Bất động sản

Gỡ khó đấu giá quyền sử dụng đất

Hoàng Sơn 12/08/2023 - 06:20

Hiện công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố Hà Nội đang trầm lắng do thị trường bất động sản “đóng băng”, một số quy định pháp lý chưa thống nhất…

Trước thực tế này, UBND thành phố Hà Nội đã điều chỉnh chính sách ủy quyền cho UBND cấp huyện được thành lập Hội đồng thẩm định giá và quyết định giá khởi điểm đấu giá đất nhằm tháo gỡ khó khăn, kích cầu thị trường bất động sản, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước…

dau-gia.jpg
Phiên đấu giá quyền sử dụng đất để xây dựng nhà ở đối với 15 thửa đất tại điểm X8, thôn Hà Phong, xã Liên Hà (huyện Đông Anh). Ảnh: Bá Đông

Gặp nhiều khó khăn

Đấu giá quyền sử dụng đất ở là nguồn thu chính của các địa phương để đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội. Thế nhưng, từ đầu năm 2023 đến nay, công tác đấu giá quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố mới tổ chức được 65 phiên đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có 37 phiên thành công, 28 phiên không thành công. Tính cả các khoản thu năm 2022 chuyển sang, toàn thành phố mới thu từ đấu giá quyền sử dụng đất được gần 1.400 tỷ đồng, đạt 10% kế hoạch.

Tại Quốc Oai, từ đầu năm đến nay, huyện mới tổ chức được 4 đợt bán hồ sơ đấu giá các khu đất có hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, vị trí đẹp, có tiềm năng phát triển, song không có khách hàng đến giao dịch. Tại huyện Mê Linh, công tác đấu giá quyền sử dụng đất cũng không có kết quả khả quan. Theo kế hoạch, năm 2023, Mê Linh thực hiện đấu giá 9 dự án, khoảng 706 thửa đất, dự kiến thu về cho ngân sách 803 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến tháng 7-2023, Mê Linh cũng chỉ tổ chức được 3 phiên, đấu giá thành công 10 thửa đất, số tiền thu được gần 38 tỷ đồng, chưa đạt 4% chỉ tiêu.

Tương tự, tại các quận, huyện: Long Biên, Phúc Thọ, Đông Anh, Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Thanh Trì..., số phiên đấu giá quyền sử dụng đất thành công thấp, không đạt chỉ tiêu đề ra.

Trưởng phòng Quản lý phát triển quỹ đất, Trung tâm Phát triển quỹ đất (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) Lê Hoàng Phúc Vinh cho biết, nguyên nhân tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất chậm là do nhu cầu của thị trường bất động sản không cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, dẫn đến một số dự án gặp khó khăn về tài chính. Hơn nữa, chính sách, pháp luật không quy định về cơ sở điều chỉnh giá khởi điểm trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng, giá khởi điểm để đấu giá cao hơn so với thị trường. Việc tạo lập quỹ đất còn khó khăn do công tác bồi thường, hỗ trợ, thu hồi đất chưa nhận được sự đồng thuận của nhân dân… Nhiều đơn vị tư vấn từ chối tham gia công tác xác định giá khởi điểm đất, hoặc tiến hành chậm do tâm lý e ngại trách nhiệm.

Tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định thành lập Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và quyết định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp khu đất đấu giá có giá trị (tính theo giá đất trong bảng giá đất) từ 30 tỷ đồng trở lên để giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố. Thời hạn ủy quyền từ ngày 4-7-2023 đến hết 30-6-2025.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Đông Anh Trần Văn Khôi, việc ủy quyền của thành phố giúp các địa phương chủ động điều chỉnh giá đất về sát giá trị thực. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ đấu giá đất, ông Trần Văn Khôi đề xuất UBND thành phố báo cáo Chính phủ tháo gỡ vướng mắc về sự chồng chéo giữa các quy định của pháp luật trong đấu giá quyền sử dụng đất. Cụ thể, tại Điểm a, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 29, Luật Đầu tư 2020 quy định, các dự án đấu giá phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư (trước đây không cần). Do đó, các đơn vị, địa phương lại phải lập hồ sơ gửi các sở, ngành để thực hiện công tác chấp thuận chủ trương đầu tư nên tiến độ đấu giá bị ảnh hưởng...

Còn theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai Nguyễn Trung Thành, huyện kiến nghị cho thu hồi đất theo từng giai đoạn và triển khai đấu giá theo từng phần; hỗ trợ vốn vay thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu đất đấu giá…

Về vấn đề này, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, Sở đang tích cực phối hợp với các sở, ngành chức năng rà soát, tháo gỡ khó khăn về thủ tục, hồ sơ giao đất, quy trình đấu giá quyền sử dụng đất cho các đơn vị, địa phương... Ngoài ra, Sở đang tham mưu thành phố kiến nghị các bộ, ngành xem xét xây dựng một quỹ nhà ở xã hội tập trung, thay vì quy định dành 20% quỹ đất trong khu đấu giá để xây dựng nhà ở xã hội như hiện nay.

Hy vọng rằng, với việc thành phố đã “gỡ nút thắt” cho các địa phương tự quyết định giá khởi điểm và sự vào cuộc khẩn trương của các sở, ngành, địa phương, công tác đấu giá quyền sử dụng đất sẽ sôi động trở lại, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ khó đấu giá quyền sử dụng đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.