Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội: 78.808 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền hơn 5.636 tỷ đồng

Hà Hiền| 05/04/2021 11:55

(HNMO) - Ngày 5-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) thành phố Chử Xuân Dũng chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ BHXH, BHYT 9 tháng cuối năm 2021 đến đại diện các sở, ban, ngành chức năng, các địa phương trên địa bàn thành phố.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng BHXH.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc BHXH thành phố Hà Nội Đàm Thị Hòa cho biết: Đến nay, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn Hà Nội đạt hơn 1,8 triệu người, tăng hơn 10.000 người so với cuối năm 2020, bằng 37,1% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT là hơn 7,2 triệu người, tăng hơn 7.000 người so với cuối năm 2020, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 89% dân số ở Thủ đô (chưa bao gồm lực lượng vũ trang).

Bên cạnh kết quả đạt được, trong 3 tháng đầu năm, tình trạng nợ BHXH, BHYT có xu hướng tăng. Hiện nay, toàn thành phố còn 78.808 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền nợ là hơn 5.636 tỷ đồng, bằng 10,66% tổng số tiền phải thu, tăng hơn 1.214 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, số tiền nợ phải tính lãi là gần 1.905 tỷ đồng, tăng hơn 598 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Đại diện một số sở, ngành, địa phương cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ đóng BHXH, BHYT tăng là do một số doanh nghiệp cố tình nợ đóng, trốn đóng BHXH, không chấp hành các quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng. Việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của một số đơn vị, doanh nghiệp sử dụng chưa nghiêm túc, còn có những đơn vị, doanh nghiệp chưa đăng ký tham gia BHXH hoặc có tham gia nhưng đóng chưa đầy đủ cho người lao động.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một số đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên ảnh hưởng đến tiến độ đóng BHXH cho người lao động…

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, để hoàn thành mục tiêu đến cuối năm 2021 Hà Nội có số người tham gia BHXH đạt 39% lực lượng lao động trong độ tuổi; số người tham gia BHYT đạt 91,5% dân số, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch hồ sơ điện tử đạt 100%, thực thiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Trước mắt, các cơ quan chức năng hướng dẫn người tham gia BHXH, BHYT đăng ký tài khoản giao dịch điện tử đối với cá nhân, cài đặt và sử dụng ứng dụng VssID- BHXH số.

Công tác tuyên truyền cần tập trung vào nhóm đối tượng là các doanh nghiệp chưa tham gia BHXH, BHYT cho người lao động, người dân chưa tham gia BHYT...

Quang cảnh hội nghị.

Nhằm giảm tỷ lệ nợ đóng BHXH, BHYT, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng yêu cầu các ngành tăng cường đôn đốc thu nợ BHXH, BHYT; đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra các đơn vị nợ đóng BHXH, kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính làm cơ sở để xử lý hình sự theo quy định.

Về công tác khám, chữa bệnh BHYT, Sở Y tế có trách nhiệm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là tuyến y tế cơ sở; chủ trì, phối hợp với BHXH thành phố và cơ quan có liên quan tăng cường tham mưu giúp UBND thành phố thực hiện quản lý nhà nước về BHYT; có giải pháp để ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội: 78.808 đơn vị nợ đóng BHXH, BHYT với tổng số tiền hơn 5.636 tỷ đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.