Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng cho dự án nhà ở xã hội

Đặng Loan| 30/09/2016 06:44

(HNM) - Từ năm 2006 đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ xây dựng được 12 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) với gần 3.900 căn hộ, đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân. Mục tiêu đến năm 2016, thành phố sẽ xây dựng khoảng 45.000 căn NƠXH. Để thực hiện mục tiêu này, thành phố sẽ phải tháo gỡ nhiều vướng mắc,

Nhà ở xã hội chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của người dân TP Hồ Chí Minh.



Gần… 2 năm cho một thủ tục

Tại buổi tọa đàm “Nhà ở xã hội - Thực trạng, dự báo và giải pháp” do Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh tổ chức ngày 28-9, nhiều doanh nghiệp (DN) phản ánh những khó khăn khi tham gia xây dựng NƠXH. Là DN xây dựng nhiều dự án NƠXH trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty Địa ốc Hoàng Quân (HQC) nhận định, các thủ tục hành chính ở TP Hồ Chí Minh khó khăn và chậm hơn các địa phương mà HQC đang có dự án. Chẳng hạn dự án HQC Bình Trưng Đông (quận 2) của HQC được đăng ký đầu tư từ năm 2014 nhưng hiện chỉ mới được Sở Xây dựng trình UBND thành phố công nhận là chủ đầu tư. “Chúng tôi mất đến hai năm nhưng vẫn chưa xong thủ tục xây dựng. Thủ tục của TP Hồ Chí Minh chậm hơn rất nhiều so với các địa phương khác cũng như với nhu cầu phát triển của thành phố”, ông Trương Anh Tuấn than phiền. Ngoài ra, ông Tuấn còn cho biết DN xây NƠXH ở các địa phương được hỗ trợ giao đất sạch còn ở TP Hồ Chí Minh, DN phải tự thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng. Thủ tục hoàn tiền sử dụng đất cũng rất chậm, hiện dự án HQC Plaza (huyện Bình Chánh) vẫn chưa được hoàn tiền sử dụng đất dù đã bàn giao và đưa vào sử dụng được 50%.

Bên cạnh HQC, các DN khác cũng phản ánh các vướng mắc về chỉ tiêu quy hoạch, dân số, tầng cao… khi xây dựng NƠXH. Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành cũng phản ánh, DN đang phải “chạy đôn chạy đáo” với các thủ tục pháp lý về NƠXH. Công ty Lê Thành đang có một dự án nhà ở thương mại chuyển sang NƠXH (quận Tân Phú) nhưng đang bị nút thắt “chỉ tiêu dân số” do số lượng căn hộ vượt quá quy hoạch ban đầu khiến đơn vị cũng phải loay hoay mấy năm nay. Theo ông Lê Hữu Nghĩa, để giải quyết vấn đề nhà ở cho người nghèo thì thành phố phải quyết được vấn đề quy hoạch, chấp nhận tăng chỉ tiêu dân số ở địa phương có dự án, bởi dân số đông là hiện trạng và nhà ở nhu cầu thật của người dân.

Quyết liệt cải cách hành chính


Qua thống kê khảo sát, hiện TP Hồ Chí Minh có gần 480.000 hộ dân chưa có nhà ở hoặc đang ở chung với người thân (chiếm tỷ lệ hơn 23% số hộ dân của thành phố). Trong đó có khoảng gần 20.000 hộ là cán bộ, công chức, viên chức; khoảng 13.000 hộ dân di dời trong các dự án chỉnh trang đô thị; khoảng 300.000 hộ người nhập cư có nhu cầu thuê NƠXH; còn lại khoảng 143.000 hộ thu nhập thấp trên địa bàn có nhu cầu mua, thuê mua, thuê NƠXH.

Từ năm 2006 đến nay, TP Hồ Chí Minh chỉ xây dựng được 12 dự án NƠXH với gần 3.900 căn hộ. Trong đó có 6 dự án sử dụng vốn ngân sách với 568 căn hộ; 6 dự án vốn ngoài ngân sách với hơn 3.300 căn hộ. Kế hoạch giai đoạn 2016-2020 thành phố sẽ tiếp tục triển khai 39 dự án cung cấp gần 45.000 căn hộ, trong đó Nhà nước quản lý trực tiếp 19 dự án quy mô gần 29.000 căn hộ; còn lại là quỹ đất do DN tự bồi thường giải phóng mặt bằng. Hiện trong số này có 8 dự án đã khởi công, 12 dự án đã được chấp nhận đầu tư, 19 dự án được công nhận chủ đầu tư.

Nếu so với tiến độ xây dựng những năm qua thì mục tiêu 45.000 căn hộ NƠXH từ nay cho đến năm 2020 là quá lớn; tuy nhiên theo ông Trương Anh Tuấn, trong giai đoạn này chỉ riêng HQC đã có kế hoạch xây dựng hơn 3.200 căn NƠXH nên mục tiêu 45.000 căn đến năm 2020 không phải là quá khó nếu các vướng mắc được tháo gỡ để nhiều DN cùng tham gia. Công ty này kiến nghị, Sở Xây dựng nên là đầu mối tất cả các vấn đề thủ tục pháp lý về NƠXH để tránh cảnh DN phải chạy tới chạy lui nhiều “cửa” như hiện nay.

Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, nếu các ban, ngành cùng nỗ lực thì con số 45.000 căn hộ là khả thi. Tuy nhiên để thực hiện, cần một giải pháp đồng bộ và sự nỗ lực của cơ quan quản lý nhà nước và DN. Ông Trần Trọng Tuấn cũng trần tình việc giao đất sạch cho DN trong điều kiện của TP Hồ Chí Minh khó hơn nhiều so với các địa phương khác và cho biết Sở Xây dựng tiếp thu những phản ánh của DN như hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng, điều chỉnh bổ sung chỉ tiêu dân số, quy hoạch… đặc biệt tiếp tục cải cách thủ tục hành chính. “Một thủ tục mất gần 2 năm như DN phản ánh là không thể chấp nhận được. Các ban, ngành sẽ phải rà soát, kiểm điểm tìm vướng mắc để tình trạng này không còn xảy ra”, ông Tuấn nhấn mạnh. Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cũng cho biết Sở đang tiếp tục thực hiện cải cách hành chính trong cấp phép xây dựng để đến quý IV-2016 UBND TP Hồ Chí Minh sẽ ban hành quy chế cấp phép "một cửa" liên thông trong lĩnh vực xây dựng, giảm phiền hà cho DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng cho dự án nhà ở xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.