(HNMO) - Sáng 30-10, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì hội nghị giao ban công tác tháng 10-2019 của UBND thành phố.
Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng; các Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Thế Hùng, Ngô Văn Quý, Nguyễn Doãn Toản; lãnh đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trực thuộc thành phố.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, hội nghị giao ban công tác tháng 10 của UBND thành phố có ý nghĩa rất quan trọng với nhiều nội dung tác động đến công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, trong đó có việc chuẩn bị đơn giá đất ban hành cho thời gian tới. Hội nghị cũng thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung, chương trình cho nhiệm kỳ 2020-2025. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đề nghị các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm cao, đóng góp ý kiến chất lượng, hiệu quả vào các nội dung thảo luận.
Theo báo cáo tại hội nghị, các chỉ số tăng trưởng kinh tế chủ yếu tháng 10 và 10 tháng năm 2019 của thành phố Hà Nội duy trì mức tăng khá. Nổi bật là chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2018; tính chung 10 tháng, tăng 8%, cao hơn cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 tăng 7,3%). Dịch vụ, thương mại diễn ra sôi động, cộng dồn 10 tháng đạt 461.100 tỷ đồng, tăng 10,2%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 10 tháng tăng 3,63%, thấp hơn mức cùng kỳ (cùng kỳ năm 2018 tăng 4,09%). Kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt 1,39 tỷ USD, tăng 14%, tính chung 10 tháng đạt 13,4 tỷ USD, tăng 16,1% (cùng kỳ tăng 20,1%). Khách du lịch tiếp tục tăng với 23,82 triệu lượt trong 10 tháng, tăng 9,7% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế đạt 5,32 triệu lượt, tăng 10,8%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 83,2 nghìn tỷ đồng, tăng 31,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Cũng trong 10 tháng năm 2019, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với 6,85 tỷ USD; thu hút đầu tư trong nước đạt 36.310 tỷ đồng. Toàn thành phố có 23.140 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký trên 317.000 tỷ đồng, tăng 8% về số lượng và 36% về vốn so với cùng kỳ năm 2018; thu ngân sách đạt 218.600 tỷ đồng, đạt 83,1% dự toán năm, tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Thực hiện Chương trình số 12/CTr-UBND ngày 10-1-2019 của UBND thành phố về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, với 76 nhiệm vụ trọng tâm; đến nay, chỉ còn 4 nhiệm vụ chưa hoàn thành đang tiếp tục được các sở, ngành chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Trong tháng 10, UBND thành phố đã tiếp nhận theo thẩm quyền trên 5.200 văn bản hành chính. 100% văn bản, hồ sơ công việc đều được chỉ đạo, phân công xử lý theo đúng quy định. Đặc biệt, UBND thành phố đã phê duyệt các quyết định ban hành Đề án đầu tư xây dựng các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.
Hai tháng cuối năm 2019, UBND thành phố dự kiến tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo “Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội” theo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội để sớm trình Chính phủ xem xét, thông qua, trình Quốc hội.
Thành phố cũng sẽ tập trung chỉ đạo nhằm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; tổ chức nghiên cứu, điều chỉnh phân cấp các lĩnh vực du lịch, thông tin - truyền thông và thủy lợi; tăng cường trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc giải quyết dứt điểm đơn thư, kiến nghị, khiếu kiện của công dân, nhất là những vụ việc kéo dài...
Trên cơ sở thảo luận và thống nhất các nội dung, sau hội nghị, UBND thành phố sẽ ban hành kết luận làm căn cứ để các sở, ngành, địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện.
UBND TP Hà Nội đã phê duyệt các quyết định ban hành Đề án đầu tư xây dựng các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng thành quận đến năm 2025.
Theo đó, việc đầu tư xây dựng từng huyện thành quận đều hướng tới các mục tiêu cụ thể:
Huyện Đông Anhhướng đến phát triển bền vững, trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời.
Huyện Thanh Trì tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại, dịch vụ; phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng kỹ thuật - xã hội và xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; huy động, thu hút và sử dụng hiệu quả các tiềm năng, nguồn lực cho đầu tư phát triển; tích cực cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường; đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá mới, duy trì và phát huy hiệu quả văn hoá truyền thống.
Huyện Gia Lâm sẽ tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại, dịch vụ - công nghiệp, xây dựng; đẩy mạnh huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khung theo hướng đô thị; quan tâm đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, y tế; củng cố, sắp xếp bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Theo đề án, chậm nhất vào năm 2022, huyện Gia Lâm và các xã, thị trấn thuộc huyện đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của quận, phường theo quy định.
Huyện Đan Phượng đặt mục tiêu trong tương lai phát triển theo hướng bền vững, trở thành quận hiện đại, điểm nhấn là các đô thị cao cấp, khu đô thị sinh thái, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, đồng thời gìn giữ và phát huy bản sắc, giá trị của miền quê giàu truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời; kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của các khu đô thị mới với hạ tầng nông thôn hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.