Theo dõi Báo Hànộimới trên

GS.NSND Trọng Bằng: Mong thực hiện được bộ kỷ yếu âm nhạc Việt Nam

Yên Nga| 16/02/2013 08:28

(HNM) - Mùa xuân này, GS.NSND Trọng Bằng đón nhận hai niềm vui lớn: được tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì và giải đặc biệt của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho "Tổng tập âm nhạc Việt Nam - Tác giả, tác phẩm" mà ông là chủ biên. Người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky trò chuyện với Hànộimới về lao động và đóng góp của ông cho âm nhạc.

- Lần thứ hai nhận Huân chương Độc lập, trông giáo sư khá xúc động. Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình?

- Cả hai lần nhận Huân chương tôi đều là người của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Lần đầu là khi vừa làm Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhưng nơi mà tôi muốn gửi lời cảm ơn là Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), nơi tạo môi trường rất thuận lợi để tôi cống hiến, phát triển sự nghiệp âm nhạc và giảng dạy. Nay được nhận Huân chương lần thứ hai cho những đóng góp công tác hội cũng như sáng tác, biên soạn sách, tôi thấy vinh dự, tự hào lắm.

- Trong khi tất cả  hạng mục giải thưởng của Hội năm nay đều không có giải Nhất, thì "Tổng tập âm nhạc Việt Nam" lại đoạt giải đặc biệt ở thể loại Sách nghiên cứu. Xin ông giới thiệu đôi nét về công trình này?

- Đây là công trình do tôi làm chủ biên cùng các đồng nghiệp PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, PGS.TS Phạm Tú Hương, PGS.TS Lê Văn Toàn, TS Vũ Tự Lân, nhạc sĩ Nguyễn Thị Minh Châu thực hiện. Tập 1 ra mắt năm 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, dựa trên 5 tập sách "Âm nhạc Việt Nam - Tác giả, tác phẩm". Ở đó có bổ sung nhiều thông tin mới cho 59 chân dung và thêm 2 nhạc sĩ là NSND Trần Quý, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân. Tổng tập dày 1.042 trang, gồm 2 phần: phần viết của tôi  "Sự phát triển và hình thành đội ngũ sáng tác âm nhạc Việt Nam trong thế kỷ XX" và phần chân dung, tác phẩm tiêu biểu của 61 tác giả sắp xếp theo độ tuổi.

- Bắt tay làm từ khi ông còn là Giám đốc Nhạc viện Hà Nội mà đến năm 2010 mới ra mắt tập 1, chắc hẳn khối lượng công việc rất lớn?

- Đúng vậy, tuy là tổng hợp trên cơ sở 5 cuốn âm nhạc nhưng rất nhiều tư liệu chúng tôi phải viết lại, tra cứu. Mỗi người một phần việc và tôi là người biên tập, sắp xếp sau cùng. Khó khăn lớn nhất là tìm lại tư liệu, bởi hầu hết tác giả thời kỳ này đều đã mất, trải qua thời gian chiến tranh dài và công tác lưu giữ của cá nhân, gia đình không được đầy đủ. Nhiều khi tìm thấy tư liệu viết tay của tác giả nhưng nhàu nát, mờ hết chữ, chúng tôi phải soi đi soi lại và so sánh nhiều lần mới hoàn thiện được.

- Năm 2012 Tổng tập mới được xét giải, theo giải thích của Hội thì do vướng mắc trong xuất bản. Điều đó có làm ngưng công việc của ông và nhóm tác giả cho những tập tiếp theo?

- Không, chúng tôi vẫn tiếp tục và đang thực hiện tập 2 và 3 của Tổng tập với những tác giả trẻ hơn nhưng phải có thành tựu nhất định về âm nhạc. Công việc có lẽ cũng thuận lợi hơn vì tư liệu được giữ đầy đủ và phần lớn họ còn sống, song có cái khó trong việc tuyển chọn tác giả, tác phẩm xứng đáng.

- Ông đã ghi dấu ấn ở cả chỉ huy, sáng tác và giảng dạy, nay là người biên tập sách. Công việc nào ông muốn làm nhất lúc này?

- Giờ không còn khỏe khoắn nhanh nhẹn nữa, nên việc chỉ huy và giảng dạy khó khăn lắm. Sáng tác cũng ít đi, nhưng việc biên tập sách, nhất là tiếp tục biên soạn "Tổng tập Âm nhạc Việt Nam" khiến tôi thấy hứng thú. Tôi có thời gian nhìn lại, tổng hợp cũng như chia sẻ hiểu biết về các tác giả, tác phẩm. Tuy nhiên, tôi vẫn mong ước thực hiện được bộ kỷ yếu âm nhạc Việt Nam!

- Xin cảm ơn giáo sư và chúc ông năm mới mạnh khỏe!

GS.NSND Trọng Bằng quê gốc Gia Lâm, Hà Nội. Ông trải qua các vị trí quan trọng : Chỉ huy dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc vũ kịch Việt Nam (1972-1978); Phó Giám đốc Nhạc viện Hà Nội kiêm Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam (1978-1984), Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (1984-1996), Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1995-2005).
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS.NSND Trọng Bằng: Mong thực hiện được bộ kỷ yếu âm nhạc Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.