(HNM) - Trước khi Luật Quảng cáo ban hành có hiệu lực từ ngày 1-1-2013, Hà Nội đã thực hiện quy hoạch quảng cáo (QHQC) tấm lớn và có quy chế quản lý hoạt động QC, nhưng QC ngoài trời vẫn là một trong những thứ
Thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2014", đồng thời đưa hoạt động QC vào nền nếp, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã xây dựng "Quy hoạch quảng cáo ngoài trời đến năm 2020, định hướng đến năm 2030" và dự thảo "Quy chế hoạt động quảng cáo ngoài trời" trình UBND TP Hà Nội phê duyệt.
Tình trạng quảng cáo lộn xộn, không phép làm xấu hình ảnh đô thị xuất hiện trên nhiều tuyến đường Thủ đô. Ảnh: Hải Anh |
Đồng nhất trên toàn thành phố
Khảo sát của Công ty cổ phần Quảng cáo và tổ chức sự kiện Kỷ Nguyên (đơn vị do Sở VH-TT&DL Hà Nội giao xây dựng dự thảo QHQC ngoài trời) cho thấy, tình trạng QC ngoài trời trên địa bàn Hà Nội những năm gần đây khá lộn xộn. Rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không tuân thủ đúng các quy định về kích thước, vị trí, giấy phép QC, gây ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị, mất trật tự công cộng, thậm chí làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông và tăng nguy cơ cháy nổ. Việc quản lý nhà nước đối với hoạt động QC ngoài trời cũng chưa được tiến hành triệt để, thủ tục cấp phép chồng chéo, thiếu chế tài xử lý vi phạm… Từ thực tế đó, QHQC tấm lớn dự kiến sẽ được thực hiện trên các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường nội thành, nội thị. Hình dáng, kích thước của bảng QC tấm lớn sẽ đồng nhất (15m dài x 8m rộng). Bảng QC tấm nhỏ (40m2) sẽ không được lắp đặt trên các cầu vượt nội thành, cầu bắc qua sông Hồng, trong các công viên có truyền thống lịch sử, văn hóa… Bảng QC ốp tường theo dự thảo QHQC ngoài trời sẽ tăng từ 103 bảng lên 321 bảng ở 12 quận nhưng không được lắp đặt tại các giao lộ giao thông có cầu vượt, đường sắt, đường bộ trên không đi qua.
Là trung tâm chính trị, văn hóa của đất nước, vì thế, dự thảo QHQC ngoài trời tại Hà Nội cũng đặc biệt quan tâm tới việc chấn chỉnh hoạt động QC băng rôn. Theo đó, băng rôn QC, tuyên truyền có kích thước đồng nhất (1,5m dài x 0,75m rộng) và được treo vào hệ giá cố định bằng thép không gỉ, liên kết chắc chắn với cột đèn chiếu sáng, khoảng cách tối thiểu giữa các băng rôn liền kề là 80m. Dự kiến, Hà Nội sẽ có hơn 14 nghìn vị trí được quy hoạch để treo băng rôn. Ngoài ra, QHQC ngoài trời còn quy định rõ nội dung, hình thức, kích thước và các vị trí lắp đặt biển hiệu, biển QC trên các phương tiện giao thông, nhà chờ xe buýt, nhà cao tầng, dải phân cách, đường hầm dành cho người đi bộ… Việc khai thác vị trí QC sẽ được tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà thầu công khai. Đi liền với dự thảo QHQC ngoài trời còn có dự thảo Quy chế quản lý hoạt động QC ngoài trời với những quy định rất rõ ràng về những khu vực được QC và không được QC ngoài trời, về nội dung và hình thức QC kèm theo các hình thức khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm.
Tiếp tục lấy ý kiến
Dự thảo QHQC ngoài trời và Quy chế hoạt động QC ngoài trời đã được Sở VH-TT&DL đưa ra lấy ý kiến vào cuối tuần qua và đã thu được nhiều ý kiến trái chiều. Đại diện Sở GT-VT Hà Nội cho biết, việc không thực hiện QC ngoài trời trên các cầu vượt nội thành là nên làm, còn với các cầu vượt bắc qua sông Hồng thì cần cân nhắc. Lý do vì cầu Thăng Long không nằm trong khu vực QHQC trước đây nhưng thực tế vẫn diễn ra các hoạt động QC.
Đồng tình với việc QC ngoài trời phải tính đến yếu tố giao thông, ông Phạm Thành Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng của thành phố nên rà soát lại hệ thống bảng, biển QC ngoài trời, bảng, biển nào không phù hợp trước khi loại bỏ phải có sự giải thích rõ, tránh tổn hại đến lợi ích của các doanh nghiệp QC. Ông Phạm Thành Minh cho rằng, không nên cấm QC trên các nhà ở cao tầng trong khu đô thị, nhà chung cư cao tầng, mà chỉ nên hạn chế. Đặc biệt, nếu gắn chíp định vị cho các cột quảng cáo tấm lớn thì công tác quản lý sẽ dễ dàng hơn. Là người trực tiếp quản lý hoạt động QC tại cơ sở, ông Nguyễn Trọng Duy, Trưởng phòng VH- TT quận Long Biên phân tích, diện tích bảng QC tấm lớn rộng 120m2 theo QHQC là hơi nhỏ, nên điều chỉnh tăng lên 150-200m2. Cũng theo ông Duy, việc cấp phép bảng QC tấm nhỏ nên giao cho cấp quận, huyện, thị xã để thuận lợi hơn cho công tác quản lý; còn biển hiệu chỉ nên có một loại là biển hiệu dọc, loại bỏ biển hiệu ngang.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Tô Văn Động khẳng định, sự lộn xộn trong hoạt động QC ngoài trời đang tạo ra một thứ "rác" đô thị cho Hà Nội. Muốn xây dựng Thủ đô văn minh, sạch đẹp, chúng ta phải dọn sạch "rác" QC. Tuy nhiên, nhu cầu QC của doanh nghiệp rất lớn, nếu đáp ứng hết, Thủ đô sẽ không còn diện tích cho cây xanh, vì thế những ý kiến đóng góp sẽ được Sở tiếp thu và tiếp tục tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đến nhiều đối tượng. Tuy nhiên, một số quy định chặt chẽ trong dự thảo Quy hoạch và Quy chế vẫn sẽ được giữ nguyên nhằm bảo đảm mỹ quan đô thị.
"Từ bài học trong việc phân cấp quản lý di tích, lễ hội, kinh doanh karaoke cho quận, huyện, thị xã quản lý chưa đạt hiệu quả như mong muốn, Sở sẽ chỉ giao quyền cấp phép QC cho địa phương khi quận, huyện có đủ điều kiện quản lý. Hiện tại, đầu mối quản lý hoạt động QC trên địa bàn Hà Nội là Sở VH-TT&DL và Sở sẽ quyết tâm dọn rác QC ngoài trời đến cùng" - ông Tô Văn Động nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.