng thời, mở các lớp tập huấn về sản xuất an toàn, hướng tới xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho những sản phẩm có nguồn gốc bản địa để hỗ trợ và thúc đẩy tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân”, ông Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội bảo tồn nông sản bản địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.