(HNMO) - Chỉ vài giờ sau khi khung quy định về bảo vệ dữ liệu người dùng (GDPR) của Liên minh Châu Âu (EU) có hiệu lực, Facebook, Google, Instagram và WhatsApp đã đối mặt hàng loạt đơn kiện.
Bốn đơn kiện đầu tiên tại Áo, Bỉ, Pháp và Đức đều với lý do bốn đơn vị nói trên đã ép buộc người dùng phải chấp nhận chung sống với các quảng cáo hướng đối tượng để có thể sử dụng được dịch vụ. Trong khi đó, nhiều ý kiến khẳng định người dùng đã không có quyền tự do lựa chọn trong vấn đề này, đồng thời cho rằng việc phải chấp nhận "nộp" dữ liệu để được sử dụng dịch vụ là điều bị cấm theo GDPR. Như vậy, trong trường hợp các bên nguyên cáo thắng kiện, bốn đại gia công nghệ sẽ đối mặt án phạt tài chính khổng lồ, thậm chí phải thay đổi phương thức hoạt động.
GDPR với vai trò là luật mới của EU đề ra những quy định cụ thể về việc thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân, thậm chí có tầm ảnh hưởng tới cả bên ngoài lãnh thổ khối này. Nói cách khác, nếu một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong EU, hoặc thu thập dữ liệu của người dùng là công dân EU, đều sẽ phải chấp hành GDPR.
Chính vì sự chặt chẽ như vậy, ngay trước thềm GDPR có hiệu lực, nhiều công ty đã tạm ngừng dịch vụ tại Châu Âu để tránh các phiền toái pháp lý không cần thiết. Trong khi đó, một số khác (mà Twitter là điển hình) đã đưa ra các tùy chọn cho phép người dùng không sử dụng cơ chế quảng cáo hướng đối tượng. Theo GDPR, những doanh nghiệp vi phạm các quy định GDPR sẽ bị phạt nặng, có thể lên tới nhiều tỷ USD.
Về phần mình, Facebook cho biết đã dành 18 tháng qua để chuẩn bị cho việc chấp hành GDPR. Trong khi đó, Google cho biết luôn hướng tới tính riêng tư cá nhân và bảo mật trong các sản phẩm ngay từ khâu phát triển sơ khai, đồng thời khẳng định sẽ luôn tuân thủ GDPR.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.