Một điểm đáng chú ý trong Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua là tập trung nguồn lực, ưu tiên tổ chức thực hiện quy hoạch phân khu sông Hồng và sông Đuống phù hợp với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Liên quan đến các con sông trên địa bàn Hà Nội, cụ thể hơn, Luật Thủ đô năm 2024 cho phép được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng; được sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê để sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp kết hợp du lịch, giáo dục trải nghiệm bảo đảm nguyên tắc việc xây dựng trên đất nông nghiệp ở bãi sông, bãi nổi ở tuyến sông có đê phải phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch xây dựng, quy hoạch khác có liên quan.
Rõ ràng, những quy định mới nói trên là điều kiện thuận lợi, khung pháp lý quan trọng để vừa bảo đảm công tác phòng, chống thiên tai, vừa khai thác hiệu quả quỹ đất các bãi sông trên địa bàn thành phố Hà Nội theo đúng quy định. Bởi thực tế, Hà Nội có hệ thống sông chảy qua địa bàn và hệ thống đê điều quy mô lớn, ở nhiều cấp độ khác nhau.
Hà Nội hiện có 2 hệ thống sông chính là sông Hồng và sông Thái Bình, với 7 con sông chảy qua địa bàn là: Sông Hồng, sông Đà, sông Đuống, sông Công, sông Cầu, sông Cà Lồ, sông Đáy. Ngoài ra, thành phố còn có hệ thống các sông nội địa như sông Tích, sông Bùi, sông Thanh Hà… Toàn thành phố có hơn 626km đê được phân cấp và trên 132km đê chưa phân cấp, đi qua địa bàn của 26/30 quận, huyện, thị xã.
Cùng với hệ thống sông và đê điều là diện tích đất bãi sông, bãi nổi trên các dòng sông khá lớn, có quy mô khác nhau. Để khai thác các bãi bồi màu mỡ được phù sa bồi đắp hằng năm, trong lịch sử đã hình thành các làng ngoài đê ở nhiều địa phương. Trong đó phải kể đến những khu vực dân cư sinh sống lâu đời ngoài đê sông Hồng chảy qua địa bàn các huyện, thị xã: Ba Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Đan Phượng, Mê Linh, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên… Kèm theo đó là làng mạc với hệ sinh thái cộng đồng làng xã về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, cơ sở hạ tầng, đời sống sinh hoạt hằng ngày…
Với điểm mới trong Luật Thủ đô năm 2024, nhiều vướng mắc lâu nay về sử dụng bãi sông, bãi nổi trên sông sẽ được xem xét, giải quyết theo luật định. Vấn đề quan trọng hiện nay là các địa phương nằm trong diện này cần sớm tuyên truyền cho nhân dân hiểu và đồng thuận, từ đó có định hướng khảo sát, đánh giá hiện trạng để áp dụng khi luật chính thức có hiệu lực.
Đặc biệt, với vấn đề khai thác bãi sông, bãi nổi trên sông, ngoài bảo đảm nghiêm ngặt yêu cầu phòng, chống thiên tai; các địa phương cần sớm có những định hướng, kế hoạch cụ thể để tăng cường quản lý việc đầu tư xây dựng và quản lý, sử dụng đất đai. Quá trình khai thác các quỹ đất bãi sông, bãi nổi cần tính toán để bảo đảm sự kết nối, phù hợp với không gian hình thái tổng thể đô thị, làng xóm trong khu vực cũng như các khu vực phố phường, làng xóm liền kề. Song hành là vấn đề phòng, chống lũ, cần căn cứ các dữ liệu hành lang thoát lũ, tính toán kịch bản lũ lụt để bổ sung công viên, cảnh quan hai bên sông, phát triển sản xuất, dịch vụ phù hợp…
Luật Thủ đô năm 2024 đã tạo khung khổ pháp lý mới, từ đó giúp hình thành không gian mới cho hệ thống bãi sông, bãi nổi trên địa bàn thành phố Hà Nội đáp ứng được yêu cầu trong bối cảnh mới là vừa bảo đảm phòng, chống thiên tai, vừa phát triển kinh tế - xã hội và sinh kế cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.