Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng bằng cơ chế "mở"

Kính Lúp| 08/10/2018 07:18

(HNM) - Theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, hiện cả nước có gần 1.900 bến thủy hoạt động không phép, trong đó có khoảng 1.000 bến có khả năng cấp phép, song do vướng mắc về thủ tục hành chính nên vẫn không thể cấp.


Trong khi đó, một số bến thủy đã nhiều lần có hồ sơ gửi cơ quan chức năng đề nghị sớm được cấp phép để có thể hoạt động một cách chính tắc. Tuy nhiên, sau không ít lần hồ sơ được gửi đi, cho đến nay bến vẫn đang trong tình trạng chờ đợi do vướng mắc về quy hoạch và thủ tục đất đai. Và cũng vì đang trong thời gian chờ tháo gỡ về thủ tục, nên lực lượng chức năng mỗi khi kiểm tra cũng chỉ có thể xử phạt chủ bến hoạt động chưa có phép chứ không thể cưỡng chế phá dỡ.

Để giải quyết nghịch lý này, cơ quan chức năng cần phải có phương án quản lý phù hợp. Cụ thể, với các bến thủy nội địa đang khai thác mà chưa có giấy phép hoạt động, nếu không vi phạm hành lang bảo vệ công trình, không ở vị trí gây nguy hiểm về an toàn giao thông thì có thể xem xét cấp phép hoạt động tạm thời trong thời gian nhất định, có thể là 2 năm. Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày công bố hoạt động, người khai thác bến thủy nội địa phải thực hiện đầy đủ các thủ tục (về thủ tục mở bến) và đóng thuế, phí theo quy định.

Hết thời hạn nói trên nếu người khai thác có nhu cầu tiếp tục hoạt động, cơ quan quản lý lại xem xét gia hạn (cũng không quá 2 năm). Nếu người khai thác bến không thực hiện thủ tục, hoặc bến thủy nội địa xét thấy không đủ điều kiện để công bố hoạt động sẽ phải tiến hành giải tỏa, tháo dỡ.

Việc đưa ra cơ chế “mở” như vậy sẽ giúp các bến thủy nội địa chưa được cấp phép hiện nay sớm đi vào nền nếp, không phải nơm nớp hoạt động trong cảnh dù không muốn vẫn cứ phải vi phạm. Và Nhà nước cũng sẽ không bị thất thu thuế, phí từ các bến thủy này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng bằng cơ chế "mở"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.