Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ rào cản “làm khó” doanh nghiệp

Hồng Sơn| 12/04/2022 06:11

(HNM) - Nhận định về cải cách hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp thời gian qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, nhìn chung các chính sách được ban hành kịp thời, đã nhìn “trúng” và “đúng” các đối tượng cần hỗ trợ. Tuy vậy, thực tế cũng cho thấy vẫn còn không ít bất cập, hạn chế cần sớm giải quyết nhằm loại bỏ những quy định cản trở sự phát triển của doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp đề xuất sửa đổi quy định trong một số thông tư của Bộ NN&PTNT liên quan đến danh mục hàng chế biến thủy sản phải kiểm dịch. Trong ảnh: Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty cổ phần Chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (tỉnh Cà Mau). Ảnh: Hữu Tùng

Xu hướng gia tăng điều kiện kinh doanh mới

Tại Hội thảo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2021” do VCCI tổ chức mới đây, nhiều ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp bày tỏ lo ngại về những thông tư (hướng dẫn thi hành các văn bản pháp luật) chưa phù hợp, bất hợp lý, gây khó cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phó Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tại Hà Nội Trần Hoàng Yến nêu ví dụ, việc duy trì, mở rộng các đối tượng, danh mục hàng chế biến phải kiểm dịch như Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTNT, Thông tư số 26/2016/TT-BNNPTNT và Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN&PTNT, là biện pháp quá mức và không cần thiết, chưa phù hợp với chủ trương cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành cũng như thông lệ quốc tế. Do đó, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm sửa đổi các thông tư nói trên. Đáng lưu ý, đây chỉ là một trong số nhiều kiến nghị đến các cơ quan quản lý mà VASEP kiên trì theo đuổi nhằm giảm bớt áp lực cho doanh nghiệp.

Một ví dụ nữa là sự xuất hiện các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới đã đặt ra thách thức cho các cơ quan chức năng trong việc xác định cách quản lý phù hợp. Dịch Covid-19 làm nảy sinh nhu cầu về dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, song pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh chưa có quy định về hình thức này, gây vướng mắc cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ y, dược vốn rất cần thiết cho cuộc sống.

Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, Chính phủ thúc đẩy cải cách, cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp nhưng một số chính sách đề xuất soạn thảo trong năm 2021 lại có xu hướng gia tăng điều kiện kinh doanh mới.

Từ kinh nghiệm tiếp xúc, nắm bắt thông tin với doanh nghiệp, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, trong những đề xuất cắt giảm điều kiện kinh doanh và chi phí tuân thủ, doanh nghiệp vẫn nhìn thấy tính hình thức, một số quy định bất hợp lý chưa được điều chỉnh. Xu hướng siết chặt quản lý ở một số ngành, lĩnh vực là nghịch lý tồn tại trong soạn thảo chính sách. Thêm vào đó, chất lượng của thông tư, công văn vẫn còn nhiều điểm quan ngại, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả của hoạt động cải cách thể chế.

Kết luận phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, đầu tháng 3-2022, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá, công tác cải cách hành chính vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và mong muốn của người dân, doanh nghiệp; người dân, doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về "giấy phép con"… Nguyên nhân chủ quan là xuất phát từ nhận thức, sự quan tâm lãnh đạo, thực hiện của người đứng đầu các cấp hành chính, liên quan tới thể chế, bộ máy, con người và việc vận hành, quy trình, thủ tục hành chính.

Hướng dẫn làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Theo khảo sát của VCCI, 94% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 nên chính sách về kinh doanh nhằm chia sẻ và thúc đẩy sự phục hồi của doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Nếu không được hỗ trợ mà còn có thêm cản trở thì doanh nghiệp rất khó trụ vững trên thị trường.

Với quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, quá trình phục hồi của doanh nghiệp vẫn đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi nỗ lực, tốc độ cải cách mạnh mẽ, toàn diện hơn; phải đồng đều và chủ động, cụ thể trong các cơ quan, đơn vị thực thi. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cũng nhấn mạnh, cần “tăng nhiệt cải cách”, bởi điều đó không chỉ cải thiện môi trường kinh doanh, mà còn tăng sức chống chịu của nền kinh tế.

Trong kế hoạch hoạt động năm 2022, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ dự kiến tổ chức 5 hội nghị đối thoại với doanh nghiệp về khó khăn, vướng mắc trong thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính; tiếp nhận kiến nghị về những rào cản trong hoạt động kinh doanh quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hành chính; tham vấn các hiệp hội doanh nghiệp phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh... 

Tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trong năm 2022 phải tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan tới người dân và doanh nghiệp để khơi dậy và huy động mọi nguồn lực phát triển đất nước, nâng cao hiệu quả, hiệu lực điều hành của các bộ, ngành, địa phương.

Các bộ, ngành, địa phương đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện cải cách hành chính, cụ thể: Xây dựng, hoàn thiện thể chế phục vụ cải cách hành chính; tiếp tục rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; đầu tư nguồn lực về tài chính, con người; lắng nghe ý kiến của các cơ quan, đơn vị, người dân, cầu thị để đẩy mạnh cải cách hành chính.

Thủ tướng cũng yêu cầu, tiếp tục đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế về cải cách hành chính thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, ngành, địa phương, chủ động xử lý, tập trung tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn, huy động nguồn lực để phát triển và phục vụ người dân, doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gỡ rào cản “làm khó” doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.