Giao thông

Bộ GTVT đối thoại với doanh nghiệp hàng hải, đường thủy nội địa

Hà Tuấn 22/03/2024 - 19:27

Chiều 22-3, Hội nghị đối thoại doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng phát biểu tại hội nghị.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo Bộ GTVT; đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương; đại diện UBND 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các Sở GTVT và gần 180 doanh nghiệp vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và logistics trong cả nước.

Phương tiện thủy, đội tàu bộc lộ nhiều hạn chế

Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam, thẳng thắn nêu, phương tiện vận tải thủy kinh doanh chuyên nghiệp chiếm tỷ lệ chưa cao, kinh doanh không thường xuyên. Trong khi, đa số phương tiện vận tải lẻ, công ty tư nhân chỉ có số lượng 2-3 sà lan, manh mún, đông nhưng không mạnh, không đủ cạnh tranh. Đáng nói là tạo ra sự cạnh tranh giá cước, tăng tiêu cực, tăng chi phí, trốn thuế làm chậm sự phát triển ngành đường thủy nội địa.

Từ đó, ông Trần Đỗ Liêm kiến nghị bổ sung danh mục phương tiện và đề nghị Nhà nước ưu tiên tín dụng đầu tư ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư phương tiện tàu. Hiện, mức vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng mới được hưởng ưu đãi là quá cao, chưa phù hợp. Bởi thực tế, cảng đường thủy nội địa đón tàu đến 20.000 tấn, tàu có giá trị đầu tư chỉ 300 - 400 tỷ đồng là cao nhất.

Đồng quan điểm, ông Vũ Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Vận tải và xếp dỡ Hải An phân tích, những người trong ngành rất tự hào khi Việt Nam hiện có 3 cảng nằm trong danh sách 50 cảng container có sản lượng thông qua lớn nhất thế giới. Thế nhưng, thực trạng đáng buồn là Việt Nam có 1.015 tàu vận tải thủy nhưng tàu container lại rất ít, chỉ có khoảng gần 50 tàu. Trong đó, có nhiều tàu đã hơn 25 tuổi và theo các quy định mới nhất về bảo vệ môi trường, các tàu tuổi 25 năm trở lên không đáp ứng được nhiều yêu cầu.

gt3.jpg
Gần 180 doanh nghiệp vận tải hàng hải, đường thủy nội địa và logistics trong cả nước tham dự.

Để duy trì phát triển đội tàu, theo ông Hải, các đơn vị cần có thêm nhiều đội tàu mới để phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Trong đó, ưu tiên tàu đóng mới hoặc đã qua sử dụng nhưng có đặc tính tốt về hiệu quả năng lượng.

Bên cạnh đó, ông Hải đề xuất, Nhà nước có chính sách tốt về lãi vay cho doanh nghiệp đầu tư phát triển đội tàu container. Miễn hoặc giảm thuế VAT nhập khẩu tàu container và miễn thuế nhà thầu cho doanh nghiệp khi thực hiện việc thuê, hoặc thuê mua container.

Chia sẻ với ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang một lần nữa khẳng định, Bộ GTVT luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội để tiếp tục đồng hành, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp hàng hải và đường thủy nội địa để cùng thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, vận tải biển, đường thủy nội địa, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng cảng biển, cảng đường thủy nội địa.

Xây dựng chiến lược phát triển cảng xanh

Tại hội nghị, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam thông tin, vận tải biển đang chiếm khoảng 90% tổng lượng vận tải toàn cầu. Từ năm 1980 đến nay, tăng trưởng từ 5% - 10%/năm. Dự kiến, sản lượng vận tải container đạt 978 triệu TEU vào năm 2025. Trong đó, gần 60% khối lượng vận tải container qua Biển Đông.

cang-brvt-2-.jpg
Các đại biểu kiến nghị, cần xây dựng chiến lược cho khu vực cảng, phát triển cảng xanh.

Do đó, để có cảng trung chuyển đầu tiên tại Việt Nam, điều kiện cần và đủ là phải có đối tác phù hợp; đúng vị trí gần với các tuyến đường hàng hải chính toàn cầu, dễ dàng tiếp cận bằng các dịch vụ trung chuyển và biển sâu, yếu tố địa lý thuận lợi, nước sâu >15,5m tiếp nhận tàu post-panamax, trang thiết bị công suất lớn...

Để làm được điều đó, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm, đại diện Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn đề xuất Chính phủ và Bộ GTVT bổ sung quy hoạch và xây dựng chiến lược cho khu vực cảng, phát triển cảng xanh; thiết lập cơ chế hỗ trợ chính sách, thu hút vốn đầu tư; cải tạo mở rộng hệ thống sông ngòi, có cơ chế phát triển giao thông thủy nội địa.

Trăn trở về vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, xu thế phát triển ngành hàng hải và đường thủy nội địa hiện nay là công nghệ số, cảng xanh, chuyển đổi năng lượng, giảm khí thải và sử dụng tàu trọng tải lớn. Đây là những thách thức lớn đối với các chủ tàu, chủ cảng. Vì vậy, doanh nghiệp cần phải có kế hoạch phát triển để thích ứng kịp thời, nếu không sẽ bị tụt hậu so với thế giới…

cmtv-1-.jpg
Việt Nam có 3 cảng biển nằm trong nhóm 50 cảng biển có sản lượng container thông qua lớn nhất thế giới, trong đó, cảng Cái Mép - Thị Vải đứng thứ 32.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng đã gợi ý một số vấn đề mà Bộ trăn trở và rất mong muốn, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đề xuất các giải pháp thiết thực để tận dụng thế mạnh là Việt Nam có hệ thống bờ biển dài, nhiều cảng biển lớn, đa dạng, dày đặc đường thủy nội địa từ Bắc đến Nam. Vì hiện nay, vận tải đường bộ đang chiếm ưu thế về chuyển người và hàng hóa, còn vận tải đường biển ven bờ, đường thủy nội địa lại chưa được khai thác một cách hiệu quả.

“Bộ GTVT đặt ra mục tiêu là nâng thị phần vận tải hàng hóa trong nước bằng đường biển ven bờ và đường thủy nội địa, trước mắt tối thiểu được 50%. Nếu nâng được thị phần này sẽ có cơ hội giảm chi phí vận chuyển, chi phí logistics, tiết kiệm tối đa chi phí bảo trì, bảo dưỡng, giảm được tai nạn giao thông”, ông Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Hiện, cả nước có 202 cảng hàng hóa, 11 cảng hành khách, 97 cảng chuyên dùng, 4.791 bến thủy nội địa có phép, 1.271 bến không phép và 2.526 bến khách ngang sông. Việt Nam có 2.360 con sông, kênh có tổng chiều dài gần 41.900km với 9 hệ thống sông chính đổ ra biển thông qua hơn 120 cửa sông. Tổng chiều dài đường thủy nội địa cả nước đang được quản lý khai thác là 26.737km. Năm 2023, tuyến vận tải ven biển có lưu lượng vận chuyển hàng hóa thông qua các cảng thủy nội địa, cảng biển ước khoảng 225 triệu tấn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bộ GTVT đối thoại với doanh nghiệp hàng hải, đường thủy nội địa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.