(HNMO) - Sáng 16-11, tại Hà Nội, Tổng cục Thể dục thể thao và Công ty Vinexad tổ chức Hội thảo
Hàng loạt vấn đề đã được đưa ra trao đổi và thảo luận tại hội thảo thông qua hơn 20 tham luận: "Phát triển kinh tế - xã hội thông qua du lịch thể thao" (GS.TS Lê Quý Phượng; PGS.TS Hoàng Minh Thuận); "Đổi mới tư duy, nhận thức xã hội về kinh tế thể thao, định vị kinh tế thể thao ở Việt Nam" (PGS.TS Phạm Ngọc Viễn); "Bóng đá và nguồn thu" (Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Nguyễn Minh Châu)... Trong đó, nhiều bài học kinh nghiệm quốc tế về phát triển kinh tế thể thao của Trung Quốc, Nhật Bản... đã được đề cập.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Viễn, phát triển kinh tế thể thao góp phần tạo nguồn thu và làm tăng quy mô nền kinh tế của nhiều quốc gia. Tại Mỹ, kinh doanh thể thao xếp thứ 11/25 ngành kinh doanh hàng đầu, quy mô tổng thị trường đạt 400-434 tỷ USD/năm, gấp 2 lần ngành công nghiệp ô tô và 7 lần ngành điện ảnh. Tại Trung Quốc, quốc gia được xếp vào diện sản xuất hàng hóa thể thao lớn nhất thế giới, giá trị gia tăng của các doanh nghiệp thể thao Trung Quốc chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng GDP hằng năm.
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ, Việt kiều Australia, đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Phần mềm tiếp thị thể thao, khi trình bày tham luận "Cá cược thể thao, kinh nghiệm quốc tế và cơ hội ở Việt Nam" đã nêu lên các vấn đề về hành lang pháp lý cho việc điều chỉnh hoạt động đặt cược thể thao, cơ quan chuyên trách quản lý đặt cược thể thao, mức thuế áp dụng đối với loại hình đặt cược thể thao...
Chung quan điểm với ông Nguyễn Ngọc Mỹ, nhiều đại biểu cũng đề cập một số giải pháp, bao gồm đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về kinh tế thể thao; hoàn thiện hành lang pháp lý, đề xuất chính sách có tính chất đòn bẩy để thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao; tạo lập và phát triển thị trường thể thao, hoàn thiện bộ máy quản lý kinh tế thể thao ở Việt Nam...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.