(HNM) - Với sự can thiệp của công an, những
Quanh sự việc này có rất nhiều luồng dư luận khác nhau với những quan điểm nhìn nhận vấn đề cũng như hướng xử lý đối với học sinh, giáo viên và nhà trường. Vậy quan điểm của ngành GD-ĐT đối với sự việc này nói riêng và vấn đề đạo đức học sinh nói chung ra sao? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý đã trao đổi cùng Hànộimới.
Hướng cho các em biết đoàn kết, chia sẻ, chan hòa và thương yêu cũng là giáo dục học sinh không ích kỷ, vô cảm. Ảnh: Huyền Linh |
- Thưa ông, với trách nhiệm là người được giao phụ trách công tác học sinh, sinh viên (HS, SV), ông có suy nghĩ và cảm xúc gì về sự việc clip nữ HS bị một bạn gái đánh trước sự chứng kiến và thờ ơ của những bạn gái cùng trang lứa?
- Dù không phải là người được giao trách nhiệm phụ trách công tác HS, SV thì với tư cách là người thầy, người làm cha mẹ, tôi cũng phải suy nghĩ rất nghiêm túc về sự việc này. Cảm xúc thì có lo, có buồn nhưng quan trọng hơn là phải suy nghĩ một cách nghiêm túc và bình tĩnh nhìn nhận sự việc để có những giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề.
Trên thực tế, từ xưa tới nay, không chỉ ở nước ta mà kể cả ở những nước có nền giáo dục phát triển thì chuyện HS đánh nhau vẫn xảy ra. Tuy nhiên, việc một HS nữ bị bạn đánh, trong khi một số bạn nữ khác ở đó mà không ngăn cản, thậm chí còn cổ vũ và quay clip phát tán trên mạng là việc không bình thường, đáng phê phán. Song theo tôi, điều quan trọng và không dễ làm hiện nay không phải là chuyện kỷ luật các đối tượng liên quan như thế nào mà là làm sao để các em nhận ra cái sai, thấy được trách nhiệm đối với việc làm không đúng đắn của mình và từ đó bản thân các em cũng như những HS khác rút ra được bài học trong ứng xử với bạn bè cũng như những việc xảy ra quanh mình. Qua câu chuyện của con trẻ, chúng ta cũng phải suy nghĩ về trách nhiệm làm cha mẹ, làm thầy cô và làm người lớn của mình.
- Có vẻ như, mỗi khi xảy ra những sự việc tương tự liên quan đến đạo đức của HS người ta hay nói rằng trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội. Sự việc vừa xảy ra cũng không phải là ngoại lệ và khi trách nhiệm là của chung thì trách nhiệm riêng dường như là con số không tròn trĩnh. Ông nghĩ sao về điều này?
- Để giáo dục đạo đức, nhân cách cho HS rất cần sự phối hợp chặt chẽ của cả 3 lực lượng: gia đình, nhà trường và xã hội. Mỗi lực lượng phải bằng những việc làm cụ thể, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc giáo dục đạo đức cho HS ngay từ nhỏ.
Về phía nhà trường, luôn phải thực hiện đầy đủ 2 nhiệm vụ chính là dạy chữ và dạy người. Dạy người là dạy cho HS cách ứng xử phù hợp với mọi tình huống giao tiếp xã hội, được xã hội chấp nhận; dạy cho học sinh giá trị sống và kỹ năng sống. Ngành giáo dục - đào tạo cũng đang hết sức nỗ lực để nâng cao chất lượng "dạy người" thông qua nhiều phong trào, cuộc vận động, chương trình giáo dục, ví dụ như phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", cuộc vận động "Mỗi nhà giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo", đưa nhiệm vụ giáo dục kỹ năng sống vào chỉ thị nhiệm vụ từ năm học 2009-2010 và từ năm học tới, nội dung giáo dục này sẽ được đưa vào chương trình phổ thông...
Tuy nhiên, theo tôi, để những nỗ lực trên đem lại hiệu quả thì sự vào cuộc của mỗi thầy giáo, cô giáo, của mỗi nhà trường là quan trọng nhất. Đồng thời, sự ủng hộ của các tổ chức chính trị - xã hội sẽ hỗ trợ rất nhiều cho các nhà trường trong việc giáo dục đạo đức, dạy kỹ năng sống cho HS. Thực tế triển khai phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" trong hai năm vừa qua cho thấy, với sự phối hợp của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam công tác giáo dục đạo đức cho học sinh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Sinh viên tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội chăm sóc người cao tuổi. Ảnh: Bảo Lâm |
- Dẫu vậy thì vai trò của các thầy, cô giáo, đặc biệt là của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm vẫn quan trọng nhất. Tuy nhiên, trên thực tế, các thầy, cô chưa được đào tạo, bồi dưỡng một cách đầy đủ những kỹ năng cần thiết để làm công tác chủ nhiệm cũng như tham gia dạy kỹ năng sống cho HS. Hạn chế này sẽ được khắc phục trong thời gian tới bằng cách nào, thưa ông?
- Theo tôi, cùng với việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, giáo viên về công tác giáo dục đạo đức cho HS thì cần quan tâm tới việc xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên chủ nhiệm giỏi, có phẩm chất đạo đức, chuyên môn vững vàng, nhân cách hoàn thiện, tâm huyết với nghề, thương yêu HS, có năng lực sư phạm nắm bắt tâm lý, hoàn cảnh của HS, có kỹ năng vận dụng những tri thức khoa học giáo dục vào thực tiễn sinh động và đa dạng trong quá trình giáo dục HS. Muốn có một đội ngũ giáo viên chủ nhiệm như vậy thì cùng với việc tiếp tục phát triển hệ thống trường sư phạm, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo giáo viên, trong thời gian tới, công tác bồi dưỡng, tập huấn hằng năm cho giáo viên trong hè sẽ chú trọng việc trang bị cho giáo viên kỹ năng giáo dục đạo đức cho HS.
- Xin cảm ơn ông!
Sẽ có hình thức kỷ luật phù hợp Ông Nguyễn Hiệp Thống, Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Ngày 16-3, ngay sau khi nhận được kết luận của cơ quan công an, theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, UBND TP Hà Nội, Sở GD-ĐT đã làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Trần Nhân Tông và THPT Đoàn Kết - Hai Bà Trưng - hai trường có HS liên quan tới vụ việc (có 7 HS). 3 đối tượng còn lại là HS đã bỏ học sẽ được cơ quan công an xử lý theo đúng quy định. Sở chỉ đạo hai trường phải khẩn trương xử lý những HS vi phạm một cách nghiêm túc, đúng quy chế, phù hợp với từng mức độ vi phạm, có tác dụng giáo dục những HS khác, trước hết là yêu cầu HS làm bản kiểm điểm, nghiêm túc nhận rõ sai phạm. Giáo viên chủ nhiệm các lớp có HS vi phạm phải báo cáo rõ với nhà trường về việc HS vắng mặt trong lớp, đồng thời nhà trường phải tổ chức họp hội đồng kỷ luật ngay trong ngày hôm nay, 17-3, có văn bản báo cáo Sở vào ngày 18-3. Sở GD-ĐT yêu cầu các trường sớm ổn định nền nếp, tư tưởng cho HS. Cũng từ vụ việc này, Sở sẽ chỉ đạo các trường trên toàn TP phải rút kinh nghiệm chung, trong đó chú ý tới việc lên án thái độ vô cảm, thờ ơ của HS trước cái xấu, cái ác; sớm phát hiện và giải quyết các mâu thuẫn trong HS, đồng thời tăng cường giáo dục đạo đức cho HS bằng những bài học thiết thực và phối hợp với gia đình quản lý chặt chẽ HS trong và ngoài giờ học. Thống Nhất |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.