(HNM) - Xác định giám sát, phản biện xã hội là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay nên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội luôn phối hợp đồng bộ với cấp ủy, chính quyền cùng cấp trong quá trình thực hiện. Các kiến nghị sau giám sát, phản biện được tiếp thu, giải trình, xử lý kịp thời đã phát huy dân chủ, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và góp sức xây dựng chính quyền vững mạnh.
Kênh thông tin quan trọng
Tại hội nghị phản biện về Đề án “Lập quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 các khu vực dân cư trên địa bàn huyện Đông Anh” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đông Anh tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học và người dân địa phương đã đề nghị lãnh đạo huyện chú trọng phát huy giá trị của làng cổ, thành Cổ Loa và làng nghề truyền thống. Ngoài ra, huyện cần đánh giá thực trạng hiện nay của các khu dân cư trên địa bàn để đề ra giải pháp thực hiện hiệu quả sau khi quy hoạch được phê duyệt.
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Đông Anh Đỗ Ngọc Bích cho biết: “Lãnh đạo huyện đánh giá cao các ý kiến tâm huyết tại hội nghị phản biện và coi đây là kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền xem xét, quyết định thực hiện đề án, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân”.
Dự hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố Hà Nội “Về việc sáp nhập, đổi tên thôn, tổ dân phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2019” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức, ông Nguyễn Thành Vĩnh, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư số 14, phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) cho hay: “Nhân dân còn băn khoăn rằng, sau sáp nhập các thôn, tổ dân phố có thể gặp khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và việc thực hiện các phong trào, cuộc vận động do Trung ương, thành phố Hà Nội phát động sẽ không được thuận lợi như trước”.
Giải đáp ý kiến trên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh, thành phố sẽ thực hiện đề án này một cách bài bản, khoa học, phù hợp với thực tế, gắn với truyền thống văn hóa, lịch sử của khu dân cư, trên tinh thần bảo đảm ổn định về chính trị, an ninh trật tự. HĐND thành phố Hà Nội và chính quyền các cấp sẽ tiếp tục lắng nghe, tổ chức kỳ họp bất thường để bàn thêm về vấn đề này.
Tại huyện Chương Mỹ, từ năm 2014 đến nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các cơ sở đã tổ chức 330 cuộc giám sát độc lập, 400 cuộc phối hợp giám sát với HĐND, các ban, ngành, đoàn thể của huyện. Ban thanh tra nhân dân các xã, thị trấn đã giám sát 860 vụ việc, phát hiện 161 vụ việc có sai phạm, kiến nghị với chính quyền thu hồi hơn 2.000m2 đất…
“Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền đã góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các quyết sách trước khi ban hành, tạo đồng thuận xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, không để xảy ra điểm nóng, phức tạp, khiếu kiện đông người, đóng góp vào thành công chung của địa phương”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Chương Mỹ Vũ Xuân Hùng chia sẻ.
Tập trung phản biện những vấn đề "nóng" của xã hội
Thành phố Hà Nội được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước xây dựng quy chế và tổ chức hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
“Khi thực hiện nhiệm vụ giám sát, phản biện, Mặt trận chú trọng những vấn đề mà Đảng, Nhà nước đang tập trung xây dựng chủ trương, chính sách và những vấn đề “nóng” của xã hội đang được người dân quan tâm”, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phúc Thọ Tô Văn Sáng nhấn mạnh.
Ngoài ra, để thực hiện đồng bộ, có chất lượng, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội luôn thống nhất kế hoạch phản biện, tổ chức các đoàn khảo sát thực tế trước khi tổ chức hội nghị phản biện xã hội.
"Do đó, các ý kiến phản biện đều có cơ sở căn cứ, kiến nghị phù hợp, tạo sự thuyết phục với cấp trên", Trưởng ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Phạm Ngọc Quỳnh khẳng định.
Từ tháng 10-2010 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã chủ trì tổ chức hơn 6.300 đoàn giám sát, 2.594 hội nghị phản biện xã hội, trong đó cấp thành phố tổ chức 19 hội nghị, cấp huyện tổ chức 204 hội nghị, cấp xã tổ chức 2.371 hội nghị.
Mặt trận các cấp trên địa bàn thành phố còn chủ trì tổ chức giám sát các nội dung quan trọng như: Thực trạng phát triển khoa học và công nghệ; vệ sinh an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; khai thác cát; giải quyết khiếu nại, tố cáo; đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với dịch vụ hành chính công…
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương khẳng định: “Để hoạt động giám sát và phản biện xã hội đạt hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp sẽ tăng cường tập hợp, phát huy, khai thác trí tuệ của các chuyên gia, nhà khoa học và chủ động, linh hoạt trong việc tổng hợp, xác định nội dung giám sát, phản biện, tránh trùng lặp. Đặc biệt, hoạt động giám sát, phản biện sẽ tập trung vào những vấn đề xã hội và liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.