Nguyễn Hoài Bắc (Việt kiều Canada): 7 vấn đề cần làm ngay Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ định hướng chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh cho cả đất nước. Hơn 65 năm qua từ khi giành được độc lập và hơn 35 năm thống nhất đất nước, chúng ta đã làm được nhiều việc cực kỳ quan trọng.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ định hướng chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh cho cả đất nước. Hơn 65 năm qua từ khi giành được độc lập và hơn 35 năm thống nhất đất nước, chúng ta đã làm được nhiều việc cực kỳ quan trọng. Ngày nay thời cơ rất lớn nhưng không ít thách thức, khó khăn đặt ra đối với đất nước, con người Việt Nam. Để vượt lên phía trước thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, tôi đề xuất 7 vấn đề cần phải làm ngay.
1. Tổ chức hành chính: Sau nghị quyết năm 1991 của Bộ Chính trị bàn về vấn đề cải cách bộ máy hành chính công từ TƯ đến địa phương, 20 năm đã qua, những thành quả đạt được so với nhu cầu của sự phát triển kinh tế, yêu cầu của xã hội vẫn còn hạn chế. Để khắc phục những tồn tại đã nêu trên không phải là quá khó và không làm được, chúng ta sẽ làm được khi Đảng, Nhà nước, Chính phủ cương quyết tổ chức lại đội ngũ cán bộ với tiêu chí dân chủ, công bằng và thực tài. Khả năng của họ phải được minh chứng qua trải nghiệm và hoạt động thực tế, tùy theo yêu cầu công việc mà bổ nhiệm chức vụ cho hợp lý. Khi đội ngũ kế thừa trong giai đoạn mới mà đạt được những yêu cầu nêu trên chắc chắn sẽ là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của Việt Nam.
2. Nhận thức xã hội: Nhiều người, trong đó có cán bộ, công chức thường nói dân trí chúng ta thấp để đổ lỗi cho những việc làm không tốt hoặc những việc mình quản lý kém nhằm trốn tránh trách nhiệm. Nếu muốn cộng đồng xã hội nâng dần nhận thức về luật pháp, quan hệ con người và con người nhân văn hơn, vị tha hơn thì cán bộ công chức phải làm gương và phải đi đầu.
3. Giáo dục và Đào tạo: Với khoa học, công nghệ và con người trong thế kỷ XXI chúng ta phải triệt để tiếp thu và học hỏi cái có thật và cái đã được ứng dụng thành công trên nhiều quốc gia. Chúng ta cũng nên xóa bỏ ngay tư duy bằng cấp để định giá con người khi bằng cấp không mang giá trị đích thực của tài năng. Chúng ta nên tiếp tục đầu tư cho học sinh vay, mượn tiền để du học hoặc theo học các trường đại học trong nước với lãi suất ưu đãi tối đa và thời hạn thanh toán dài hơn. Học viên, sinh viên có trách nhiệm phải trả lại các khoản vay, như vậy, sự ràng buộc cá nhân với gia đình, xã hội được thắt chặt.
4. Doanh nghiệp nhà nước: Muốn tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn mới 2011-2015, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước không phục vụ cho lợi ích công, chuyển đổi, bán cổ phần cho các tổ chức, cá nhân nhằm đưa các doanh nghiệp này vào quỹ đạo của kinh tế thị trường. Nhà nước chỉ nên giữ lại những doanh nghiệp chuyên sâu về phục vụ công cộng không mang nặng tính kinh doanh và doanh nghiệp liên quan đến an ninh quốc phòng, những doanh nghiệp mạnh trong những lĩnh vực xung yếu của nền kinh tế. Cần đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước. Xem xét lại việc thành lập và hoạt động của các tập đoàn kinh tế vì không ít tập đoàn đang vi phạm các điều khoản quy định của pháp luật.
5. Doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế khác: Tiềm năng của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, trong đó có các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp tư nhân là vô cùng to lớn. Chính phủ các nước phát triển luôn đặt doanh nghiệp vừa và nhỏ làm then chốt và chủ đạo cho phát triển kinh tế, hỗ trợ nguồn vốn và cho không một khoản tiền mang tính tượng trưng, khích lệ khi doanh nghiệp mới thành lập, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp… Với chính sách đó, từng bước nâng các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành các tập đoàn lớn đa quốc gia. Nhiều tổ chức tài chính khi vào làm việc với Chính phủ và các bộ, ban, ngành Việt Nam, họ luôn muốn giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất về hỗ trợ tài chính, thiết bị máy móc và chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ. Vì sự phát triển của đất nước, vì chất lượng cuộc sống của nhân dân và sự bình đẳng trong kinh doanh, chúng ta nên thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá và không vì những phát sinh tiêu cực nhỏ mà đưa ra các chính sách cấm, hạn chế không phù hợp.
6. Quản lý nhà nước về tài chính, tài nguyên quốc gia công: Nhiều quy định, chính sách về quản lý tài chính, tài nguyên công của Chính phủ ban hành nhưng chưa được áp dụng một cách có hiệu quả trong thực tiễn. Vài năm gần đây đã có nhiều cảnh báo mất an toàn đối với các siêu dự án nhưng chúng ta chưa đưa ra được các giải pháp ngăn chặn kịp thời hoặc cương quyết loại bỏ ngay từ khi phát hiện ra các sai phạm. Tài nguyên quốc gia, dự án được giao thẩm quyền cho địa phương phê chuẩn nó chỉ đúng khi nào những cá nhân, tổ chức tại địa phương có đủ tài, đủ tâm để thực hiện. Biện pháp quản lý tài chính, tài nguyên công được đặt ra vô cùng cấp bách, chúng ta phải thắt chặt chi tiêu của các đơn vị hành chính sự nghiệp, tinh giảm biên chế tối đa, tăng lương xứng đáng với những công chức làm được việc, thu hồi, chuyển giao các ngành nghề, các dự án của các tập đoàn, tổng công ty không đi đúng chức năng nhiệm vụ của mình; kiểm tra, rà soát các dự án khai thác khoáng sản đang tràn lan ở các tỉnh, thành phố.
7. An ninh quốc phòng và chính sách ngoại giao: Việt Nam là một đất nước có lịch sử ngàn năm văn hiến, một dân tộc yêu chuộng hòa bình, luôn lấy tinh thần tương thân tương ái với mọi người, muốn làm bạn với các quốc gia trên thế giới. Như thế vẫn không đủ để bảo vệ nền độc lập và vùng biển, vùng trời, biên giới của Tổ quốc, chúng ta phải có chính sách phù hợp để tăng cường khả năng phòng vệ và không sợ bất cứ kẻ thù nào nếu chúng xâm phạm tới đất nước chúng ta. Chính sách ngoại giao cần được ưu tiên hàng đầu nhằm chia sẻ, thấu hiểu cùng tiến về phía trước, tạo sự đồng thuận của các nước bè bạn ủng hộ Việt Nam trên các mặt trận chính trị, kinh tế và an ninh quốc phòng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.