(HNM) - Nói về công tác tư pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” là phẩm chất bắt buộc, đòi hỏi đương nhiên phải có trong mỗi cán bộ tư pháp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng chủ trì cuộc họp giao ban Ban Chỉ đạo đánh giá kết quả năm 2018, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2019. Ảnh: Bá Hoạt |
Đạt kết quả toàn diện
Năm 2018 khép lại với những kết quả phát triển kinh tế - xã hội nổi bật, toàn diện của Thủ đô Hà Nội. Đóng góp vào kết quả chung của thành phố, có sự nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Hà Nội (Ban Chỉ đạo).
Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy, thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Chương trình số 03-CTr/CCTP của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Đề án số 06-ĐA/TU của Thành ủy, hoạt động của Ban Chỉ đạo đã có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả. Các nhiệm vụ trọng tâm của công tác tư pháp đã được Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, đạt kết quả toàn diện.
Bên cạnh việc tổ chức quán triệt, tập huấn nghiệp vụ, triển khai thực hiện các luật mới có hiệu lực từ ngày 1-1-2018, công tác tham gia góp ý vào các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các cấp, ngành được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, có chất lượng. Tòa án nhân dân thành phố đã thành lập 16 trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân hai cấp. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này; giảm áp lực số lượng vụ việc tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử.
Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện tốt, kịp thời, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của thành phố. Hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ có nhiều đổi mới; chất lượng các mặt công tác điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của mỗi cơ quan, đơn vị; giải quyết các vụ án trọng điểm, nhạy cảm, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm.
Đặc biệt, với các vụ án tham nhũng do trung ương chỉ đạo và phân công Viện Kiểm sát nhân dân thành phố giữ quyền công tố, Tòa án nhân dân thành phố đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
“Đặc biệt, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm đạt 90,8%, vượt 0,8% so với chỉ tiêu Nghị quyết 37/2012/QH13 đề ra. Kết quả điều tra khám phá trọng án đạt 98,8%, cao hơn 8,8% so với chỉ tiêu. Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã giải quyết 6.391 vụ/11.091 bị can, đạt tỷ lệ 99,2%, cao hơn 4,2% chỉ tiêu. Tòa án nhân dân hai cấp thành phố giải quyết 28.838 vụ án (đạt tỷ lệ 81,67%), không có án oan sai”, đồng chí Nguyễn Quang Huy cho biết.
Đẩy nhanh tiến độ
Nhận xét về những kết quả đạt được trong năm 2018, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, những kết quả tích cực trên các mặt công tác của các cơ quan tư pháp, hoạt động của các cơ quan khối nội chính đã góp phần rất quan trọng vào việc giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Qua đó, đã tạo môi trường thu hút đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế của Thủ đô.
Tuy nhiên, Trưởng ban Chỉ đạo cũng chỉ rõ một số tồn tại, đó là tình trạng một số cấp ủy chưa thực sự quan tâm chỉ đạo sát sao, chưa chủ động sáng tạo trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác cải cách tư pháp. Việc phối hợp giữa các cơ quan tư pháp thành phố có lúc, có nơi còn chưa tốt. Kết quả thi hành án dân sự mới hoàn thành và vượt chỉ tiêu về việc, nhưng chưa hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được Quốc hội giao về tiền.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ cải cách tư pháp trong năm 2019, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị các cấp, ngành tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là tuyên truyền những luật mới có hiệu lực.
“Cần phấn đấu nâng tỷ lệ xác minh, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt hơn 90%; duy trì tỷ lệ khám phá tội phạm đạt hơn 75%, khám phá trọng án đạt hơn 90%. Thực hiện tốt việc giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng lưu ý.
Trưởng ban Chỉ đạo cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng xét xử các loại án; phối hợp chặt chẽ giải quyết tốt những vụ án lớn, vụ việc phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả việc thí điểm hòa giải, đối thoại tại tòa án nhân dân hai cấp trong giải quyết các vụ án dân sự, hành chính. Bên cạnh đó, các cơ quan cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, bổ trợ tư pháp, bảo đảm pháp luật được thực thi nghiêm minh, triệt để. Đặc biệt là thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.