Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Cần cụ thể hóa cơ chế
Ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Cần cụ thể hóa cơ chế "nhân dân làm chủ"
Tôi rất mừng vì dự thảo Báo cáo chính trị nhiệm kỳ này đề ra: "Có cơ chế để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp". Đây là chủ trương đúng, đáp ứng được mong đợi và nguyện vọng của nhân dân. Nhưng, vấn đề ở đây là dự thảo cần phải ghi rõ cơ quan, tổ chức nào ban hành cơ chế? Thứ hai, có cơ chế nhưng không thể chế thành pháp luật thì rất khó thực hiện. Thứ ba, quyền dân chủ đại diện theo cơ chế nào?
Do đó, tôi đề nghị trong Nghị quyết ĐH XI của Đảng nhiệm kỳ này nên cụ thể hóa cơ chế "nhân dân làm chủ" trên mấy vấn đề sau: Đề ra nguyên tắc làm chủ của nhân dân, đó là: "Nhân dân được làm những gì mà Nhà nước không cấm". Các lĩnh vực cần mở rộng quyền dân chủ, quyền làm chủ đó là "các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng an ninh". Nội dung quyền làm chủ là: "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát". Phương thức làm chủ là nhân dân vừa thực hiện dân chủ trực tiếp vừa "thực hiện dân chủ đại diện thông qua các cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử, mặt trận và các đoàn thể nhân dân". Trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải bảo đảm để nhân dân được làm chủ trên thực tế. Vì vậy, Nhà nước cần sớm ban hành các đạo luật: Luật Trưng cầu dân ý, Luật Giám sát của nhân dân, Luật Phản biện…
VS-TSKH Trương Công Phú, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về kinh tế UBTƯ MTTQ Việt Nam: Dự báo sự vận động và phát triển trong thế kỷ XXI để hoàn thiện văn kiện
Dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng là công trình nghiên cứu công phu, đầy đủ, theo trình tự bài bản. Tuy nhiên, dự thảo chưa gắn chặt thực trạng tình hình mọi mặt của đất nước và thế giới những năm qua và dự báo tình hình trong những năm tới. Tôi xin đề nghị thêm một số vấn đề: Về Cương lĩnh, cần lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm cơ sở lý luận kết hợp với phân tích tình hình thế giới và đặc điểm kinh tế - xã hội của nước ta để hoàn thiện văn kiện. Về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020, theo tôi, xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo mô hình công nghiệp hóa, phát triển chiều sâu như hiện nay đã lỗi thời. Căn cứ vào đặc điểm kinh tế - xã hội của nước ta cần từng bước chuyển lên mô hình phát triển bền vững trên cơ sở kinh tế tri thức. Để kinh tế thị trường phát triển vững chắc theo định hướng XHCN thì phải hoàn thiện thể chế chính trị mà trọng tâm là xây dựng nền dân chủ mới như Bác Hồ chỉ đạo ngay sau khi giành được chính quyền; thực hiện dân chủ từ TƯ đến cơ sở chứ không phải chỉ nhấn mạnh dân chủ ở cơ sở. Cần xây dựng chiến lược phát triển nền tài chính quốc gia bao gồm tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, nó vừa là công cụ vừa là đòn bẩy để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Vấn đề cực kỳ quan trọng để chiến lược phát triển kinh tế - xã hội có hiệu quả là công tác tổ chức thực hiện. Nhiều nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ rất đúng nhưng tổ chức, điều hành thực hiện nghị quyết thì kết quả đạt được không như mong muốn. Vì vậy, theo tôi cần chú trọng bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý có đủ tri thức, bản lĩnh, ý chí và phẩm chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.