(HNM) - Vận động thể chất, chơi thể thao bên cạnh những giờ học văn hóa nghiêm túc không chỉ là nhu cầu tự nhiên của trẻ em, học sinh, sinh viên mà còn là yêu cầu tất yếu nhằm
Đặc biệt, Quyết định số 1076/QĐ-TTg ngày 17-6-2016 phê duyệt "Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất (GDTC) và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025" cũng khẳng định rất rõ: GDTC và thể thao trường học là bộ phận quan trọng, nền tảng của nền thể dục, thể thao nước nhà; góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho trẻ em, học sinh, sinh viên.
Thực tế hiện nay, quan điểm giáo dục trong các gia đình đã có sự thay đổi rõ rệt. Phụ huynh ngày càng chủ động tìm kiếm những môi trường giáo dục có cơ sở vật chất và chương trình giáo dục thể chất, thể thao phong phú cho con em. Song đây vẫn là một bộ phận nhỏ... Phải khẳng định, giáo dục thể chất, hoạt động thể dục thể thao trong trường học của ta không chỉ "chưa tương xứng" mà còn đang ở mức rất thấp so với yêu cầu đặt ra. Hiện mới có 7% trường phổ thông có nhà GDTC hoặc thi đấu thể thao; còn số trường có bể bơi chiếm chưa đầy 1%... Số trường thực hiện GDTC chính khóa, trường có hoạt động thể dục thể thao ngoại khóa dù chiếm tỷ lệ cao nhưng hiệu quả còn rất mờ nhạt, nặng hình thức, nhẹ thực chất. Đặc biệt, cách dạy, cách học đã lỗi thời, không những không tạo cảm hứng cho học sinh mà còn gây áp lực cho các em như lời Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thừa nhận mới đây.
Trường học - "địa bàn chiến lược" phải làm gì để giúp các em phát triển hài hòa "đức, trí, thể, mỹ", thực hiện triết lý giáo dục "dạy người" rồi mới đến "dạy chữ, dạy nghề"? Các chuyên gia đã đề ra nhiều giải pháp để đổi mới GDTC, thể dục thể thao trong trường học như tăng cường đầu tư cơ sở vật chất; rà soát, kiện toàn đội ngũ giáo viên; đổi mới chương trình, nội dung đào tạo... Tuy nhiên, đúng như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại buổi làm việc với Bộ GD-ĐT, Bộ VH-TT&DL về công tác này cuối tháng 2-2017: Cơ sở vật chất và giáo viên là quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phải đổi mới cách dạy, cách học để tránh nhàm chán... Cũng như vậy, cách đánh giá hoạt động rèn luyện thể chất, hoạt động thể dục, thể thao phải trên cơ sở năng lực, sở thích của các em, chứ không nên cứng nhắc, áp đặt... Thậm chí, việc đầu tư cũng phải thiết thực, sát nhu cầu, tránh hình thức, phong trào.
Hiện, việc một số trường học ở Hà Nội đưa vào áp dụng một số môn thể dục, thể thao với cách tổ chức dựa trên nhu cầu thực tế của học sinh, đã tạo niềm hứng khởi rõ rệt không chỉ với các em mà còn với phụ huynh. Qua đó, tinh thần rèn luyện thể lực như một nền tảng trau dồi trí lực đã thấm sâu, lan tỏa trong môi trường giáo dục, trong gia đình và cả cộng đồng.
Đảng, Nhà nước ta đã xác định: "Phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức xã hội, các nhà trường và cộng đồng". Tới đây, chúng ta hy vọng, hoạt động này sẽ tiến gần đến thực chất hơn qua việc gắn chặt phát triển GDTC, thể dục thể thao trong trường học với trách nhiệm chính quyền địa phương; tăng cường xã hội hóa cả về con người lẫn nguồn lực...
Thực hiện tốt GDTC, nhìn trước mắt, chính là để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho mỗi học sinh, sinh viên. Còn về lâu dài, đây chính là giải pháp quan trọng để phát triển toàn diện con người Việt Nam.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.