Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng trong cung ứng dịch vụ thủy lợi

Kim Nhuệ| 28/06/2021 07:51

(HNM) - Do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên nhiều công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội dù bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa có kinh phí tu sửa, đời sống công nhân thủy nông gặp khó khăn... Khắc phục tình trạng này, các sở, ngành của thành phố đang tập trung tháo gỡ...

Trạm bơm Yên Cốc là công trình tiêu úng duy nhất của xã Hồng Phong (huyện Chương Mỹ). Trạm có 4 máy bơm, công suất 2.500m3/giờ/máy đảm nhiệm tiêu úng 210ha sản xuất nông nghiệp và 120ha dân sinh. Tuy nhiên, quan sát trong ngày 24-6, phóng viên nhận thấy, nhiều hạng mục của trạm bơm này đang bị hư hỏng: Trần nhà trạm bị bong tróc, thấm dột; dầm đặt máy bơm bị nứt vỡ; tiếng động cơ hoạt động rất ồn; gioăng, hèm và cánh phai cống tiêu bị hư hỏng khó ngăn được nước sông Bùi tràn ngược vào đồng...

Tương tự, nhiều công trình tiêu úng trên địa bàn thành phố cũng đang bị hư hỏng, xuống cấp, như các trạm bơm: Xuy Xá (huyện Mỹ Đức), Hiệp Thuận 1 (huyện Phúc Thọ), Lại Thượng 2 (huyện Thạch Thất), Cống Mẻn (huyện Quốc Oai), Cổ Đô (huyện Ba Vì)... Chứng kiến hiện trạng công trình, người dân các địa phương nêu trên rất mong đơn vị quản lý, khai thác sớm sửa chữa để cấp đủ nước phục vụ gieo cấy, nâng cao khả năng phòng, chống ngập lụt...

Liên quan vấn đề này, lãnh đạo 4 doanh nghiệp thủy lợi của thành phố thông tin, những công trình nêu trên, trước đây thuộc thẩm quyền quản lý, đầu tư của cấp huyện và xã. Thực hiện quy định phân cấp, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố vừa mới tiếp nhận quản lý. Để khai thác hiệu quả năng lực công trình, các doanh nghiệp thủy lợi đã lập danh mục, đề xuất bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp và đã được Sở NN&PTNT phê duyệt. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế, chính sách nên phương án đặt hàng dịch vụ thủy lợi năm 2021 chưa được phê duyệt dẫn đến các doanh nghiệp thủy lợi thành phố chưa được cấp kinh phí để triển khai. Không chỉ thiếu kinh phí sửa chữa công trình, các doanh nghiệp thủy lợi thành phố còn chậm trả lương, nộp tiền bảo hiểm cho người lao động, chưa thanh toán chi phí điện năng phục vụ sản xuất cho doanh nghiệp điện lực...

Trao đổi về nội dung trên, Phó Giám đốc Ban Quản lý và Dịch vụ thủy lợi Hà Nội (đơn vị có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch đặt hàng (đấu thầu) dịch vụ thủy lợi trên địa bàn thành phố) Lê Văn Trường cho biết, thực hiện Luật Thủy lợi và các quy định liên quan, thành phố Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn, trong đó vướng mắc nhất về nội dung hỗ trợ nhằm bảo đảm cho các đơn vị nhận đặt hàng có đủ kinh phí duy trì hoạt động bình thường. Hơn nữa, đây là nội dung chỉ được thực hiện khi cấp có thẩm quyền phê duyệt...

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, ngày 30-12-2020, Sở NN&PTNT Hà Nội đã phê duyệt phương thức đặt hàng dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021 cho 4 doanh nghiệp thủy lợi theo thẩm quyền. Ngày 1-4-2021 và 22-6-2021, liên sở NN&PTNT - Tài chính đã báo cáo UBND thành phố xem xét, chấp thuận phương án đặt hàng dịch vụ công ích thủy lợi năm 2021, trong đó có việc đề xuất nguyên tắc xác định dự toán kinh phí đặt hàng năm 2021 đối với các doanh nghiệp khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn thành phố Hà Nội...

Thấu hiểu khó khăn trong giải quyết những bất cập của pháp luật, các doanh nghiệp thủy lợi Hà Nội tiếp tục động viên người lao động phát huy truyền thống, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao... “Công ty đang thuyết phục các ngân hàng cho vay vượt hạn mức để tạm ứng lương cho công nhân và sửa chữa công trình, bảo đảm cấp đủ nước gieo cấy, phòng chống thiên tai năm 2021...”, Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy Trần Đình Cường cho biết thêm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng trong cung ứng dịch vụ thủy lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.