Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần minh bạch hóa các giao dịch

Mai Lâm| 30/07/2016 06:41

(HNM) - Với quan niệm “đồng tiền liền khúc ruột”, nhiều người vẫn có thói quen giữ và sử dụng tiền mặt. Theo họ, việc sử dụng tiền mặt được cho là an toàn và tiện lợi hơn. Đơn giản bởi không phải ở đâu, chỗ nào cũng có những dịch vụ ngân hàng thuận lợi, đặc biệt là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Không phải không có lý, nhất là với những người không dư dả, và thói quen giao dịch, mua bán, trao đổi truyền thống vẫn được ưa chuộng, ngay cả tại các đô thị lớn.


Thế nhưng, việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch có nguy cơ cao gây thất thu thuế. Bởi lẽ, hệ thống giám sát còn những hạn chế nhất định, chưa thể kiểm soát tất cả các giao dịch dân sự. Chẳng nói đâu xa, chỉ trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, Ngành Thuế cho rằng đã thất thu hàng nghìn tỷ đồng do những lỗ hổng từ tập quán thanh toán bằng tiền mặt. Không phải cơ sở kinh doanh nào cũng chủ động thực hiện đúng quy định nhằm làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, bởi việc thanh toán bằng tiền mặt, không cần hóa đơn giá trị gia tăng giúp khách hàng “tiết kiệm” được 10% thuế. Dịch vụ kinh doanh, nhà hàng ngày càng phát triển, nhất là ở các đô thị. Nhu cầu giao đãi, tiếp khách cũng tăng, và cứ như vậy, nếu không kiểm soát chặt chẽ, số tiền thất thu thuế trong lĩnh vực này ngày càng lớn.

Gian lận thuế trong lĩnh vực nói trên không phải mới diễn ra mà đã kéo dài nhiều năm. Không kiểm soát chặt chẽ, để thất thoát, trách nhiệm trước hết là của cơ quan quản lý chuyên ngành. Để ngăn chặn, Ngành Thuế sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế tại các nhà hàng, cơ sở ăn uống, dịch vụ. Và dự kiến, sau khi siết chặt quản lý, từ nay đến cuối năm, sẽ tăng thu cho ngân sách khoảng 4.500 tỷ đồng. Đây là số tiền không hề nhỏ, đặc biệt là trong bối cảnh hiện tại của nền kinh tế. Thật mừng! Dẫu sao muộn còn hơn không! Và việc chống thất thu thuế không phải nhiệm vụ của riêng Ngành Thuế mà cần sự vào cuộc đồng bộ của nhiều bộ, ngành, cơ quan liên quan nhằm bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách.

Giải pháp tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm thu đúng, thu đủ thuế là cần thiết. Theo Tổng cục Thuế Việt Nam, việc sử dụng tiền mặt trong thanh toán diễn ra phổ biến là kẽ hở lớn dẫn tới nảy sinh sai phạm về thuế. Thanh toán qua ngân hàng, tài khoản ngân hàng được đánh giá là biện pháp giúp kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả những hành vi trốn thuế, gian lận thuế. Ngày 29-12-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 291/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010 và định hướng đến năm 2020. Một trong những mục tiêu đề án đặt ra là nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước, minh bạch hóa nền kinh tế, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Việc thực hiện đề án đã đem lại những hiệu quả nhất định, đặc biệt là việc trả lương qua tài khoản ngân hàng đã được triển khai tới nhiều đối tượng; hệ thống cơ sở hạ tầng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán thuận lợi hơn cho người dân; tính liên thông giữa các ngân hàng cao hơn… Thế nhưng, thói quen, tập quán buôn bán, kinh doanh nhỏ lẻ cộng với những tiện ích ngân hàng vẫn chưa đồng đều, đồng bộ ngay cả ở thành phố lớn, khiến người dân vẫn thích giữ, dùng tiền mặt để bảo đảm sự... yên tâm, thuận lợi. Không dễ để thay đổi thói quen, đặc biệt của đông đảo người dân. Để làm được điều này, trước hết, chính các cơ quan quản lý, hệ thống dịch vụ ngân hàng phải tiên phong trong thay đổi thói quen, cách tiếp cận để thực sự đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, từ đó góp phần minh bạch hóa nền kinh tế, nâng cao công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí theo mục tiêu đề án đã đặt ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần minh bạch hóa các giao dịch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.